SINH HOA LỢI

Chúa Nhật 27 Thường Niên, năm A: Mt 21, 33-43

Suy niệm

Ngôn sứ Isaia đã ví dân Israel như một vườn nho được Thiên Chúa chăm sóc và không ngừng bảo vệ. Ngài hy vọng sẽ nhận được hoa quả ngon ngọt (Is 5,2b.3.4a.5), nhưng Israel đã không cho hoa quả mà còn gây thêm họa. Dụ ngôn Chúa Giêsu nói ở đây cũng rút ra từ đó, nhưng với ý hướng mới là vườn nho được giao cho các tá điền canh tác. Các tá điền là những giới chức tôn giáo Do Thái, những người được giao cho trách nhiệm dẵn dắt dân Thiên Chúa, nhưng họ đã tham lam chiếm đoạt, giết chết những ai được sai đến, ngay cả “đứa con thừa tự”.

Qua dụ ngôn, Đức Giêsu muốn nói mình chính là Người Con ấy của  Thiên Chúa. Ngài tiên báo về cái chết sắp đến của mình bởi những tá điền sát nhân, là các nhà lãnh đạo Do Thái giáo đương thời. Thế nhưng cái chết ấy không chấm hết, nhưng lại là cánh cửa mở ra một trang sử mới cho cả nhân loại,“viên đá bọn thợ xây loại ra, đã trở nên viên đá góc”. Bị loại bỏ là việc độc ác của con người, còn trở nên viên đá góc là việc kỳ diệu của Thiên Chúa. Trên nền tảng đó, một dân mới được thiết lập chính là Giáo Hội phổ quát mà chúng ta đang thuộc về.

Bài Phúc Âm cho chúng ta cảm thấy xốn xang về lòng dạ xấu xa của con người trước tình yêu sâu xa của Thiên Chúa. Ngài đã chọn lấy một dân riêng, đã ân cần nuôi dưỡng, chăm sóc, và sai họ đi làm chứng về tình thương của Ngài. Đáng tiếc, thay vì sản sinh những hoa quả ngon ngọt của lòng trung thành và của sự bình an, họ đã tạo ra hận thù, ghen ghét, bạo lực. Đúng như lời tiên tri Giêrêmia: “Không gì nham hiểm và bất trị như lòng người, ai dò thấu được? (17, 9).

Con người là như vậy: tham lam và ích kỷ, bất trung và vô ơn, kiêu căng và giả hình, ghen ghét và hận thù, chiếm hữu và thống trị, loại trừ và tiêu diệt... là hậu quả của sự ham mê vô độ. Con người dường như chẳng bao giờ bằng lòng với chính mình, vì ham muốn không ngưng nên cũng tạo nên nghiệp chướng không ngừng. Không lạ gì mà Phật giáo chủ trương diệt dục, vì ngay cả những ham muốn tốt lành cũng giăng đầy những nguy cơ và cạm bẫy.

Dụ ngôn đòi ta phải xét lại chính mình. Con người là hư không, nhưng tình yêu Thiên Chúa đã làm thành hiện hữu. Có được cái gì cũng là do Chúa ban, làm được cái gì cũng là do Chúa giúp. Vườn nho mà Thiên Chúa giao cho ta trước tiên là chính cuộc đời mình, để ta tự do sáng tạo và góp phần vào công trình cứu độ của Chúa, nghĩa là ân ban phải được tiếp tục trao ban. Do đó, mọi hình thức chiếm đoạt và sở hữu riêng cho mình đều là phản bội, phá vỡ quan hệ tình yêu. Sự sống sẽ trở nên phi lý nếu không còn tình yêu. Bởi vậy, Thiên Chúa không là gì khác, mà là Tình Yêu. Chẳng có gì thỏa đáng cho khát vọng sâu thẳm của con người ngoài tình yêu. Chính trong ý nghĩa đó mà bài Tin Mừng hôm nay cũng đặt vấn đề tình yêu phục vụ ở trong Hội Thánh. Có những thứ phục vụ để mong chiếm hữu, để được làm chủ, để lấy điểm, để mong được cất nhắc lên, để được bề trên để ý tới, để được nhiều thứ lợi lộc, để gia tăng thanh thế và danh giá cho mình…

Chúng ta dễ quên vai trò phục vụ của mình là một tá điền, chỉ làm những việc như Chúa muốn, để đem lại ích lợi phần rỗi cho nhân sinh. Đó là ý nghĩa cao cả cho sự hiện hữu của chúng ta. Nhưng rất tiếc, nhiều khi ta đi tìm giá trị đời mình ở những lợi lộc trần thế, nhất là tuổi trẻ, muốn săn lùng và chiếm hữu nhiều thứ khác nữa, khiến ước vọng trở thành dục vọng. Sống đời Kitô hữu không phải là làm cho mình thêm nhiều lên, mà là làm giảm bớt đi: bớt đi những tham lam và chiếm hữu, bớt đi những quyền hành và danh giá. Cũng vậy con đường nên thánh không phải bước lên mà là bước xuống: bước xuống để phục vụ và dâng hiến; bước xuống để liên kết và hợp nhất với nhau trong tình yêu Đức Kitô, Đấng là đầu trong thân thể nhiệm mầu.

Cầu nguyện

Lạy Cha!
Mỗi người chúng con sinh ra đời,
đều được gọi mời thi hành một sứ vụ,
là niềm vinh hạnh để phục vụ Nước Trời,
để đời con nên nhân chứng Đức Kitô,
đem đến cho con người ơn cứu độ.

Đó cũng là ý nghĩa toàn bộ của đời con,
khi lắng nghe Chúa trong nguyện cầu,
để nhận ra các dấu chỉ của trời cao,
cho đời con trở thành lời loan báo.

Nhận ra sứ vụ của đời mình,
nhưng nhiều khi con vô tình sao lãng,
làm phí phạm hoặc mất mát những ân ban,
khi nhìn lại con mới chợt bàng hoàng,
vì thấy Chúa vẫn âm thầm đang mong đợi.

Có khi con sống sứ vụ như người đời,
muốn có quyền lợi và ham mê địa vị,
cũng hơn thua cũng mưu mô và tính toán,
hoặc làm với thái độ khoe khoang tự mãn,
nên phúc không thấy mà tội lại vương mang.

Có khi con lại sống sứ vụ rất mơ màng,
nghĩ rằng giữ đạo chỉ cần lên thiên đàng là đủ,
chẳng cần chi phải nhiệt tình với sứ vụ,,
nhưng đó là cách con phòng thủ biện minh,
để mình được sống an nhàn khỏi hy sinh.

Có khi lệ thuộc vào Chúa làm con sợ,
vì thấy đời mình như món nợ nặng nề,
con đã quên mình trở về từ trong tội lệ,
với phẩm giá cao sang và vị thế cao vời,
để hôm nay con đáp lại lời mời cao cả,
là sống cuộc đời mình để đáp trả tình Cha.

Ước chi sứ vụ đời con là một khúc tình ca,
để góp phần đem lại an hòa cho thế giới,
để mỗi ngày thiên hạ thêm biết Cha,
Đấng là tất cả bây giờ và mãi mãi. Amen.

Lm. Thái Nguyên

 

 

 

 

 

 


Suy Niệm Đời Chúa