TA SẼ SAI
AI ĐÂY?
Chúa Nhật 29 Truyền Giáo : Mt 28,16-20
Suy niệm
Truyền giáo là một mệnh lệnh và là một
ước mơ của Đức Kitô Phục Sinh: “Anh em
hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ Thầy”. Đó là sứ mạng của toàn
thể Giáo hội. Đó là sứ mạng cao cả nhất của mỗi người Kitô hữu mà chúng ta đã
lãnh nhận khi chịu phép Rửa tội, đặc biệt từ khi chịu phép Thêm sức.
Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền giáo năm
2020, năm được ghi dấu bởi những đau khổ và thách đố
do đại dịch Covid-19 gây ra, qua đó Đức Thánh Cha Phanxicô tìm thấy con đường
truyền giáo của Giáo Hội trong ơn gọi của tiên tri Isaia: “Dạ, con đây, xin
sai con đi” (Is 6,8). Ngài cho biết đó là câu trả lời luôn luôn mới trước
câu hỏi của Chúa: “Ta sẽ sai ai đây?” (Is 6, 8). Lời kêu gọi này xuất
phát từ con tim của Thiên Chúa, từ lòng thương xót của Người, chất vấn cả Giáo
hội và nhân loại trong cuộc khủng hoảng thế giới hiện nay.
Đứng
trước cơn dịch toàn cầu, cùng với những thiên tai kinh khủng ở vài quốc gia,
cũng như đại họa chiến tranh đang lăm le xảy ra do chủ nghĩa bá quyền đang bành
trướng, nên Đức Phanxicô nói: “Chúng ta thực sự hoảng sợ, mất phương hướng
và khiếp đảm. Đau đớn và cái chết làm cho chúng ta cảm nghiệm sự yếu đuối của
con người; nhưng đồng thời nhắc nhở chúng ta về một khát vọng mạnh mẽ về sự
sống và về việc được giải thoát khỏi sự dữ. Trong bối cảnh này, lời mời gọi
loan báo Tin Mừng, lời mời ra khỏi chính mình vì tình yêu Thiên Chúa và người
lân cận được trình bày như một cơ hội để chia sẻ, phục vụ và cầu bầu. Sứ vụ mà
Thiên Chúa giao phó cho mỗi người đi từ cái tôi sợ hãi và khép kín đến cái tôi
được tìm thấy, và đổi mới từ chính việc trao ban chính mình cho người khác”.
Đây là điều mà không phải người Kitô hữu nào cũng cảm nhận và
ý thức đáp trả bằng sự dấn thân cho sứ vụ, nhưng chỉ những ai sống mối
tương quan tình yêu cá nhân với Chúa Giêsu, Đấng đang hiện diện sống động trong
Giáo hội. Do đó, Đức Thánh Cha gợi lên những điều mà chúng ta phải tự hỏi chính
mình xem: Tôi có sẵn sàng để đón nhận sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong
cuộc sống của mình chưa? Tôi có sẵn sàng lắng nghe lời kêu gọi loan báo Tin
Mừng trong đời sống hôn nhân, trong đời sống thánh hiến hay đời sống linh mục,
và trong đời sống hàng ngày chưa? Tôi có sẵn lòng để được sai đi khắp nơi để
làm chứng cho đức tin của mình vào Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót chưa?
Tôi có như Đức Maria, sẵn sàng phục vụ ý muốn của Thiên Chúa chưa? (Lc 1,38).
Chính trong bối cảnh của thế giới hôm nay mà Chúa hỏi mỗi người
chúng ta: Ta sẽ sai ai đây? Chắc chắn Chúa đang chờ đợi câu trả lời một cách quảng
đại và nhiệt tình của mỗi Kitô hữu: “Dạ, con đây, xin sai con đi” (Is
6,8). Hãy cảm nhận nỗi khát khao và mong chờ của Thiên Chúa, Đấng vẫn đau nỗi
đau của nhân loại chúng ta, đang mong muốn chúng ta hãy sẵn sàng làm chứng cho tình yêu cứu độ của Ngài, để qua đó, Ngài giải thoát thế giới khỏi
sự ác, tội lỗi và cái chết (Mt 9,35-38; Lc 10,1-12).
Cuối sứ
điệp, Đức Thánh Cha nêu lên rằng: “Cử hành Ngày Thế giới Truyền giáo cũng có
nghĩa là tái khẳng định cách cầu nguyện, suy tư và giúp đỡ vật chất cho công
cuộc loan báo Tin Mừng; là cơ hội để tích cực tham gia vào sứ mạng của Chúa
Giêsu trong Giáo hội của Người”. Chúng ta hãy lấy làm
vinh dự được cộng tác vào sứ mạng cao quý này, đừng để mình sống đạo
một cách bâng quơ hay bị cứng đọng vào những hình thức đạo đức hằng ngày, mà
cần khám phá ra ý nghĩa của biến cố trong thế giới hôm nay, như một dấu chỉ của
thời điềm. Hãy để trái tim mình được thúc bách bởi tình yêu mến Chúa và tha
nhân, cũng như được thúc giục bởi Chúa Thánh Thần để góp phần xây dựng nước
Chúa một cách mới mẻ trong ơn gọi của mình.
Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu!
Truyền giáo là nhiệm vụ cấp thiết,
là sứ vụ của cuộc đời Kitô hữu.
Có biết bao người đang
tìm Chúa,
đang khao khát được gặp Chúa,
đang mong nghe được Lời Chúa,
đang muốn thấy Chúa qua chúng con.
Trước tiên xin cho con
biết cầu nguyện,
để có nhiều tâm hồn quảng đại
dám hiến thân phụng sự Chúa,
và nhiều người nhận được ơn hoán cải.
Xin cho con biết hăm hở
và niềm nở,
đến gặp gỡ với mọi người xung quanh,
với thái độ chân thành và thương mến,
sẵn sàng phục vụ và đồng hành chia sẻ,
tạo an vui và mới mẻ trong tình người.
Nhưng Lạy Chúa!
Đến với mọi người thật không dễ,
vì trong một xã hội vô thần và duy vật,
có nhiều cách biệt trong tâm tưởng,
với quan niệm và lối sống trái ngược.
Nhưng xin cho con cứ dấn
thân,
cứ nhiệt tâm ân cần với sứ vụ,
vì kết quả là tùy thuộc vào Chúa.
Con cảm thấy như Chúa
đang than thở:
“Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít...”
và con biết Chúa cũng đang kiếm tìm người,
Này con mạo muội chân tình thưa với Chúa:
“Lạy Chúa, này con đây, xin hãy sai con”. Amen.
Lm. Thái Nguyên