Ngày 26 tháng 12
Thánh Têphanô Tử đạo
(Mt 10,16-22)
1 Theo bài Tin Mừng hôm nay, Chúa
Giêsu báo trước cho các môn đệ biết : các ông sẽ bị người ta ganh ghét, bách hại.
Họ sẽ tố cáo và sẽ nộp các ông cho vua quan. Có khi cả người thân trong gia
đình cũng tố cáo giết hại nhau.
Đó là dịp may để các ông làm chứng cho
Chúa. Lúc đó, Chúa Thấn Thần sẽ soi sáng cho các ông ăn nói khôn ngoan. Và ai bền
đỗ theo Chúa đến cùng thì được cứu rỗi.
Thánh Têphanô được phúc chết vì Chúa
trước hết. Như thế, Chúa muốn cho chúng ta biết
: môn đệ phải gặp khó khăn bách hại
mới xứng với Thầy, sống chết như Người...
2. Thánh Têphanô là một trong bảy phó
tế trong Giáo hội tiên khởi. Nhiệm vụ của Ngài là quản lý tài sản của Giáo hội
và thường đi thăm các tín hữu trong các hang toại đạo. Ngài là người tử đạo đầu
tiên của Giáo hội Công giáo. Ngài đã đi theo đúng đường lối hy sinh anh dũng của
Chúa Giêsu, và do đó, được hưởng ơn cứu
chuộc bằng chính máu đào đổ ra để minh chứng cho tình yêu.
Hôm qua chúng ta mừng kính Sinh nhật của
Đấng Cứu Thế sinh ra cho trần gian. Hôm nay chúng ta lại mừng ngày sinh vào Nước
Trời của thánh Têphanô vị tử đạo tiên khởi của Giáo hội đã sống một đời sống
đau khổ khải hoàn, nay về trời.
3. Bài Tin Mừng hôm nay ghi lại những
lời Đức Giêsu loan báo cho các Tông đồ về những sự bách hại trên đường truyền
giáo của các ông.
Câu mở đầu :”Này, Thầy sai anh em đi như chiên đi vào giữa bầy sói...” (Mt
10,16) kết thúc những lời Đức Giêsu huấn thị khi sai các Tông đồ đi thực tập
truyền giáo, đồng thời cũng là câu cảnh giác các Tông đồ trước những sự nguy hiểm
trên bước đường truyền giáo.
Tuy nhiên, Đức Giêsu cũng yên ủi và
khích lệ các ông, vì bị bách hại là số phận thường tình của người môn đệ, vì chỉ
có thế, Nước Trời mới đến được trần gian này. Nhưng giữa những cuộc bách hại,
người môn đệ có được hai lý do để hãnh diện và an ủi mình :
- Một là mình vì Thầy mà bị bách hại.
- Hai là bách hại lại là dịp để đưa lời chứng hùng hồn của mình ra trước Hội
đồng Do thái, vua chúa quan quyền ngoại giáo về Thầy.
4. Cái chết của thánh Têphanô là mở đầu
cho cuộc bách hại trong Giáo hội. Chúng ta gọi những người được chết vì Chúa là
các “người tử đạo”. Hai chữ ‘Tử đạo” chúng ta quen dùng ngày nay
có nguyên ngữ Hy Lạp là Martus nghĩa là làm chứng. Người tử đạo là người làm chứng
cho Chúa bằng chính những đau khổ và cái chết của mình. Bởi đó trong đoạn Tin Mừng
này, khi báo trước những sự bách hại, Đức Giêsu nói :”Chúng con sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy, để làm
chứng...”
5. Những cuộc bách hại các Kitô hữu chắc
chắn sẽ xẩy đến, nhưng đó là dịp tốt để họ làm chứng cho Đức Kitô trước mặt mọi
người. Cái chết làm chứng của thánh Têphanô và các thánh Tử đạo làm ứng nghiệm
những lời Chúa nói. Cuộc bách hại vì danh Chúa Kitô có thể xẩy ra ngay trong
gia đình, giữa những người thân thuộc, là thành viên trong gia đình , có khi
tôi phải chịu thiệt thòi, bất công, chỉ vì muốn sống theo thánh ý Chúa. Tôi có
dám coi đó là cơ hội tốt để làm chứng cho Chúa không ?
6. Trong cuộc Tử đạo của thánh
Têphanô, chúng ta thấy Ngài có một thái độ hết sức đáng khâm phục, đó là biết
tha thứ cho kẻ hành hạ mình. Sách Công vụ Tông đồ còn ghi lại: Họ ném đá
Têphanô đang lúc ông cầu nguyện rằng :”Lạy
Chúa Giêsu, xin nhận lấy hồn con”. Rồi ông quì xuống kêu lớn tiếng :”Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này”. Nói
thế rồi, ông an nghỉ (Cv 5,59-60).
Thánh Têphanô là người chứng thứ nhất
tái hiện sự tha thứ mà Chúa Giêsu đã thực
hiện trên thánh giá. “Lấy ân báo oán”
là phương châm hành động của thánh Têphanô. Không có cách trả thù nào cao quí
hơn bằng yêu thương, tha thứ cho chính kẻ thù. Lấy bạo động để tiêu diệt bạo động,
con người chỉ đổ thêm dầu vào ngọn lửa hận thù và kích thích thêm bạo động mà
thôi, chỉ có tình thương, chỉ có lòng tha thứ mới có thể tiêu diệt được hận thù.
Têphanô đã làm như Chúa Giêsu đã làm :”Trên
Thập giá, Chúa đã tiêu diệt sự hận thù” (Ep 2,16).
7. Truyện
: Tình yêu thắng hận thù.
Một binh sĩ người Anh đã viết cho một
người mẹ Đức như sau :”Là một quân nhân của
một lực lượng được chỉ định tấn công vào một ngôi làng ở Pháp, phận sự trong
quân ngũ đã khiến tôi giết chết con bà. Tôi là một tín hữu Kitô giáo, và vì lẽ
đó, tôi thành khẩn xin bà hãy tha thứ cho tôi. Tôi hy vọng là một ngày kia, khi
chiến tranh chấm dứt, tôi có thể đích thân đến gặp bà”.
Mấy tháng sau, khi bà mẹ người lính Đức
hay tin con bà tử trận, bà mới nhận được bức thư trên đây, và bà đã trả lời như
sau cho người lính Anh :
“Tận
thâm tâm, tôi đã tha thứ cho anh, mặc dù anh đã giết chết người con yêu dấu của
tôi. Tôi tha thứ cho anh, bởi vì cũng như anh, tôi là một tín hữu Kitô. Nếu anh
và tôi đều sống sót sau cuộc chiến, tôi hy vọng anh có thể sang Đức để thăm
tôi, và mặc dù chỉ trong thời gian ngắn ngủi, anh có thể thế chỗ cho con tôi, đứa
con mà anh đã giết chết”.
Điểm đáng chú ý nhất trong hai bức thư
trên, là lời tuyên xưng :”Tôi là một tín
hữu Kitô”, và với niềm tin cả anh
lính người Anh và bà mẹ người Đức đã để cho Lời Chúa tách họ ra khỏi vòng luẩn
quẩn của bạo lực :”Mắt đền mắt, răng đền
răng”, và đưa họ vào con đường yêu thương.
Lm
Giuse Đinh Lập Liễm
Đà
Lạt