Ngày 27 tháng 12
Thánh Gioan Tông đồ
(Ga 20,1-8)
1. Thánh Gioan Tông đồ cho chúng ta biết
: Bà Maria Madalena từ sáng sớm đã ra thăm mộ Chúa Giêsu. Bà không thấy xác
Chúa thì hoảng hốt chạy về báo cho thánh Phêrô và thánh Gioan. Hai ông liền chạy
đến mộ. Các ông thấy khăn liệm và khăn che mặt Chúa còn đó, mà xác Người đâu mất
? Nhưng thánh Gioan tin chắc là Chúa đã sống lại, vì theo Thánh Kinh : thì Người
phải sống lại từ cõi chết.
2. Gioan quê ở Bethsaiđa, được Chúa gọi
làm môn đệ cùng với anh là Giacôbê đang vá lưới với cha. Ông là môn đệ độc thân,
được Chúa Giêsu yêu các riêng, được tham dự vào các biến cố quan trọng của Thầy như : Biến hình trên núi Tabôrê, trong vườn
Cây Dầu trước khi Chúa bị bắt, đứng dưới
cây Thập giá Chúa cùng với Mẹ Ngài, chứng kiến những giờ phút cuối cùng của
Chúa Giêsu, là nhân chứng về ngôi mộ trống và về sự hiện diện của Đấng Phục
Sinh.
Gioan sẽ phải chịu sự bắt bớ thời
hoàng đế Nêrông, đã bị bỏ vào vạc dầu sôi ở cửa Latinh, nhưng ông thoát chết kỳ
lạ, sau đó bị khổ lưu đầy tại đảo Patmos. Ông là vị Tông đồ duy nhất không phải
đổ máu đào như các Tông đồ khác.
3. Tông đồ Gioan là “môn đệ được Chúa Giêsu thương mến”
(x.Ga13,23), người đã ngã đầu và ngực Chúa trong bữa Tiệc ly như là biểu tượng
của tình yêu gắn bó với Thầy. Thánh Augustinô đã nhìn thấy mối gắn bó tình yêu này như sau :”Từ trong lồng ngực Chúa, Gioan đã tìm thấy
nguồn suối ban cho chúng ta thứ nước không còn khát và sự hiểu biết”.
Thật thế, Gioan được ở gần bên Chúa, gắn
bó và chứng kiến những việc Chúa làm. Sống và cảm nghiệm tình yêu của Thầy, ông
đã ghi chép lại diễn từ tình yêu của Thầy (x.Ga 14-15) mà chỉ có ghi nhận nơi Tin Mừng Gioan, vì thế được gọi là con
người của tình yêu.
4. Xem ra Gioan là con người hiền
lành, dễ thương, nhưng thực sự ông là một con người xông xáo, nhiều tham vọng.
Chúa Giêsu đã đặt cho ông một cái tên cúng cơm là Boanet, nghĩa là con của sấm sét.
Giacôbê và Gioan là những người hết sức độc đoán và bất khoan dung, tính
tình nóng nảy. Có lần họ đã muốn tiêu diệt cà một làng Samaria chỉ vì dân làng
này không chịu tiếp đón đoàn của Chúa khi Chúa phải đi qua đó. Có lần cùng với
Giacôbê và qua bà mẹ họ đã công khai xin được ngồi bên phải bên trái Chúa trong
Nước của Ngài. Tin Mừng còn cho chúng ta biết chính Phêrôvà Gioan là những người
được trao cho việc thu xếp bữa ăn tối cuối cùng.
5. “Ông
đã thấy và đã tin (Ga 20,8).
Đây là sự kiện mà bài Tin Mừng hôm
nay, “người môn đệ được Chúa yêu” chạy ra mộ, thấy ngôi mộ trống và đã tin.
Nhiều người chú giải rằng, Gioan nhường
Phêrô vào mộ trước là vì ông nhận quyền “bề trên” của Phêrô. Giải thích như thế
có lẽ không chính xác lắm, bởi lẽ, lúc này Chúa Giêsu chưa trao quyền cho
Phêrô, mà phải chờ lúc hiện ra sau này với các môn đệ (x.Ga 21,15-19). Tuy nhiên, điều quan trọng ở đây không phải
là chuyện ai trước ai sau, mà là nền tảng đức tin của chúng ta, như “môn đệ được Chúa yêu đã thấy và ĐÃ TIN”.
Như vậy, chủ đích của đoạn Tin Mừng hôm nay, trong ngôn ngữ biểu tượng, “người
môn đệ Chúa yêu” là hình ảnh Giáo hội chứng kiến sự kiện ngôi mộ trống, chứng
kiến những chứng tích và ĐÃ TIN. Đó là Đức tin muôn đời không lay chuyển của
Kitô hữu chúng ta (cf Hiền Lâm).
6. Người môn đệ được Chúa yêu mến nói
về mình :”Ông đã thấy và đã tin”. Ông
đã thấy bằng trái tim và đã tin bằng tình yêu. Phải chăng người môn đệ muốn quả
quyết rằng : bằng tình yêu, người ta có thể đi từ chỗ thấy những dấu chỉ bên
ngoài, đến chỗ tin vào Chúa Phục Sinh vô hình ? Vậy, thánh Gioan đã thấy và đã
tin nhờ đâu ? Nhờ thánh nhân là môn đệ được Chúa Giêsu yêu mến. Chính tình yêu
giúp chúng ta nhạy cảm, tiến sâu vào các mầu nhiệm của Chúa.
7. Truyện : Hãy yêu thương nhau.
Chính thánh Hiêrônimô đã kể lại câu
chuyện về mấy lời cuối cùng của Gioan. Lúc ông hấp hối, các môn đệ hỏi ông còn
gì để trối lại với họ không ?
Ông bảo :
- Hỡi các con bé bỏng của ta, hãy yêu
mến lẫn nhau.
Ông lặp đi lặp lại nhiều lần, họ lại hỏi
ông có phải đó là tất cả những gì ông muốn
nói với họ không ?
Ông
đáp :
- Như thế là đủ, vì đó là mệnh lệnh của
Chúa.
Lm
Giuse Đinh Lập Liễm
Đà
Lạt