Ngày 31 tháng 12

Ngôi Lời nhập thể

(Ga 1,1-18)

 

          1. Theo bài tự ngôn của thánh Gioan, Chúa Giêsu là Ngôi Lời, là tiếng nói của Chúa Cha. Ngay từ đầu, Người vẫn ở với Chúa Cha. Người là sự sáng soi thế gian. Chính thánh Gioan đã làm chứng cho Người. Người đã đến trong thế gian, nhưng thế gian không tiếp nhận Người. Ai tiếp nhận Người thì Người cho được làm con Thiên Chúa.

          Hài nhi mới sinh nằm trong máng cỏ nghèo hèn là Thiên Chúa, là tiếng nói tình thương  Chúa Cha gửi đến cho loài người, để cứu rỗi mọi người. Chúng ta chỉ hiểu được mầu nhiệm nhập thể khi chúng ta biết Thiên Chúa là tình yêu... Nhờ Ngôi Lời nhập thể, chúng ta mới được sống và sống nên con cái sự sáng, vì Chúa Cứu Thế là sự sống và là sự sáng thế gian.

          2. Thánh  Gioan làm chứng :”Ngôi Lời đã trở nên người phàm”. Đây là một mầu nhiệm vĩ đại vì Ngài đã trở nên xác thịt và cũng mang nhịp đập của trái tim nhân loại như thánh Francois de Sales nói :”Ngài là vị Thiên Chúa có trái tim nhân loại”. Nơi Ngài, sự sống mới xuất hiện cho sự tác thành nhân loại mới :”Điều được tạo thành ở nơi Người là sự sống và sự sống là ánh sáng cho nhân loại”.  Đấng Cứu Thế đang được sinh ra, “Ngài ở giữa chúng ta”, và như Gioan đã nói :”Những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa” (Ga 1,12).

 

          3. Một lần nữa, thánh Gioan chiêm ngắm mầu nhiệm nhập thể đã diễn tả bằng câu rất ngắn :”Và Ngôi Lời đã thành xác phạm”, nghĩa là đã trở thành một người như mọi người. Người đã sống giữa chúng ta, đã nói thứ ngôn ngữ của xứ sở và thời đại của Người.

          Nhờ đó, Người muốn nói với con người rằng sự sống của con người là một giá trị thánh thiêng bất khả di nhượng, bất khả xâm phạm; mỗi người sinh ra trên thế gian này dù có xấu xa thấp hèn đến đâu cũng đều được đóng ấn tình yêu Thiên Chúa, cũng đều là hình ảnh của Thiên Chúa, cũng đều là con cái Thiên Chúa. Bởi ai tin vào Người thì Ngài cho họ quyền làm con Thiên Chúa.  Như vậy, mỗi người chỉ có thể hiện hữu khi tháp nhập với Ngôi Lời là sự sống, chỉ nên tốt lành khi bước đi trong ánh sáng của Ngôi Lời là Ánh Sáng thật, và chỉ trở thành con Thiên Chúa khi tin và tiếp nhận Ngôi Lời vào trong tâm hồn và đời sống mỗi người

(Mỗi ngày một tin vui).

 

          4. Mầu nhiệm Nhập Thể không chỉ là Thiên Chúa làm người. Nhưng còn là chính con người được ơn trở về trong cung lòng Thiên Chúa, vốn đã bị xa lìa bởi tội nguyên tổ. Với sự kiện Ngôi Lời nhập thể, chúng ta trở về với tình thương bao la của Thiên Chúa như thánh Phaolô đã chia sẻ :”Ân sủng của Thiên Chúa, Đấng Cứu độ chúng ta, đã xuất hiện cho mọi người” (Tt 2,11). Vì thế văn sĩ Origène đã nói đến sự nên Thánh của con người qua Ngôi Lời nhập thể :”Khi đi vào trong nhân loại, Người đã xây dựng sự hiệp thông với tất cả thụ tạo. Người mang sự Thánh đến cho tất cả”. Thiên Chúa làm người chia sẻ cuộc sống với cuộc sống  con người và truyền thông cho con người có được khả năng tham dự và chia sẻ cuộc sống Ngôi Lời  trong Ba Ngôi, như chính đời sống Thiên Chúa (R.Veritas).

 

          5. Thánh Gioan làm chứng rằng : Ngôi Lời Thiên Chúa mặc xác thịt người phàm và đã ở giữa chúng tôi, và chúng tôi đã nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang của Con Một Thiên Chúa Cha, đầy ân sủng và chân lý : làm chứng về Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế ra đời làm người để cứu chuộc nhân loại.

          Sứ mạng của gia đình Kitô hữu là làm chứng cho Chúa Giêsu luôn hiện diện. Bằng cách nào ? Theo gương Gioan làm chứng về Người khi tuyên xưng rằng : Đây là Đấng tôi loan báo. Người đến sau tôi, nhưng đã có trước tôi, vì Người trổi vượt hơn tôi, bằng lời nói và hành động. Gia đình Kitô hữu sẽ là chứng nhân của sự sáng, nếu biết nói cho nhau về Lời Chúa, giới thiệu Chúa Giêsu cho người khác và sống theo Lời Chúa.

 

          6. Truyện : Thiên Chúa nhập cuộc.

          Khi Thiên Chúa làm người thì sống như mọi người chúng ta, chỉ trừ tội lỗi thôi. Chúng ta sống thế nào thì Người sống như vậy, hết sức hòa đồng. Câu truyện sau đây nói lên khía cạnh đó :

          Một vị quan lớn mở tiệc mời nhiều người đến dự. Tất cả các người được mời đều  ăn mặc sang trọng và dùng xe đi đến. Trong số ấy có một người khách già. Rủi thay vì già yếu nên ông cụ này  khi xuống  xe  đã trượt chân té vào vũng nước bùn. Những khách khác thấy vậy cười nhạo ông. Xấu hổ và cảm thấy mình không xứng đáng, ông quyết định quay về.  Gia nhân nài nỉ cách mấy ông cũng không chịu ở lại dự tiệc.

          Khi đó vị quan chủ tiệc bước ra sân, đi tới chỗ vũng nước đó, rồi cũng cố tình té ngã vào vũng nước. Thế là quần áo của ông quan cũng dơ dáy  y như cụ già kia. Mọi người chung quanh chẳng ai dám cười nhạo nữa. Sau đó vị quan lớn cầm tay ông cụ đưa vào phòng tiệc. Ông cụ chẳng còn lý do nào  để chối từ nữa (Góp nhặt).

 

                                                                   Lm Giuse Đinh Lập Liễm

                                                                   Đà Lạt