Thứ hai sau lễ Hiển Linh
Chúa Giêsu rao giảng ở Galilê
(Mt 4,13-17. 23-25)
1. Nghe tin Gioan bị bắt, Chúa Giêsu
lánh về Galilê để tránh sự thù hằn của nhóm biệt phái và luật sĩ, đúng như lời
tiên tri Isaia đã nói : dân ngồi trong bóng tối sự chết đã nhìn thấy ánh sáng của
Chúa, Vì ở đó, Chúa Giêsu bắt đầu rao giảng Tin Mừng, kêu gọi mọi người sám hối
và chữa lành các bệnh tật. Tiếng tăm người đồn ra khắp xứ Syria, nên dân chúng
từ khắp nơi tuốn đến theo Người.
2. Capharnaum,
trung tâm truyền giáo.
Khi Gioan bị bắt cầm tù, nhiệm vụ của
ông đã xong, vai phụ phải lui vào hậu trường để nhân vật chính xuất hiện. Đức
Giêsu đã rời Nazareth đến Galilê và chọn Capharnaum làm trung tâm truyền giáo.
Vùng Galilê này bị người ta khinh dể bởi vì đối với thủ đô, Galilê chỉ là tỉnh
lẻ; đối với người mộ đạo sùng tín, miền này thật đáng nghi ngờ. Đó là miền hầu
như thuộc ngoại bang, nơi hội tụ dân ngoại. Một dân cư phức tạp, nông dân và
ngư dân có giọng nói nặng chịch vốn là đề tài phong phú cho các câu chuyện diễu
cợt hằng ngày.
Thế mà tại sao Đức Giêsu lại tới cư ngụ
tại Capharnaum, bên bờ hồ ? Thưa Ngài chọn Capharnaum làm trung tâm truyền giáo
vì ba lý do :
- Thứ nhất để thực hiện lời tiên tri
Isaia đã loan báo từ 732 năm trước cho các chi họ sống chung đụng với các dân
ngoại.
- Thứ hai Capharnaum là quê hương của
bốn môn đệ đầu tiên mà có lẽ nhà ông Phêrô là nơi thuận tiện cho việc truyền
giáo.
- Thứ ba đây là lý do quan trọng nhất
: để cho muôn dân được thấy “một ánh sáng huy hoàng”.
3. Nội
dung việc rao giảng của Chúa Giêsu.
Có thể nói thánh Matthêu đã tóm gọn nội
dung việc rao giảng của Chúa Giêsu trong một câu :”Hãy sám hối, vì Nước Trời đã gần đến”. Thực ra, nội dung việc giảng
dạy này đã được Gioan Tẩy Giả rao giảng và sau này các tông đồ cũng tiếp tục thực
hiện.
“Sám hối” là bước dứt khoát đầu tiên
vào Nước Trời, là sức mạnh nhạy bén biến đổi đời người nên mới. Nền tảng sự hối
cải là khiêm tốn, nhìn nhận sự lỗi lầm và tội lỗi của mình trước Thiên Chúa. Đề
tài sám hối rất thích hợp với tâm hồn của dân Galilê. Họ thờ Thiên Chúa nhưng
lòng họ bị ô nhiễm quá nhiều bóng tối sự chết, bóng tối của tà thần, của tệ
đoan xã hội, của lòng tham do các dân ngoại cư ngụ, buôn bán ở Capharnaum.
Sám hối là nền tảng niềm tin của Kitô
giáo. Một trong những nghịch lý lớn nhất của Kitô giáo là càng nhận ra sự nhỏ
bé bất toàn của mình, con người càng lớn lên trong ân sủng của Chúa. Chính khi
Gioan Tẩy Giả nhận mình nhỏ bé, Chúa lại cho Ngài được lớn lên, chính lúc ý thức
mình thấp kém, Chúa lại tôn vinh Ngài như người cao trọng nhất trong Nước Trời.
4. “Hãy
sám hối vì Nước Trời đã gần đến (Mt 4,17).
Lời đầu tiên Đức Giêsu dạy khi rao giảng
Tin Mừng là “Hãy sám hối”. Theo
nguyên nghĩa của nó là trở lại (metanoia).
Tại sao chúng ta phải quay trở lại ? Vì đã đi lạc đường. Đời sống con người là một hành trình đi về
quê trời. Cuộc hành trình nào cũng phải có đích đến và cuộc hành trình chỉ kết
thúc khi tới đích. Trong cuộc hành trình có những người đi lạc hướng, mà nếu đã
lạc hướng thì không bao giờ tới đích. Ai đã lạc hướng mà càng chạy nhanh thì
càng xa đích đến. Thánh Augustinô
khen họ là những người “bene currit, sed
extra viam” : chạy nhanh đấy nhưng lạc hướng.
Điều kiện sám hối là phải “biết mình”, xem mình đang ở trong tình
trạng nào và phải chỉnh hướng cuộc đời làm sao cho đúng. Cổ nhân thường nói
:”Khôn chết, dại chết, biết là sống”. Chính vì thế ông Socrate đã mở đầu triết thuyết của ông bằng câu châm ngôn nổi tiêng
: “Anh hãy tự biết mình”.
5. Truyện
: Tướng cướp biết sám hối.
Trong một khu rừng già núi Hắc Sơn ở
nước Đức, một bọn cướp đang chia nhau chiến lợi phẩm mà chúng lấy được hồi đêm.
Bọn cướp này có thói quen bán đấu giá với nhau của cải chúng cướp được, rồi sau
đó chúng mới bán lại cho người khác.
Hôm ấy, món cuối cùng chúng đem ra đấu
giá là một cuốn Thánh Kinh. Tên cướp đóng vai hộ giá viên giới thiệu món hàng
này bằng những lời diễu cợt phạm thượng khiến cả bọn cười ồ lên. Một tên khác mở
đại một trang như kiểu bói toán. Hắn chỉ vào một câu và đọc to lên rồi thêm những
lời trào phúng làm cho cả bọn cười ngặt nghẹo.
Nhưng tên cầm đầu trong bọn bỗng dưng
trở nên nghiêm nghị, hai tay ôm đầu rồi gục xuống tỏ vẻ suy nghĩ. Ba mươi năm về trước, chính vào buổi
sáng ngày hắn quyết định bỏ nhà ra đi, hắn
đã nghe ông bố hắn đọc những lời Thánh Kinh này trong giờ kinh sáng của gia
đình. Lúc này đây hắn không thể ngờ được rằng
hắn lại nghe vang lên những lời ấy.
Tên cướp còn đang chúi đầu về dĩ vãng
thì một đồng bọn vỗ vai hắn và bảo :”Này,
sao đàn anh có vẻ mơ mộng thế? Đàn anh muốn
mua nó không? Đàn anh cần cuốn Thanh Kinh hơn đàn em đó, vì điển mặt anh hùng
phạm pháp trên thế giới thì đàn anh phải là vô địch mà”.
Trước lời diễu cợt bạo gan đó, hắn chỉ
chậm rải trả lời: “Mày nói đúng! Tao chính
là thằng phạm tội nặng nhất. Cứ để cuốn sách cho tao, bao nhiêu cũng được”.
Bọn cướp chia tay để đem các món hàng
đi bán. Riêng tên tướng cướp thì cầm cuốn Thánh Kinh, đi tìm một chỗ vắng trong
rừng ở lại đó đọc Lời Chúa và ăn năn sám hối về cuộc đời tội lỗi của mình (Mỗi
ngày một tin vui).
Lm
Giuse Đinh Lập Liễm
Đà
Lạt