Thứ bảy bát nhật Phục sinh
Rao giảng Đức Kitô
Phục sinh
(Mc
16,9-15)
1. Phần cuối của Tin Mừng thánh Marcô (cũng không do Marcô
viết, và do ai đó viết thêm vào) ghi tóm lược ba cuộc hiện ra chính của Đức
Giêsu sau khi sống lại :
- Đức Giêsu Phục sinh hiện ra cho bà Maria Madalena, cho
hai môn đệ ở Emmau và nhóm Mười Một (Mc 16,9-14),
- Đức Giêsu Phục Sinh sai các Tông đồ đi rao giảng và hứa cho các
ông được làm dấu lạ (Mc 16,15-18).
- Đức Giêsu Phục Sinh lên trời, còn các Tông đồ thì chăm lo
rao giảng (Mc 16,19-20).
Đoạn Tin mừng hôm nay ghi lại những lần Chúa Phục Sinh hiện
ra và sai các Tông đồ đi rao giảng Tin Mừng.
2. Các môn đệ lúc đầu đã không tin mặc dù đã nghe các phụ nữ
kể lại việc Đức Giêsu hiện ra. Các ông cũng vẫn không chịu tin khi nghe thêm
hai môn đệ thuật lại cuộc gặp gỡ của họ với Đấng Phục Sinh. Phải tới lúc Chúa đến
thì các ông mới tin. Xét như vậy thì chúng ta thấy đức tin không do suy luận, cũng không do có sằn
chứng người ta kể lại, nhưng đức tin là việc Chúa làm, do Chúa ban.
Theo Tin Mừng, sau khi khiển trách các môn đệ về thái độ cứng
lòng tin của họ, Đức Giêsu đã củng cố lại niềm tin đó, rồi Ngài mới sai các ông
đi rao giảng. Rao giảng là chia sẻ niềm tin của mình cho người chưa tin hay còn
yếu đức tin.Vì thế, phải tin rồi mới đi rao giảng. Các môn đệ đã có đức tin rồi,
nên Chúa tin tưởng trao trách nhiệm loan báo Tin Mừng của Chúa để loan báo lại
cho những người khác.
3. Ở đây, chúng ta thấy cách Đức Giêsu hành động : Ngài sai
người được Ngài hiện ra đem Tin Mừng Phục sinh đến cho người khác. Những thế hệ
Kitô đến sau chắc chắn không thể nhìn thấy trực tiếp Đức Giêsu, nhưng phải qua
trung gian của các Tông đồ là những người đã được nhìn thấy Chúa. Đó là hoàn cảnh
của mọi Kitô hữu hôm nay : tin Chúa nhờ lời chứng của những người đã được củng cố trong niềm
tin. Chính Đức Giêsu đã nhìn thấy điều ấy,
do đó trong lần hiện ra cho các Tông đồ như được kể lại nơi Tin Mừng Gioan,
Ngài đã nói :”Phúc cho những ai không thấy
mà tin”.
4. Niềm tin vào Đấng Phục Sinh và chứng từ về Ngài luôn được
diễn tả một cách sống mới trong cộng đồng.
Sách Công vụ Tông đồ ghi lại một bức tranh vô cùng sống động về cuộc sống mới
trong Đấng Phục Sinh ấy. Sự bình an được Đấng ban tặng đã tạo ra một cộng đồng
hòa giải, nghĩa là một nhóm tín hữu sống trong hài hòa hiệp nhất và chia sẻ của
cải cho nhau. Nét nổi bật của cộng đồng này không hẳn là nghèo khó, bởi vì
trong đó, không ai phải thiếu thốn điều gì, mà chính là tình yêu thương của mọi
người. Của cải vật chất, thay vì là đối tượng của sự chiếm hữu ích kỷ và do đó
là nguyên nhân của tranh chấp chia rẽ, đã trở thành bí tích của tình bạn và
huynh đệ (Mồi ngày một tin vui).
5. Tin vào Chúa Phục Sinh không phải tin rồi ngồi đó, mà phải
đem Tin Mừng ấy đến cho tha nhân, như bài Tin Mừng hôm nay nói đến điều đó. Sau
khi hiện ra với các môn đệ. Đức Giêsu bảo các ông :”Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài
thụ tạo” (Mc 16,15).
Khi các Tông đồ nhận được niềm vui phục sinh của Thầy mình,
họ thay đổi hẳn thái độ. Thay vì sợ hãi, yếu tin luôn trốn tránh ban đầu khi Thầy
chết, họ đã mạnh mẽ dám công nhiên tuyên bố rằng thời điểm Thiên Chúa thi ân
nay đã đến như Đức Giêsu đã báo trước. Họ tin rằng Đức Giêsu đã “sống lại” và
“Nước của Thiên Chúa “ đã đến.
Niềm vui Phục Sinh cần được diễn tả bằng đời sống chứng
nhân, ánh sáng Phục Sinh phải được chiếu tỏa ra cho môn dân. Ánh sáng tự nó phải
phản chiếu – không có niềm vui Phục sinh thật nếu không ra đi loan báo Tin Mừng.
6. Giáo hội là thân thể mầu nhiệm của Đấng Phuc sinh, Ngài
chỉ thực sự được nhận diện trong thân thể ấy qua cử chỉ trao ban mà thôi. Chính
vì thế mà trọng tâm và cao điểm của Giáo hội chính là cử hành Thánh Thể. Giáo hội
lặp lại cử chỉ trao ban của Đức Giêsu, nhưng cử chỉ ấy sẽ không diễn tả trọn vẹn
dung mạo của Đấng Phục Sinh, nếu nó không được nối dài và diễn tả cùng cuộc sống
trao ban cụ thể của Giáo hội và của các Kitô hữu. Cuộc đời của người tín hữu
Kitô phải là một Thánh lễ nối dài để mãi mãi mô tả dung mạo của Đấng Phục Sinh.
7. Truyện :
Giáo hội cần Tông đồ giao dân.
Số
giáo dân thêm nhiều, và hầu hết các họ đạo đứng vững được trong thử thách, dù
lâu ngày vắng Linh mục, một phần lớn còn là nhờ hoạt động tông đồ giáo dân của
một số người nhiệt thành với công cuộc của Nước Chúa.
Ở Trại Mỹ (Chaimi) tỉnh Quãng Ngãi, cha Đắc Lộ gặp gia đình
ông cụ Phaolô và bà Monica. Tuy bị lòa cả hai mắt, nhưng ông cụ rất nhiệt thành
truyền giáo. Cụ thật là linh hôn sống động của họ đạo đó. Các ngày chủ nhật và
lễ trọng, cụ họp giáo dân trong căn nhà, trong khu nhà cụ và cụ giảng dạy
khuyên răn họ.
Cụ còn giúp cho họ tất cả phương tiện cần thiết để bảo vệ đức
tin họ đã lãnh nhận. Lòng nhiệt thành của cụ
lan rộng ra với tất cả những người
ngoại đạo và giúp được nhiều người sẵn sàng chịu phép rửa. Thiên Chúa lại cho cụ
quyền trên cả ma quỉ. Những người bị quỉ ám vùng đó đều được cụ trừ quỉ (Lm
Nguyễn Hồng, Lịch sử truyền giáo tại Việt Nam).
Lm
Giuse Đinh Lập Liễm
Đà
Lạt