Thứ năm bát nhật Phục sinh

Đời sống chứng nhân

(Lc 24,35-48)

 

          1. Thánh Luca tiếp tục tường thật cuộc hiện ra thứ hai của Chúa Phục sinh, lần này là hiện ra cho các Tông đồ ở Giêrusalem :

          a) Hai môn đệ Emmau vừa trở về báo tin cho các Tông đồ hay là Đức Giêsu đã sống lại.

          b) Đức Giêsu hiện ra với các ông ở nhà Tiệc ly :

          - Ngài chứng minh cho các ông hiểu rằng sau khi sống lại, Ngài vẫn là một như trước (có tay chân xác thịt, biết ăn uống).

          - Ngài cắt nghĩa bài học Kinh Thánh : Đức Kitô phải trải qua cái chết mới tới phục sinh.

          - Ngài bảo các ông hãy nhân danh Ngài “rao giảng sự thống hối và sự ăn năn để lãnh ơn tha tội cho muôn dân”.

 

          2. Ban tối, khi các Tông đồ đang tụ họp trong nhà Tiệc ly để nghe các môn đệ từ Emmau trở về thuật lại việc đã gặp Chúa Phục sinh. Các ông đang bàn tán, tranh luận, Chúa Phục sinh hiện ra với các ông làm các ông hoảng sợ vì thấy ma ! Nhưng Chúa đã trấn an các ông :”Sao anh em lại hoảng hốt, Thầy đây”(Lc 24,38).

          Đức Giêsu không một lời trách móc về sự cứng tin của các ông, lại còn chúc lành và còn cho các ông xem các thương tích của Ngài, ăn cá nướng và mật ong trước mặt các ông, để chứng minh cho các ông biết chính là Ngài chứ không phải là ai khác, là người đã sống với các ông trước đây. Với tất cả những lời nói và cử chỉ đó, Chúa muốn minh chứng cho các môn đệ biết Ngài đã sống lại thật sự.

 

          3. “Chính Thầy đây. Hãy sờ xem : ma đâu có xương thịt như Thầy có đây” (Lc 24,39).

          Đức Giêsu xác định cho các môn đệ là chính Ngài, không là ai khác, Ngài có xương có thịt như xưa.  Vì vậy ngày nay Chúa Phục sinh đang sống và hiện diện ngay trong cuộc sống của những người tin Chúa. Đây không  phải chỉ là một kiểu nói, không phải chỉ là niềm tin, mà là sự thật. Đức Giêsu hôm qua, hôm nay và mãi mãi là một. Chúng ta phải xác tín thật mạnh về sự thật đó để rồi từ đó chúng ta xây dựng nên một xã hội huynh đệ hơn.

 

          4. “Chính anh em là chứng nhân của những điều này”.

          Đức Giêsu truyền cho các Tông đồ phải là chứng nhân của Ngài. Nhìn vào lịch sử truyền giáo, chúng ta thấy các Tông đồ, những chứng nhân trung thực, đã đi rao giảng Đức Giêsu chịu chết và phục sinh cho muôn dân, nghĩa là sau khi Chúa về trời, và sau khi đã lãnh nhận Chúa Thánh Thần, từ những người nhát gan, sợ hãi, từ những người dân chài, quê mùa, không hiểu gì về Đấng Cứu Thế... các ông đã trở nên những người can đảm, thông thái, lợi khẩu. Các Ngài đã vâng lệnh Chúa ra đi rao giảng cho mọi người biết và tin Đức Giêsu chính là Con Thiên Chúa đã đến trần gian, đã chết và sống lại để cứu chuộc tất cả mọi người. Các ngài đã đóng đúng vai trò chứng nhân và thi hành đầy đủ bổn phận làm chứng của mình.

 

          5. Chúng ta cũng phải làm chứng cho Chúa trong đời sống hằng ngày. Không cần phải làm những công việc hiển hách, lớn lao,  chỉ làm những công việc bình thường theo nhiệm vụ của mình, miễn sao làm gương sáng cho người khác để từ đó họ sẽ biết Chúa.

          Vào giây phút cuối cuộc đời, văn sĩ John Bayer đã nói những lời từ giã người vợ thân yêu như sau :”Mình yêu dấu, trong gương mặt của mình, tôi đã nhìn thấy dung mạo của Thiên Chúa. Xin cảm ơn mình vô cùng”.

          Trong gương mặt của mình tôi đã nhìn thấy Thiên Chúa”. Mỗi Kitô hữu chúng ta được mời gọi sống như thế  nào, để anh em chung quanh có thể nói tương tự :”Trong gương mặt của anh, tôi có thể nhìn thấy dung mạo của Thiên Chúa. Xin cảm ơn vô cùng”.

          Đó là ơn gọi cao cả của mỗi người Kitô hữu được gọi trở nên giống Chúa, và làm cho những người khác nhìn thấy Chúa như trong Tin Mừng theo thánh Matthêu. Đức Giêsu đã căn dặn các môn đệ :”Các con hãy trở nên trọn lành như Cha các con trên trời là Đấng trọn lành”. Đức Giêsu còn nhấn mạnh đến trách nhiệm của mỗi Kitô hữu đến độ Chúa so sánh cuộc sống của họ như đèn sáng :”Các con là ánh sáng thế gian”. Ánh sáng đó cần phải chiếu sáng trước mặt người đời, ngõ hầu họ thấy việc lành mà ngợi khen Cha chúng ta ở trên trời” (Hạt giống âm thầm, tr 178).

 

          6. Truyện : Làm chứng bằng đời sống.

          Cách đây ít lâu, trong một cuộc hội thảo của giới trẻ về đề tài “Truyền giáo năm 2000”, nhiều bạn trẻ đề nghị sử dụng tối đa các phương tiện truyền thông tân tiến của những năm cuối cùng của thế kỷ 20, gồm sách vở báo chí, phim ảnh có phẩm chất và hấp dẫn, để rao giảng Tin Mừng cho mọi tầng lớp và mọi lứa tuổi. Một số bạn trẻ khác nhấn mạnh đến công tác xã hội và bác ái. Một số bạn trẻ khác đi xa hơn bằng cách đề nghị Giáo hội chống lại những bất công xã hội, những chà đạo quyền con người, để xây dựng công lý và hòa hợp.

          Trong lúc mọi người đang hăng hái  đưa ra những chương trình to lớn và đề nghị những hoạt động vĩ đại, thì một thiếu nữ da mầu giơ tay xin phát biểu :”Tại Phi châu nghèo nàn và chậm tiến của chúng tôi, chúng tôi không gửi, hay đúng hơn, không có khả năng gửi đến những làng chúng tôi muốn truyền giáo những sách vở báo chí, phim ảnh... chúng tôi chỉ gửi đến đó một gia đình Công giáo tốt, để dân làng thấy thế nào là đời sống Kitô giáo (R.D. Wahrheit, Ánh sáng hy vọng, tr 208).

                                     

                                                                             Lm Giuse Đinh Lập Liễm

                                                                             Đà Lạt

         


Lm. Đinh Lập Liễm - Chia Sẽ Tin Mừng Ngày Thường