Thứ tư bát nhật Phục sinh

Trên đường di Emmau

( Lc 24,13-35)

 

          1. Sau Matthêu và Gioan, đến phiên thánh Luca tường thuật. Tin Mừng Luca được gọi là “Tin Mừng của người môn đệ”, Luca tường thuật tác động việc Đức Giêsu chết và sống lại nơi các môn đệ. Tin Mừng hôm nay  thuật lại việc Đức Giêsu hiện ra với hai môn đệ trên đường Emmau, biến đổi con người từ thái độ ngờ vực đến thái độ tin nhận một cách xác tín và làm chứng cho Tin mừng Phục sinh.

 

          2.Trên đường về Emmau, Đức Giêsu Phục sinh đã đến bên cạnh họ, nhưng họ không nhận ra Ngài. Thấy họ buồn rầu vì cái chết gây xôn xao của Thầy mà họ tin là Đấng Messia. Chúa đã giải thich cho họ, dựa theo Kinh Thánh, rằng Đấng Messia phải chịu đau khổ và chết để đi vào vinh quang. Sau đó, theo lời nài nỉ của hai môn đệ, Ngài cũng vào nhà với các ông. Ngài ngồi vào bàn, đọc lời chúc lành trên bánh, bẻ ra và trao cho các ông. Chính lúc ấy, hai môn đệ mới nhận ra Thầy, nhưng Ngài đã biến mất, để lại cho họ sự ngỡ ngàng trước tấm bánh được bẻ ra, dấu chỉ của sự hiện diện. Lập tức hai người đã trở về Giêrusalem loan báo Chúa Phục sinh mà họ đã thấy và thuật lại tất cả cảc điều đã xẩy ra cho các môn đệ.

 

          3. Đức Giêsu đã nhận lời mời của hai ông, dừng lại ở quán trọ Emmau, Ngài quan tâm đến nhu cầu của các ông. Ngày nay cũng vậy, Ngài luôn luôn dừng lại khi được yêu cầu và sẵn sàng ở lại với những ai cần đến Ngài. Đúng thế, Đức Giêsu là Đấng luôn luôn biết dừng chân khi được mời gọi,  Ngài là Đấng luôn luôn hiểu thấu khi được cầu cứu, Ngài là Đấng luôn luôn chữa lành khi được đụng tới, Ngài là Đấng luôn luôn ở lại với những ai cần đến Ngài, Ngài là Đấng luôn luôn quan tâm và thương xót tất cả mọi người, chẳng trừ ai.

 

          4. Đường Emmau của các môn đệ tượng trưng cho cuộc lữ hành của chúng ta trên dương thế. Tâm trạng của các ông là hình ảnh điển hình cho những kinh nghiệm về cuộc khủng hoảng đức tin của mỗi người chúng ta đối diện hằng ngày  làm cho chúng ta mệt mỏi thất vọng và bào mòn niềm tin.  Nhưng trên đường cuộc sống, giữa những thử thách khủng hoảng, Đức Giêsu đến bên cạnh và giúp cho các môn đệ thanh luyện đức tin trong ý nghĩa của các Lời Kinh Thánh quy về Đấng Thiên Sai – Giêsu.

 

          5. Để làm sống lại đức tin đã bị lung lay, người môn đệ cần có ba yếu tố : Kinh Thánh, Bí tích Thánh Thể, cộng đoàn sống đức tin.

          Lời Chúa là của ăn nuôi sống đức tin. Toàn bộ Kinh Thánh đều qui về Đức Giêsu Kitô. Khi bị thử thách, người môn đệ không nên cắt đứt với Lời Chúa, nhưng hãy kiên trì đọc, suy niệm  và khiêm tốn xin Chúa giải thích lời Chúa cho mình hiểu. Tâm hồn hai môn đệ Emmau đã bừng cháy lên khi nghe Chúa giải thích Kinh Thánh.

          Nhưng Kinh Thánh mới chỉ là khởi đầu của một cuộc trở về, một cuộc phục hồi đức tin còn được thể hiện khi hai môn đệ nhận ra Đức Giesu lúc Ngài bẻ bánh. Từ ngữ Bẻ bánh” trong cộng đoàn Kitô tiên khởi có nghiã là cử hành Bí tích Thánh Thể : Bí tích Thánh Thể hoàn tất điều mà Lời Chúa khơi dậy trong tâm hồn con người.

          Cuối cùng, đích điểm của cuộc trở lại là cộng đoàn đức tin : đức tin được nuôi dưỡng bởi Lời Chúa và Mình Chúa không thể chỉ dừng lại hoặc giới hạn nơi cá nhân, mỗi môn đệ là thành phần của cộng đoàn đang tuyên xưng đức tin : đức tin không bao giờ chỉ là đức tin riêng rẽ, nhưng là đức tin trong một cộng đoàn :”Tôi tin”, đồng thời cũng là “Chúng tôi tin” (Mỗi ngày một tin vui)

 

          6. Giữa những bước đi thăng trầm của cuộc đời, chúng ta xin cùng Chúa rằng :”Xin Thầy ở lại với chúng con vì trời đã về chiều và ngày sắp tàn”. Chiều về, ngày sắp tàn là lúc bóng đêm buông xuống, và sự dữ cùng bóng tối hoành hành, thế lực bóng tối mà chúng con phải chiến đấu. Xin Chúa ở luôn với chúng con trên đường đầy chông gai và thử thách. Xin Chúa lưu lại với chúng con, để dạy chúng con biết sống như những Kitô hữu “biết chỗi dạy” và “hồi sinh”.

 

          7. Truyện : Cộng đoàn Emmau của cha Phêrô.

          Cộng đoàn Emmau khởi sự bằng một căn nhà đổ nát ở vòng đai của thánh phố Paris trong đệ nhị thế chiến. Ban đầu qui tụ những người đầu tiên là các thanh thiếu niên bụi đời, những người không nhà không cửa, hoặc các tù nhân vừa được phóng thích, nói chung là tất cả những người thiếu thốn khốn khổ trong cuộc sống hằng ngày...

          Đấng sáng lập là cha Phêrô (Pierre), là một nhân vật sau này đầu thế kỷ XXI được nhân dân Pháp yêu mến nhất trong các nhân vật nổi bật của nước Pháp. Cha Phêrô thường nói với những người vừa đặt chân đến cộng đoàn :”Bạn không được may mắn, nhưng tôi cần bạn để giúp đỡ những người khác...”. Dù khổ sở đến đâu, ai cũng muốn người khác nhìn nhận giá trị của mình, ai cũng muốn mình trở nên hữu ích cho người khác. Đó là sự khích lệ mà cha Phêrô luôn khơi dậy nơi những người đã mất tất cả hy vọng, một cái nhìn rất nhân bản, khuyến khích mọi người bất hạnh luôn vươn lên trong cuộc sống.

          Hơn cả một ý nghĩa nhân bản, khi cha Phêrô đặt tên Emmau cho cộng đoàn, ngài và cộng đoàn nhớ lại câu chuyện hai môn đệ của Đức Giêsu trong buổi chiều Phục Sinh. Nhận ra Chúa đồng hành với môn sinh trên đường Emmau.  Cũng như hai môn đệ này, giữa lúc họ tưởng như mất tất cả, Đức Giêsu đã hiện đến mang lại niềm tin cho họ trong con đường Emmau cuộc đời. Cha Phêrô và các anh em cộng sự đã tìm gặp Đấng Phục Sinh trong lữ hành cuộc đời, như hai môn đệ trên đường Emmau, đó là tất cả hứng khởi, niềm tin yêu giữa những mất mát ê chề của cuộc sống, nhưng vẫn tiến bước về Giêrusalem với niềm hân hoan Chúa Phục Sinh hiện diện.

 

                                                                   Lm Giuse Đinh Lập Liễm

                                                                   Đà Lạt


Lm. Đinh Lập Liễm - Chia Sẽ Tin Mừng Ngày Thường