Thứ ba tuần 2 Phục sinh
Tiếp tục nói về việc
tái sinh
(Ga
3,7-15)
1. Bài Tin Mừng hôm nay tiếp tục kể lại cuộc gặp gỡ và đối
thoại giữa Đức Giêsu và ông Nicôđêmô. Ông đã để ý nghe Chúa giảng và được thấy
phép lạ Chúa làm, ông bắt đầu tin Chúa, ông có nhiều thắc mắc, và hôm nay ông tới
gặp Chúa để xin Chúa giải đáp. Chúa cho ông biết : muốn được tái sinh để được vào
Nước Trời thì :
- Phải nhờ tác động của Thánh Linh : “Gió muốn thổi đâu thì thổi... mọi kẻ sinh bởi Thánh Linh cũng vậy”.
- Nhờ tin vào Đức Giêsu : “Không ai lên trời được ngoài người đã từ trời xuống, tức là Con Người vốn ở trên trời”.
2. Đức Giêsu cho ông biết : “Nếu ông muốn vào Nước Trời, ông phải tái sinh, phải sinh lại trong nước
và Thánh Thần”. Dĩ nhiên Chúa không
bảo ông phải chui vào lòng mẹ mà sinh ra lần nữa, Chúa có ý bảo ông phải lãnh
nhận phép Rửa tội. Phép rửa tội là bí tích tái sinh làm cho chúng ta được trở thành con Thiên
Chúa, tức là qua dòng nước đổ trên đầu, đó là dấu hiệu của Chúa Thánh Thần hoạt
động bên trong. Nói rõ hơn, nhờ bí tích rửa tội, Chúa Thánh Thần đến với linh hồn
chúng ta, Ngài cải hóa và đổi mới con người chúng ta.
3. Theo Tin Mừng của thánh Gioan, chúng ta có thể cắt nghĩa
chữ “tái sinh” như sau : Tái sinh có
nghĩa là người gia nhập Giáo hội Chúa qua bí tích rửa tội mà vẫn giữ nguyên bản
ngã của mình. Bản chất con người đó không hề bị tiêu tan nhưng được chữa lành
và bồi bổ trong ân lộc của Ba Ngôi Thiên Chúa, và cuối đời họ được sống viên
mãn với chính Thiên Chúa Ba Ngôi.
Cho nên chữ tái sinh “bởi
trên cao”có nghĩa là sinh lại bởi Thiên Chúa, trở nên con cái Thiên Chúa,
chấp nhận nguyên tắc sống siêu nhiên, một bản tính mới như nâng hẳn chúng ta
lên, vượt khỏi điều kiện tầm thường nhân loại : Từ thân phận tội lỗi đáng trầm
luân mà được nâng lên làm con Thiên Chúa cùng được thừa hưởng gia nghiệp Nước
Trời.
4. Được sống muôn đời, đó là điều quan trọng nhất, đó là mục
tiêu cuối cùng của con người, đó là một hồng ân cần được con người khiêm tốn
đón nhận, chứ không phải là đối tượng để hiểu biết suông mà thôi. Trong cuộc đối
thoại, chúng ta thấy Đức Giêsu không những mời gọi ông Nicôđêmô nâng tâm hồn
mình lên, hãy để cho Thánh Thần thanh tẩy để có thể nhìn thấy và bước vào trong
Nước Thiên Chúa.
Hơn nữa, cũng trong cuộc đối thoại này, chúng ta có thể ghi
nhận một mạc khải quan trọng khác nữa, đó là Chúa Thánh Thần chỉ được ban xuống
cho con người nhờ qua và sau cuộc vượt qua của Đức Giêsu, qua và sau cái chết,
sự Phục Sinh của Chúa. Cùng với ông Nicôđêmô,
chúng ta hãy đến với Đức Giêsu để cho Ngài dạy chúng ta biết về Thiên Chúa Cha
và đồng thời sẵn sàng lãnh nhận Chúa Thánh Thần.
5. “Như ông
Maisen đã giương cao con rắn trong sa mạc...”
Để tin nhận Đức Giêsu, con người không chỉ phải thấy những việc làm cả thể của Ngài, mà còn
phải nhìn Ngài trên Thập giá nữa. Đây là cái nhìn mà Đức Giêsu ám chỉ đền khi
nhắc lại sự kiện Maisen treo một con rắn đồng trong sa mạc, để những ai bị rắn
cắn nhìn lên sẽ được chữa lành. Với hình
ảnh con rắn đồng chịu treo lên cao để được nhìn ngắm, Đức Giêsu ám chỉ đến cái
chết của Ngài trên Thập giá. Như vậy, biết
Ngài và tin nhận Ngài là có thể nhận ra vinh quang của Ngài khi Ngài bị treo
trên Thập giá, đó là chân dung đích thực của Ngài mà con người cần phải nhận ra
và chiêm ngắm (Mỗi ngày một tin vui).
6. Tái sinh chẳng khác gì một qui luật đòi buộc con người
phải thoát ra khỏi con người cũ của mình. Không chịu thoát ra, nghĩa là không
đi vào con đường tự hủy thì không thể có việc tái sinh. Hay nói khác đi, tái sinh là cởi bỏ con người
cũ, là trở thành như trẻ thơ, là hoàn toàn chấp nhận lệ thuộc vào Thiên Chúa,
là khước từ tự cứu lấy mình bằng những cố
gắng, những lý lẽ và phương tiện riêng của mình.
7. Truyện : Câu
chuyện hai hạt giống.
Có hai hạt giống nằm cạnh nhau trong một mảnh đất mầu mỡ. Hạt
giống thứ nhất tâm sự :”Tôi muốn lớn lên, tôi muốn cho rễ của tôi bén sâu dưới
lòng đất và cho mầm sống của tôi vượt qua cái lớp vỏ cứng cỏi của mặt đất...
Tôi muốn phô trương những cái nụ của tôi như những biểu ngữ báo hiệu mùa xuân
đang tới. Tôi muốn đón nhận sự ấm áp của mặt trời trên tôi và hứng lấy những lời
chúc lành của những giọt sương mai trên những cành hoa của tôi”.
Thế là hạt giống đó bắt đầu triển nở.
Hạt giống thứ hai nói :”Tôi rất lo sợ, nếu rễ của tôi đâm
sâu, tôi không biết sẽ phải gặp những điều gì dưới lòng đất tối tăm kia. Nếu cố
gắng trồi lên mặt đất cứng cỏi kia, sợ rằng mầm non của tôi sẽ bị gẫy dập... Nếu
nụ của tôi nở, có thể ốc sên sẽ đến ăn, và nếu tôi nở hoa, có thể sẽ bị bàn tay của một em bé tinh nghịch nhổ lên khỏi
mặt đất. Thôi, tốt hơn hết là tôi chờ cho đến khi nào thật an toàn, tôi mới bắt đầu triển nở”.
Và hạt giống đó tiếp tục chờ.
Một chú gà mái đang vô tử bới đất tìm mồi, thấy hạt giống ở
gần đấy, nó liền mổ ăn một các ngon lành và thế là hết đời một hạt giống nhát đảm.
David L. Weatherford đã nói một câu hay :”Khi đối mặt với một thử thách nào đó, hãy
tim cách vượt qua nó chứ đừng tìm lối thoát”.
Vì người nào càng trốn tránh thử thách, thì chính thử thách lớn nhất
của con người là sự nhát đảm sẽ đè bẹp họ.
Lm
Giuse Đinh Lập Liễm
Đà
Lạt