Thứ ba tuân 3 Phục sinh
Phải tin vào Đức
Kitô
(Ga
6,30-35)
1. Trong bài Tin Mừng hôm nay, thánh Gioan ghi lại lời dạy
của Đức Giêsu về Bánh Hằng Sống tức là
thứ “của ăn tồn tại cho đến cuộc sống đời đời”. Thứ ăn này vượt trội hơn
Manna ngày xưa. Nghe thế, dân chúng tưởng
đó là một thứ thức ăn – cũng vẫn là vật chất – nhưng ăn vào thì sẽ không
đói nữa, nên họ xin :”Thưa Ngài, xin cho chúng tôi bánh đó luôn mãi”.
2. Sau phép lạ hóa bánh ra nhiều, dân chúng rất hồ hởi và
hy vọng. Hôm sau, họ đến với Đức Giêsu rất đông, hy vọng kiếm được của ăn ít ra
cũng dồi dào như manna, xưa đã nuôi sống cha ông họ trong sa mạc suốt thời gian
đi về đất hứa. Nhưng Đức Giêsu muốn nâng
cao họ lên một bước, Ngài mời họ trước hết hãy tìm kiếm những lương thực không
hư nát, là thứ tồn tại cho đến cuộc sống vĩnh hằng :”Hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có
lương thực đem lại phúc trường sinh” (Ga 6,26). Họ tưởng lương thực mà Đức Giêsu nói đây là
manna ngày xưa cha ông họ đã ăn trong sa
mạc. Nhưng Đức Giêsu bác bỏ quan niệm của họ và nói rõ ràng hơn :”Chính Ta là
bánh trường sinh. Ai đến với Ta không hề phải đói. Ai tin vào Ta chẳng khát bao
giờ” (Ga 6,35).
3. Toàn chương 6 của Tin Mừng Gioan cho chúng ta thấy Đức
Giêsu cống hiến Mình Máu Thánh Ngài làm của nuôi sống con người khỏi đói khát
tinh thần, và để chuẩn bị con người lãnh
nhận điều này, Đức Giêsu đã thực hiện một dấu chỉ lạ lùng khi hóa bánh ra nhiều cho 5000 người ăn no
nê. Nhưng dấu chỉ này lại bị dân chúng
hiểu lầm : họ muốn đến với Chúa vì lợi lộc vật chất, chứ không vì tin nhận Ngài
là Đấng Cứu Thế. Trước lời mời gọi của Chúa : hãy nâng tâm hồn lên, hãy tin vào
Đấng được Chúa Cha sai đến, hãy ăn thịt và uống máu Ngài để được sống đời đời,
thay vì khiêm tốn vâng phục, dân chúng lại tỏ ra ngoan cố thách thức hơn nữa,
như Tin Mừng hôm nay thuật lại. Họ so sánh dấu lạ Chúa vừa thực hiện tức là phép lạ hóa bánh ra nhiều, với dấu lạ
của Maisen mà hằng năm họ vẫn sốt sắng tưởng niệm; họ muốn Chúa thực hiện một dấu lạ cao cả hơn dấu lạ thời Maisen.
4. Manna là một loại bánh Thiên Chúa đã
ban từ trời xuống làm lương thực cho dân Do thái lúc họ lưu lạc suốt 40 năm trường trong sa mạc, cuộc sống đầy
nguy hiểm, bấp bênh, thiếu thốn nước uống, cơm bánh. Cho nên, nhiều lần dân
chúng đã nghi ngờ, kêu ca, than trách ông Maisen và cả Thiên Chúa nữa. Chúa thử
thách họ và phạt họ bằng nhiêu tai ương, nhưng đồng thời Ngài vẫn luôn lo liệu
lương thực cho họ được đầy đủ được một thứ bánh là manna, để biểu lộ sự hiện diện
và sự quan phòng của Ngài, là mỗi buổi sáng, Thiên Chúa làm cho lớp sương mù
bay phủ trên nơi người Do thái đóng trại, và lúc sương tan đi, rơi xuống những
hạt nho nhỏ mầu trắng, có mùi vị mật ong, họ chỉ việc ra lượm mà ăn, họ không
hiểu cái gì đó nên hỏi nhau “man-hu”:
cái gì vậy ? Rồi không hiểu sao họ gọi trệch ra là man-na, và trở thành tên của
lương thực này.
5. Tóm lại, sự sống thể lý không phải là sự sống tự thân mà
là sự sống lệ thuộc, nghĩa là nó cần đến lượng
thực vật chất nạp vào để duy trì, nhưng vì nó hữu hạn, nên sẽ đến lúc sự
sống đó không thể thâu nạp được lương thực nữa nó sẽ èo uột yếu ớt và chết.
Còn sự sống thần linh là sự sống siêu nhiên Chúa ban, tuy
không chết, nhưng rất cần được nuôi dưỡng bằng bánh Sự Sống là Thánh Thể, mà
Thánh Thể chính là sự sống tự thân nơi Đức Kitô thông truyền cho linh hồn chúng
ta. Nhờ rước lấy Chúa Kitô mà Kitô hữu được mạnh mẽ và tăng trưởng, không sợ tội
lỗi hay ma quỉ có thể xâm nhập và làm tổn hại linh hồn mình (Hiền Lâm).
6. Truyện : Hạnh phúc mong manh.
Năm 1923, tám nhà kinh doanh thành công nhất của Hoa Kỳ đã
gặp gỡ nhau trong một khách sạn tại miền Viễn Tây. Họ trao đổi cho nhau những
kinh nghiệm về kinh doanh và làm giầu, hình như muốn khẳng định câu châm ngôn thường
tình của con người ở khắp mọi nơi là :”Có
tiên mua tiên cũng được”.
Thế nhưng 25 năm sau, những gì đã xẩy đến cho tám nhà khinh
doanh giầu có này ?
Charles Schwah,
giám đốc của một trong những công ty sắt lớn nhất tại Mỹ đã chết vì bị phá sản.
Trong năm cuối cùng, ông đã sống nhờ vào đồng tiền vay mượn của người khác.
Samuel Insull,
giám đốc của một công ty chuyên sản xuất các vật dụng cần thiết trong nhà, phải
bỏ nước ra đi và chết tha phương không một đồng xu dính túi.
Howard Hopson,
giám đốc của một hãng ga lớn trở nên
điên loạn.
Arthur Cutten,
chuyên xuất nhập cảng lúa mì, cũng chết ở nước ngoài không một đồng xu dính
túi.
Richard Whitney,
giám đốc một phòng hối đoái lớn tại New York, vừa bình phục sau một thời gian
dưỡng bệnh trong một nhà thương điên.
Albert Pall, một
nhân vật cấp cao trong chính phủ, vừa ra tù vì dính líu vào một vụ tham nhũng.
Người cuối cùng trong danh sách tám nhà kinh doanh thành
công nhất của hoa Kỳ khoảng thập niên 20 cũng tự kết liễu cuộc sống của mình... (Theo đài Veritas).
Thật thế, con người chỉ lo tìm kiếm tiền bạc vật chất,
chính nó lôi kéo dẫn người tìm kiếm nó
vào con đường “đầy sương mù”, và dẫn tới mất phương hướng khi vào đường cụt của
cuộc đời.
Lm
Giuse Đinh Lập Liễm
Đà
Lạt