Thứ sáu tuần 3 Phục sinh
Bí tích Thánh Thể
(Ga
6,52-59)
1. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu tiếp tục bài giáo lý về Bí tích Thánh Thể : Đức Giêsu
càng nói rõ hơn về bánh ban sự sống, đó là thịt và máu Ngài :”Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì có sự sống
đời đời”.
Tới đoạn Tin Mừng này, ở câu 55 Ngài tuyên bố thẳng thừng
và dứt khoát :”Thịt Ta thật là của ăn và máu Ta thật là của uống”.
Như vậy Đức Giêsu nói tới bí tích Thánh Thể, trong đó Ngài
ban chính thịt và máu Ngài làm của ăn của uống cho loài người. Và hiệu quả của
việc rước lễ :”Ai ăn thịt Ta và uống máu
Ta thì có sự sống đời đời... thì kẻ ấy ở
trong Ta và Ta ở trong kẻ ấy”.
2. Hôm nay Đức Giêsu nhắc lại chủ để mấy ngày hôm trước và
đưa ra thêm yếu tố mới. Ngài nói :”Bánh Ta sẽ ban là thịt máu Ta.. . Thịt Ta thật
là của ăn, máu Ta thật là của uống”, nghĩa là trong phần trước, Chúa chỉ
nói Ngài là bánh bởi trời đích thật, trong phần này, Chúa nói rõ hơn bánh đó
chính là thịt máu Ngài :”Thịt Ta thật là của ăn, máu Ta thật là của uống”.
Nghe Chúa nói như vậy, phản ứng của người Do thái có vẻ mạnh
hơn trước, họ xô xát nhau :”Làm sao ông
này có thể lấy thịt ông ta mà cho chúng ta ăn được” ? Họ đã hiểu lời Chúa
theo nghĩa đen và cũng chính là ý nghĩa mà Chúa muốn nói. Cho nên, dù dân chúng
có phản đối, các môn đệ có bỏ đi, Chúa chẳng những không rút lời, nhưng lại giải
thích rõ hơn và nhấn mạnh hơn :”Quả thật,
thịt Ta là của ăn, máu Ta là của uống, ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì được sống
đời đời, và Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại trong ngày sau hết”.
3. Nếu chúng ta nói : thân xác phải ăn thì mới sống được,
chúng ta phải nói thế nào về phần hồn ? Dĩ nhiên, linh hồn cũng phải ăn thì mới sống được, nhưng của ăn nuôi sống
linh hồn không phải là của ăn vật chất như cơm bánh hằng ngày ta ăn, mà là của
ăn thiêng liêng. Nói khác đi, của ăn đó chính là Mình Máu Chúa Kitô.
Để bảo tồn sự sống, mọi sinh vật phải có thức ăn thích hợp
với bản tính riêng. Linh hồn chúng ta đã được thần hóa, nên cũng cần có thức ăn
thích hợp với nếp sống mới đó. Thức ăn này phải là do việc thông hiệp vào thịt máu Đức Giêsu ban
cho :”Ta là bánh hằng sống. Các ngươi hãy
cầm lấy mà ăn vì này là mình Ta. Các ngươi hãy lãnh nhận mà uống, vì này là máu
Ta. Ai ăn mình và uống máu Ta sẽ được sống. Vì mình Ta thực là của ăn, máu Ta
thật là của uống”.
Ai lãnh nhận mình máu Chúa Kitô, người ấy được kết hợp với
Chúa, được tan biến trong Chúa để cả hai nên một, để người ấy có thể nói như
thánh Phaolô :”Tôi sống nhưng không phải
là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi”.
4. Trong khi rước lễ, chúng ta coi mình như đón nhận Đức
Giêsu, Đức Giêsu ngự vào trong tôi. Chúng ta nói về sự hiệp lễ như là ôm ẵm
Chúa. Nhưng hiệp lễ cũng có nghĩa là
Chúa ôm ẵm chúng ta. Đức Giêsu đón nhận chúng ta vào lòng Ngài cách đặc biệt. Không chỉ là Đức
Giêsu ngự trong chúng ta , mà chúng ta cũng ở trong Đức Giêsu. Đó là ý nghĩa của
điều Chúa nói với chúng ta trong Tin mừng hôm nay :”Ai ăn thịt Ta và uống máu
Ta, thì ở trong Ta , và ta ở trong kẻ ấy. Chúng ta có thể nói như thánh Inhaxiô
:”Đây là nơi Đức Giêsu bồng ẵm tôi”.
Thánh Cyrillô thành Alexandria so sánh sự hiệp nhất này với
hai miếng sáp ong hòa lẫn với nhau. Thánh Têrêsa thành Lisieux đã diễn ta sự hiệp
lễ lần đầu của ngài như là sự tan hòa với Chúa Kitô.
5. Thánh lễ trong đó có Thánh Thể là bữa tiệc mà Đức Giêsu
đáp ứng cho các môn đệ Ngài. Tất cả chúng ta đều đến dự bữa tiệc ấy với cái
đói, chúng ta đều cần bánh ăn mà chỉ có Đức Giêsu có thể ban cho – bánh của sự
sống đời đời. Và tất cả chúng ta đều được
nuôi sống và được vinh dự, bởi vì ở đây mỗi người cho là một vinh dự. Ở đây mọi
người trở nên bình đẳng, vì tất cả chúng ta
là những người nghèo về mặt thiêng liêng nên tất cả đều được ăn uống no
nê.
Ngoài ra, tất cả những người cùng tham dự bàn tiệc Chúa
sẽ liên kết với nhau bằng sợi dây tình nghĩa, vì cùng chia sẻ một thức
ăn và một tình yêu của Đức Giêsu Kitô. Chúa đã tự hiến mình làm của ăn nuôi
linh hồn chúng ta và mời gọi chúng ta đến ăn, tại sao chúng ta không đến dự ?
6. Truyện :
Mình Thánh Chúa tôi đang cất giấu.
Thời cách mạng Pháp 1789, Giáo hội tại đây bị bách hại dữ dội.
Cha xứ Breta cải trang đến dâng lễ tại một gia đình đạo đức trong xứ, là gia
đình của cậu bé Benjamin. Cậu bé rất
sung sướng, vì đây là lần đầu tiên cậu được giúp lễ. Đến đó, cậu theo cha xứ đi đưa Mình Thánh Chúa cho kẻ liệt. Bỗng có
tiếng xì xào, một toán lính đang tiến lại. Cha xứ vội trao Mình Thánh Chúa cho cậu bé rước, dầu cậu bé chưa được rước lễ
vỡ lòng. Cha cũng trao cho cậu giữ luôn cả mặt nhật, rồi cả hai chia tay nhau, mỗi
người chạy một ngã. Vì còn nhỏ, chạy chậm, Benjamin bị toán lính bắt kịp. Một
lát sau, cha xứ cũng bị bắt. Chúng tra hỏi cha :”Mày cất giấu Mình Thánh Chúa ở
đâu” ? Cha một mực im tiếng. Tức giận, chúng bắn cha chết tại chỗ. Lục soát một
hồi cũng không thấy Mình Thánh Chúa ở đâu,
chúng liền quay sang Benjamin :”Chắc chắn mày đang giữ Mình Thánh Chúa,
đưa ngay kẻo thiệt mạng”. Benjamin vừa can đảm vừa ngây thơ trả lời :”Trong bụng
tôi, các ông mổ ra mà lấy”. Điên tiết, bọn lính cũng giết Benjamin tại chỗ, bên
một cây sồi già.
Mấy năm sau, Giáo hội Pháp được bình yên trở lại. Một cơn
bão làm đổ cây sồi già, dưới gốc cây bị trốc rễ lên, người ta thấy hai xác,
trên xác cậu bé, mặt nhật còn đó, sáng ngời.
Lm
Giuse Đinh Lập Liễm
Đà
Lạt