Thứ tư tuần 3 Phục sinh
Hãy tin vào Đức Kitô
(Ga
6,35-40)
1. Bài Tin Mừng này cho chúng ta thấy : từ đầu bài giảng về
Bánh Hằng Sống, Đức Giêsu có ý để thính
giả đi từ phép lạ manna đến phép lạ hóa bánh ra nhiều; và từ phép lạ hóa bánh
ra nhiều đến mầu nhiệm về Chúa và sứ mạng của Ngài. Khi thấy dân chúng chưa tin
Ngài, Ngài lại hướng họ về Chúa Cha. Hôm nay, Đức Giêsu giải thích về ý nghĩa của
lời Ngài nói :”Chính Ta là bánh trường
sinh”.
2. Như chúng ta biết, đám đông dân chúng đi theo Đức Giêsu là
chỉ để được ăn uống no nê. Họ chỉ biết có của ăn cho thân xác. Như thánh Phaolô nói :”Đạo của họ là cái bụng”. Là Đấng Toàn Năng, Đức Giêsu có thể vung chiếc đũa thần lên để thỏa mãn tất cả tất cả mọi nhu
cầu thể lý của con người. Bằng chứng là với 5 chiếc bánh và 2 con cá, Ngài có
thể nuôi sống một đám đông trên 5000 người.
Nhưng Đức Giêsu đã không đến trong trần gian để cung cấp một
thức ăn chóng hư nát như thế. Ngài đến làm cho con người được sống và sống sung
mãn, và sự sống sung mãn ấy chính là sự sống vĩnh cửu. Của ăn dư dật mà Ngài đã
dâng lên từ 5 chiếc bánh và 2 con cá là dấu chỉ của bánh trường sinh mà Ngài sẽ
ban cho con người trong phép Thánh Thể, chỉ có bánh này mới làm cho con người
được thỏa mãn trong nỗi khát vọng mà không một lương thực nào trên trần gian
này có thể lấp đầy.
3. Tin vào Đức Giêsu có nghĩa là đến với Ngài. Không chỉ dừng
lại ở đó, mà chúng ta còn được mời gọi đi xa hơn nữa để đón nhận, tức là thông dự vào sự sống thần
linh của Ngài bằng việc đón nhận chính
Ngài. Đây cũng chính là lời mời gọi của Đức Giêsu trong bài Tin Mừng
hôm nay :”Ai thấy người Con và tin vào
người Con ấy, thì được sống muôn đời, và
Ta sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết” (Ga 6,40).
Tại sao Đức Giêsu phải tuyên bố như vậy ? Thưa, bởi vì Ngài
thấy lòng chai dạ đá nơi những người Do thái và họ đi tìm Ngài vì của ăn hư nát
chứ không phải là của ăn tinh thần, tức là sự sống đời đời.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta sống đức tin cách
trưởng thành. Tức là sống cho Đức Kitô và vì Đức Kitô. Quả thật :”Người ta không chỉ sống nhờ cơm bánh mà
còn nhờ Lời miệng Thiên Chúa phán ra”.
4. Người tin Chúa Kitô, là người để Chúa Cha lôi kéo và
giao hòa, nhưng trong thực tế, chúng ta sống tin thật sự hay chúng ta để các thực
tại quyền lực trần gian chiếm hữu. Tuy môi miệng tuyên xưng “Tin” Đức Kitô,
nhưng con tim và khối óc hướng theo tiền bạc, danh lợi, vì nó mà ta có thể bất
chấp tất cả, chà đạp anh em bạn hữu để được cái bánh to, lợi lộc trần thế. Tâm
tư của ta như thánh Phaolô đã từng ví von : Chúa
của họ thờ là cái bụng, tức là mọi sự quyến rũ thấp hèn của thế gian (x.Pl
3,19).
Sống đức tin sâu sắc, như thánh tông đồ Giacôbê xác quyết
:”Đức tin không có việc làm là đức tin chết”
(Gc 2,17). Thật thế, phải được xây dựng và đặt nền tảng trên đức tin.
5. “Tất cả những người
Chúa Cha đã ban cho Ta đều sẽ đến với Ta’.
Câu nói trên đây của Đức Giêsu có thể gây ra một vấn nạn :
Phải chăng có những người Chúa Cha không ban cho Đức Giêsu ?
Chúng ta nhớ lại chân lý bắt nguồn từ Thánh Kinh : Thiên
Chúa muốn cho mọi người được cứu rỗi. Về phía Thiên Chúa, đó là tuyệt đối không luật trừ. Nhưng về phía con người,
chúng ta cần phân biệt :
Chúa Cha đã ban cho Đức Giêsu toàn thể nhân loại, là những
con người có tự do. Và tất cả, cách này hay cách khác, đều được mời gọi để chọn
lựa : chấp nhận hoặc từ chối Đức Giêsu. Chính trên bình diện tự do trách nhiệm
này, sẽ có tách biệt giữa những người “đến”
hay “không đến” với Đức Giêsu. Nói
cách khác, giữa cộng đoàn nhân loại, có người tự do đáp trả “vâng” với ân huệ đức
tin, đức tin này đưa họ đến với Đức Giêsu, và đã có những người trả lời
“không”, những người này đã từ chối Đức Giêsu.
6. Truyện : Lạy Chúa của con.
Vào những ngày cuối tháng 6 năm 1848. Cuộc nội chiến xẩy ra
ác liệt trên những đường phố của kinh thành Paris. Tiếng la hét om sòm vang lên
khắp nơi. Nằm trên giường bệnh, nhà văn Chateaubriand nghe rõ mồn một. Ông cầm
lấy cây Thánh giá và cầu nguyện :”Lạy Chúa Giêsu Kitô, chỉ có Chúa mới cứu vãn
được xã hội hiện tại này”.
Rồi dán chặt đôi mắt một cách trìu mến vào tượng Chúa Giêsu
chịu chết trên cây thánh giá, nhà văn thốt ra những lời cuối cùng đầy xúc động
:”Đây chính là Chúa của con. Đây chính là vua của con”.
Lm
Giuse Đinh Lập Liễm
Đà
Lạt