Thứ ba tuần 4 Phục sinh
Đức Giêsu, Con Thiên
Chúa
(Ga
10,22-30)
1. Nhân kỷ niệm cuộc tẩy uế Đền thờ Giêrusalem và khánh
thành bàn thờ mới thời Giuđa Maccabê. Đức Giêsu cũng có mặt. Trong khi Đức
Giêsu đi bách bộ tại hành lang Salômôn, người Do thái vây quanh và chất vấn
Ngài về nguồn gốc của Ngài. Nhân đây,
Ngài tuyên bố một chân lý quan trọng : “Tôi
với Chúa Cha là một”, nghĩa là Ngài đồng bản tính với Chúa Cha.
2. Năm 165 TCN, một trong những nhà ái quốc nổi tiếng của
Do thái là Giuđa Maccabê đã lãnh đạo cuộc nổi dậy của người Do thái chống lại
ách thống trị của vua Syria là Antiôkô Epiphane. Chiến công vẻ vang nhất trong cuộc nổi dậy là
tái lập và thanh tẩy Đền thờ Giêrusalem vốn đã bị tục hóa bởi bàn tay thô bạo của
ngoại xâm. Từ đó, hàng năm vào khoảng Mùa Đông, người Do thái tưởng niệm biến cố này
trong vòng 8 ngày liền, tuần lễ này được gọi là Cung hiến Đền thờ.
3. Đức Giêsu đã có mặt tại Giêrusalem nhân tuần lễ tưởng niệm
này. Lễ Cung hiến Đền thờ vốn khơi dậy
lòng ái quốc của dân chúng. Chính vì thế nhiều người đã vây quanh Đức Giêsu và
yêu cầu ngài tuyên bố dứt khoát Ngài có phải là Đấng Kitô nghĩa là Đấng được
Thiên Chúa xức dầu và sai đến như vị cứu tinh của dân tộc không ?
Đối với họ, Đức Giêsu có thể là vị anh hùng dân tộc hay một
nhà cách mạng nào đó. Chính vì thế, Đức Giêsu đã không trả lời dứt khoát cho
câu hỏi của họ. Mối tương quan giữa Chúa Cha và Ngài mà Đức Giêsu vén mở trong câu trả lời mời gọi
người Do thái đi vào mầu nhiệm của Ngài.
4. Chúng ta thấy Đức Giêsu không trả lời thẳng câu hỏi họ đặt
ra, nhưng một lần nữa, Chúa cho họ biết Đấng Kitô không phải như quan niệm trần
tục của họ, Đấng Kitô không đến để làm
thỏa mãn những tham vọng chính trị của họ là giải phóng dân tộc của họ và đem lại thịnh vượng vật chất cho họ. Cho
nên, Chúa vượt lên trên quan niệm thiên sai trần thế, và tuyên bố cho họ biết
Ngài đồng bản tính với Chúa Cha :”Tôi và
Cha tôi là một”.
5. Như vậy, Đức Giêsu đã khẳng định rõ Ngài là ai. Ngài
không những là Đấng Kitô, là Con Thiên Chúa, mà còn là chính Thiên Chúa nữa. Trong vấn đề này, chỉ trong đức tin, con người
mới có thể biết Đức Giêsu, nhận diện được khuôn mặt đích thực của Ngài và loan
truyền một cách đúng đắn về Ngài. Nhiều
khi qua cuộc sống và cung cách tuyên xưng niềm tin của mình, người Kitô hữu chỉ
trình bầy một khuôn mặt, nếu không méo mó về Đức Giêsu, thì cũng giới hạn Ngài
trong những quan niệm hoàn toàn trần tục.
Biết Đức Giêsu và đi vào mầu nhiệm thẳm sâu của Ngài thiết yếu là đi vào cuộc Tử nạn và Phục sinh của
Ngài. Liền sau khi Phêrô tuyên xưng Ngài
là Đức Kitô, Đức Giêsu đã loan báo cuộc Tử nạn và Phục sinh của Ngài.
6. “Chiên của tôi thì
nghe tiếng tôi”.
Giáo hội là đàn chiên của Chúa. Lời hứa chăm sóc bảo vệ đàn
chiên của Đức Giêsu không chỉ dành riêng cho thời các Tông đồ hoặc các cộng
đoàn tiên khởi, nhưng đã trải dài suốt
21 thể kỷ nay. Biết bao thế lực chống đối chủ trương triệt hạ Giáo hội của Đức
Kitô, thế nhưng Giáo hội của Chúa vẫn tồn tại nhờ sự bảo vệ đầy quyền năng của
chủ chăn.
Trong đàn chiên Giáo hội này, mỗi con chiên đều được người
chăn chiên biết rõ, gọi tên, và chiên có bổn phận phải nghe và đáp trả. Sự đáp
trả có thể mang nhiều sắc thái khác nhau, nhưng dù sao không thể ra ngoài lối đi của tất cả đàn chiên, vì đó là lối dẫn
đến sự sống.
7. Cuộc sống của người Kitô hữu là lời tuyên xưng và rao giảng
về một dung mạo của Đức Giêsu khi nào họ kết hiệp với Ngài trong mầu nhiệm Vượt Qua của Ngài. Người Kitô
hữu phải cố gắng để nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô để có thể nói như
thánh Phaolô :”Tôi sống, nhưng không phải
là tôi mà Chúa Kitô sống trong tôi”.
Chúng ta nghe lời văn sĩ John
Bayer đã khen vợ mình vào giây phút cuối đời ông :”Mình thân yêu, trong gương mặt của mình, tôi đã nhìn thấy dung mạo của
Thiên Chúa. Xin cảm ơn mình vô cùng”.
8. Truyện : Bức
tượng Chúa chiên lành
Hành hương Rôma, pho tượng gây xúc cảm nhất cho khách hành
hương là pho tượng Chúa chiên lành vác con chiên thất lạc trên vai đem trở về.
Dưới pho tượng, có ghi câu của Abercies vào thế kỷ thứ II rằng :”Ta là môn đệ của một mục tử thánh thiện đã dẫn
dàn chiên ra đồng có xanh tươi bên sườn núi và dưới đồng bằng, vị mục tử có đôi
mắt lớn nhìn đến khắp mọi nơi”.
Chúa Kitô chính là người mục tử nhìn xa thấy rộng ấy. Nhờ sự
chết và phục sinh, Chúa đã đạp đổ mọi ngăn cách để mở rộng đàn chiên, bao trùm
cả thế giới. Đàn chiên ấy, ngày nay chúng ta chỉ được nhìn thấy một phần nhỏ và
hạn hẹp, sau này trên chốn vinh quang mới được chứng kiến tầm vóc vĩ đại của đại gia đình Thiên Chúa.
Lm Giuse Đinh Lập Liễm
Đà Lạt