Thứ hai tuần 4 Phục sinh
Đức Giêsu Chúa chiên
nhân lành
(Ga
10,1-10)
1. Bài Tin Mừng hôm nay trình bầy Đức Giêsu là cửa chuồng
chiên :
- “Ai không qua cửa
chuồng chiên mà vào thì là quân trộm cướp” : Đức Giêsu ám chỉ những người
biệt phái và luật sĩ. Họ không được Thiên Chúa ủy nhiệm, họ chỉ giành quyền lãnh
đạo tôn giáo, không phải mưu cầu lợi ích cho dân, mà để tìm vinh dự và quyền lợi
riêng.
- “Ta là cửa chuồng
chiên” : Đức Giêsu là mục tử đích thật của dân. Ngài đi vào đường hoàng, được
người canh gác mở cửa cho, gọi tên từng con chiên, chiên quen tiếng nên đi
theo, Ngài dẫn chúng đi ăn.
2. Nhiều người đã nghe Đức Giêsu giảng và xem nhiều phép lạ.
Họ chỉ hiểu một phần nào giáo lý của Ngài, nhưng chưa nhìn ra con người thật của
Ngài. Câu hỏi “Ngài là ai” phải được
đặt ra. Tuy nghe Đức Giêsu giảng và làm phép lạ như vậy, nhưng họ vẫn nghi ngờ
về thân thế, uy quyền và sứ mạng của Ngài.
Để nói lên sứ mạng của Ngài, Đức Giêsu đã đưa ra một dụ
ngôn về người mục tử tốt lành. Người mục tử biết lo cho con chiên, tha thiết với
đàn chiên, hiệp thông với đàn chiên, quên bản thân mình và sẵn sàng hy sinh mạng
sống để bảo vệ đàn chiên. Đức Giêsu tự nhận lấy danh hiệu ấy cho mình khi Ngài
nói với họ :”Ta là mục tử nhân lành” (Ga
10,14).
3. “Ta là cửa chuồng
chiên”.
Đức Giêsu còn xác định Ngài là cửa chuồng chiên để bảo vệ
đàn chiên. Hình ảnh này hơi khó hiểu đối với chúng ta vì phong tục nuôi chiên của
người Palestin khác với chúng ta.
Trong cuốn “The Holy
Land” : vùng đất thánh, tác giả John
Kellman mô tả : chuồng chiên ở Do thái có một bức tường bằng đá chung quanh
cao khoảng bốn bộ (cỡ 1m4) và một lối vào. Ngày nọ một du khách Thánh Địa đã
trông thấy một cái chuồng chiên ngoài đồng gần Hebron. Người du khách hỏi người
mục tử đang ngồi cạnh đó :”Cửa chuồng của anh đâu”? Người mục tử liền đáp :”Tôi chính là cửa chuồng”. Đoạn người mục
tử kể cho du khách nghe biết, ban đêm anh ta nằm chặn ngang lối vào chật hẹp
đó. Không có con chiên nào có thể bỏ chuồng đi ra, và cũng chẳng có con thú rừng
nào có thể đi vào mà không bước qua mình anh ta.
4. “Khi sói đến, người
làm thuê bỏ chiên mà trốn” .
Đức Giêsu khẳng dịnh “Ta là mục tử tốt lành”, do đó Ngài đã
quên bản thân mình để phục vụ lợi ích của dân chúng và sẵn sàng hy sinh mạng sống
để bảo vệ đàn chiên.
Trong quyển “The land
and the Book”, Thomas Thompson
có ghi lại câu chuyện bi đát như sau : Một ngày nọ có một chàng mục đồng trẻ tuổi
dẫn đàn súc vật đi về vùng lân cận ngọn núi Thabor. Bỗng có ba tên cướp đường
người Ả rập xuất hiện. Chàng thanh niên biết rõ chàng sẽ gánh chịu những hậu quả
khôn lường, thế nhưng chàng đã không bỏ trốn. Chàng kiên cường chiến đấu để giữ
cho bầy súc vật của chàng khỏi rơi vào tay lũ thổ phỉ. Đoạn cuối được kết thúc bằng cái chết liều mạng
của chàng thanh niên cho đàn chiên của chàng.
5. “Anh đi tước và
chiên đi theo anh”.
Hình ảnh người chăn chiên đi trước và đàn chiên theo sau thật
đẹp. Điều đó nói lên sự hiệp nhất giữa chủ chăn và đàn chiên, chiên nghe theo
chủ chăn và do đó, chỉ có một chủ chiên và một đàn chiên.
Hiệp nhất vốn là dấu chỉ của tình yêu. Đức Giêsu mượn hình ảnh
người mục tử không ngừng đi tìm kiếm những con chiên lạc, để nói lên mối quan
tâm của Ngài đối với Giáo hội. Đó chính là chúc thư Ngài để lại trong những
giây phút cuối đời. “Xin cho chúng nên một”,
“một đàn chiên và một chủ chiên” : đó
là hình ảnh của sự hiệp nhất mà Đức Giêsu luôn quan tâm đến. Hình ảnh người mục
tử đi tìm kiếm những con chiên lạc cũng nói lên tất cả mối tương quan của Thiên
Chúa đối với con người : không phải con người đi tìm kiếm Thiên Chúa cho bằng
chính Thiên Chúa đi tìm kiếm con người. Mọi cố gắng của con người xét cho
cùng cũng đều là những lôi kéo của Thiên Chúa.
6. Truyện :
Theo anh là thủ lãnh.
Một nhà thám hiểm xứ Soudan đã tháo xiềng xích cho một tên
nô lệ 12 tuổi. Rồi săn sóc dạy dỗ như con, thằng nhỏ đem lòng mến phục vị đại
ân nhân.
Giờ thực hiện cuộc mạo hiểm đầy gian nguy đã đến. Nhà thám
hiểm không muốn cưỡng bách em bé theo mình. Ông nói :
- Này
em, anh sắp lên đường đến miền xa lạ. Cuộc hành trình rất mực cam go : Đường đi
xa xôi, hành lý nặng nề, nước uống đồ ăn thiếu thốn, những mũi tên tẩm thuốc độc
vù vù bên tai, rừng nhiều thú dữ... Em ở lại hay theo anh ? Nếu em theo anh,
chúng ta cùng nhau cực nhọc, khi thiếu nước, thiếu ăn, anh cũng chịu khát, nhịn
đói như em, việc em vẫn nhẹ hơn việc anh. Bây giờ tùy em quyết định.
Em bé nhìn sâu vào mắt nhà thám hiểm, lúc này đã thành người
anh, người bạn và nói :
- Theo
anh là thủ lãnh của em.
Thế là
em nhỏ theo anh lên đường. Những quãng đường dài cực nhọc, những ngày nắng
không nước, em bé lần lượt nếm cả, chân nứt nẻ máu me, nhưng không coi sao, vì
lòng vẫn hăng hái khi thấy người thủ lãnh sốt rét bị thương mà vẫn đi hàng đầu.
Sức chịu đựng của con người có giới hạn, mà nguy hiểm vất vả lại cứ tăng, nhiều
bạn đồng hành bỏ cuộc. Nhà thám hiểm vừa thương hại, vừa để thử lòng, hỏi em bé
:
- Em có bỏ không ?
Lời thưa đầy hăng hái :
- Em đã chẳng hứa với anh sao ?
Sáu
tháng trời qua đi, cuộc thám hiểm thành công rực rỡ. Đàng sau người thủ lãnh
tươi như hoa nở, em nhỏ đứng hiên ngang đón nhận những lời hoan hô vang dội.
Lm
Giuse Đinh Lập Liễm
Đà
Lạt