Thứ năm tuần 4 Phục sinh
Tinh thần phục vụ
(Ga 13,
16-20)
1. Trong khung cảnh bữa tiệc ly, sau khi rửa chân cho các
môn đệ, Đức Giêsu tiếp tục giáo huấn cho các ông biết tinh thần phục vụ trong
yêu thương và khiêm nhường. Ngài hạ mình rửa chân cho các ông. Đức Giêsu đã
mang lại ý nghĩa đích thực cho hai chữ
“phục vụ” : phục vụ là sống như người tôi tớ, là sống trọn vẹn cho tha nhân, vì
tha nhân...
Ngoài ra, Đức Giêsu dạy tiếp một bài học rất cần cho mọi
Kitô hữu : hãy biết đón nhận những kẻ
Chúa sai đến với mình :”Ai đón nhận kẻ Thầy
sai là đón nhận Thầy; và ai đón nhận Thầy
là đón nhận Đấng đã sai Thầy”.
2. Việc rửa chân cho các môn đệ không chỉ là một cử chỉ hay
là một bài học của phục vụ, nhưng qua đó Đức Giêsu còn muốn loan báo chính cái
chết của Ngài như tột cùng của thân phận tôi tớ mà Đức Giêsu đã đón nhận. Thật
thế, người tôi tớ không sống cho mình, mà hoàn toàn sống cho người khác, đến độ
trao nộp cả mạng sống mình. Như vậy, đối với Đức Giêsu, phục vụ là sống trọn vẹn
cho người khác. Chính qua sự phục vụ cho đến chết ấy mà Đức Giêsu thể hiện
thiên tính của Ngài. Ngài là Đấng Hằng hữu, vì Ngài có thể đón nhận thân phận con người và trao ban thân phận ấy
cho người khác; Ngài là Đấng toàn năng vì cách thế thể hiện quyền năng ấy chính
là phục vụ và phục vụ cho đến chết.
3. Quyền năng của Thiên Chúa là quyền năng của phục vụ; sức
mạnh của Thiên Chúa là sức mạnh của tình yêu. Chúng ta hiểu được sự thành công
của Mahatma Gandhi trong cuộc tranh đấu bất bạo động của ông, ông nói như sau :”Tình
yêu là sức mạnh vạn năng mà con người có thể có trên mặt đất này”. Yêu thương như Thiên Chúa yêu có nghĩa
là yêu thương cho đến cùng, yêu thương cả
kẻ thù và sẵn sàng hiến thân hy sinh cho họ. Phục vụ như Thiên Chúa phục vụ có
nghĩa phục vụ mà không tranh giành, không tính toán hơn thiệt, không tìm lợi
danh cho bản thân (Mỗi ngày một tin vui).
4. Đón tiếp người được
Chúa sai đến.
Sau bài học về hy sinh phục vụ, Đức Giêsu dạy tiếp về sự
đón tiếp. Lời nói về sự đón tiếp của Đức
Giêsu nhằm tới chính sự thờ ơ của người Do thái đã không đón nhận Ngài, khi “Người đến nhà mình mà người nhà không ra nhận”
(Ga 1,11). Người Do thái tự hào mình
tin Thiên Chúa, nhưng lại không đón tiếp
Đấng được Thiên Chúa sai đến, âu cũng vì họ vẽ ra : “Đấng được sai đến”
đó theo ý họ, và họ không chấp nhận một Đấng Thiên Sai không thỏa mãn những
tiêu chuẩn trần thế của họ.
Người Chúa sai đến với chúng ta cụ thể nhất chính là những
người có trách nhiệm rao giảng, thánh hóa và dẫn dắt chúng ta. Các vị đến với
chúng ta nhân danh Chúa trong phẩm vị và sứ vụ được Chúa giao phó cho Giáo hội,
chúng ta đã đón tiếp các ngài như thế nào ? Ít nhiều chúng ta cũng giống dân Do
thái xưa, thích đón tiếp những vị được sai đến
hợp ý chúng ta hơn là đón tiếp vị được sai đến theo ý Chúa.
5. Phục vụ Chúa trong
anh em.
Thánh Biển Đức
căn dặn các đan sĩ :”Khi anh em đón tiếp
và phục vụ khách, thì không phải anh em đang đón tiếp và phục vụ khách, mà là
cung kính đón tiếp chính Đức Kitô ở trong khách”. Và Đức Giêsu cũng đã đồng
hóa chính Ngài hiện thân trong mọi mảnh đời khi Ngài nói về ngày phán xét chung
:”Ta bảo thật các ngươi : mỗi lần các
ngươi làm như thế cho một trong những anh em
bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt
25,40).
Như thế, khi ý thức được
Chúa ở trong mọi người, thì chúng ta không thể nổi giận cau có với
“Chúa” được, mà là một sự kính trọng và chu đáo như Mattha và Maria đã đón Chúa
vào nhà mình. Thấy Chúa trong anh em thì chúng ta sẽ dễ tôn trọng và yêu thương
nhau...
6. Truyện : Khai sinh hội bác ái Vinh Sơn.
Khoảng năm 1883, dưới sự lãnh đạo của một thanh niên
Ozanam, 8 thanh niên Công giáo trường đại
học Paris thường gặp nhau để thảo luận chiến thuật bảo vệ Giáo hội đang bị tấn
công tứ phía. Những buổi thảo luận đã diễn ra
suốt một năm, nhưng chưa đưa đến một hành động nào. Tình cờ 8 sinh viên
nghe một lời thách thức của kẻ chuyên chống phá Giáo hội :
“Các anh luôn nói đến công lao Giáo hội của các anh trong
quá khứ, nhưng Giáo hội các anh bây giờ đã chết rồi. Nếu các anh bảo Giáo hội vẫn
đang sống, hãy chứng minh đi. Một năm qua, tôi chỉ thấy các anh thảo luận tranh
cãi nhau bằng môi mép, nhưng chưa thấy một hành động cụ thể nào”.
Lời thách đố ấy được 8 sinh viên Công giáo tiếp nhận như một bài học quí giá. Buổi chiều hôm đó,
thay vì thảo luận, hành động đầu tiên của họ là thu nhặt số củi khô dùng để sưởi
ấm ở phòng trọ và họ còn mang biếu cho người nghèo đang rét run tại phòng bên cạnh
vì không có tiền để mua chất đốt.
Đó là buổi chiều đầu tiên khai sinh hội Bác ái Vinh Sơn
chuyên hoạt động giúp đỡ người nghèo theo tinh thần thánh Vincent de Paul. Những
người tiên phong của hội này hiểu rằng :”Người tín hữu Kitô không thể bênh vực
Giáo hội bằng những lời nói suông mà phải bằng chính những hành động cụ thể, bằng
chính cả cuộc sống của họ.
Lm
Giuse Đinh Lập Liễm
Đà
Lạt