Thứ sáu tuần 4 Phục sinh
Đức Giêsu là con đường
(Ga
14,1-6)
1. Trong bữa tiệc
ly, Đức Giêsu chia sẻ với các môn đệ những lời rất thân tình, tha thiết : Ngài
sẽ ra đi về cùng Cha rồi Ngài sẽ trở lại đón các ông để Ngài ở đâu, môn đệ cũng
ở đó với Ngài. Ngài cho các ông biết sứ mạng của Ngài là đến trần gian để dẫn đưa nhân loại về cùng
Chúa Cha, đến sự sống đời đời. Chính Ngài là con đường duy nhất. Ai muốn đến
cùng Cha, muốn có sự sống đích thực thì phải qua con đường đó. Nếu từ chối Ngài,
không bao giờ chúng ta có thể đạt tới hạnh phúc viên mãn.
2. Trong khung cảnh bữa tiệc ly, Đức Giêsu đã dùng những lời
lẽ rất thân tình, tha thiết để tâm sự với các môn đệ. Ngài báo cho họ biết là
Ngài sẽ ra đi, đi đến một nơi rất lạ mà họ chưa bao giờ được biết. Nhưng rồi
Ngài lại hứa sẽ trở lại đón họ đề cùng đưa họ đến nơi đó. Ông Tôma tò mò hỏi :”Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu
làm sao chúng con biết đường đi” ? Đức Giêsu đáp :”Thầy là đường, là sự thật và là
sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” (Ga 14,5-6).
Khi nói như thế, ít nhiều Chúa đã muốn cho mọi người biết :
mục tiêu hành trình của mọi người là về với Thiên Chúa là Cha. Đức Giêsu chính
là người dẫn đường, hơn nữa chính Ngài là con đường dẫn ta đến đích điểm đó.
3. Đức Giêsu mạc khải cho chúng ta biết :”Chính Ngài là con đường, là sự thật và là sự
sống” (Ga 14,6). Ngài đã tỏ bầy mầu nhiệm về Thiên Chúa, chỉ đường cho con
người đến gặp Chúa Cha và dạy họ sống thế nào cho hợp ý Thiên Chúa. Ngài mạc khải
chính Ngài, Đấng thực thi sứ mạng của Thiên Chúa bằng lời nói và hành động quyền
năng nơi thế gian để cứu chuộc nhân loại. Ngài là con đường duy nhất dẫn tới
Chúa Cha như chính Ngài đã nói :”Không ai
có thể đến với Chúa Cha mà không qua Thầy”. Ngài là con đường dẫn đến sự thật;
sự thật giải thoát con người và là sự sống sung mãn cho con người vì chính Ngài
là sự sống (Ga 11,25). Như thế, chỉ Đức Giêsu mới là con đường, là sự thật, là
sự sống vĩnh cửu cho những ai tin vào Ngài (Ga 10,28).
4. Mọi người muốn vươn tới hạnh phúc, hạnh phúc tuyệt đối
và trường cửu. Hạnh phúc này chỉ có trên nước Thiên Chúa. Vậy đâu là con đường đưa tới hạnh phúc đó ?
Chúng ta biết Đức Giêsu vừa là Chúa vừa là người. Ngài là trung gian hoàn hảo
duy nhất giữa Chúa Cha với chúng ta. Biết bao con đường mở ra trước mắt chúng
ta, nhưng chỉ có Ngài mới là con đường đưa chúng ta đến cùng Chúa Cha, vì Ngài
biết Chúa Cha và bởi Chúa Cha mà ra. Chúng ta hãy tin tưởng bước theo Ngài vì
chính Ngài đã khẳng định với chúng ta :”Thầy
là đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Chúa Cha mà không qua
Thầy” (Ga 14,6).
5. Mục đích tối thượng của chúng ta là đi về nhà Cha, đi
vào quê trời là quê hương của chúng ta.
Đường về quê trời có nhiều
thử thách, nhưng người môn đệ có thể vượt qua dễ dàng nếu biết để cho Chúa hướng
dẫn, để cho Chúa đưa mình đến nơi Chúa muốn. Bí quyết căn bản của đời sống Kitô
là để cho Chúa tự do hướng dẫn mình đi, là biết cộng tác với ơn Chúa, là để cho
Chúa Kitô chiếm hữu như thánh Phaolô tông đồ ngày xưa, ngài đã bộc lộ cho những
người con tinh thần của ngài bí quyết đời
Kitô :”Tôi sống, nhưng không phải là tôi,
mà chính Đức Kitô sống trong tôi. Kiếp sống tôi đang sống, tôi muốn sống trong
niềm tin hoàn toàn vào Đấng đã yêu thương tôi và trao nộp chính mình cho tôi”.
6. Khi nghe Đức Giêsu nói “Thầy là đường”, chúng ta cũng nhớ
lại một chân lý bất biến là “qua thập giá tới vinh quang”. Đó là con đường
duy nhất mà Đức Giêsu đã đi, để tiêu diệt sự chết và đi vào cõi sống đời đời. Theo đạo
chính là Con Đường mang tên Giêsu, là gắn bó sống chết với Giêsu, chia sẻ sứ mạng
của Giêsu, Con Thiên Chúa làm người bằng xương bằng thịt. Vì thế, muốn đạt đến
Nước Trời, Kitô hữu cũng phải bước theo con đường đó. Về vần đê này, chúng ta hãy nghe John Newton chia sẻ :
“Những khổ sở mà đời chúng ta
phải chịu cũng giống như một bó củi rất to và rất nặng. Chắc chắn chúng ta
không vác nổi. Nhưng Thiên Chúa đã thương tháo dây bó củi đó ra, rồi chia nó ra
để mỗi ngày chỉ chất lên vai ta một khúc thôi. Hôm sau một khúc nữa, và hôm sau
tiếp tục... Cuối cùng ta cũng vác xong bó củi.
Nhiều người lại không làm như thế : chẳng những họ chất lên vai khúc củi
của hôm nay mà còn thêm vào đó khúc củi
của hôm qua và khúc củi của ngày mai. Lạ gì họ không vác nổi”.
7. Truyện : Triết gia Diogène bán sự
khôn ngoan.
Một ngày nọ, triết gia Diogène của Hy Lạp đã đến giữa chợ
Athènes và dựng lên một căn lều có ghi đậm hàng chữ như sau :”Ở đây
có bán sự khôn ngoan”.
Một bậc khoa cử tình cờ đi qua căn lều đọc được lời rao bảo,
mới cười thầm trong bụng... Muốn biết đàng sau căn lều ấy có những gì, ông mới
sai người đầy tớ cầm tiền để dò la và mua cho được cái mà người bán gọi là sự khôn ngoan.
Người đầy tớ cầm tiền ra đi làm theo lời căn dặn của chủ...
Anh đưa cho Diogène 3 hào và nói rằng chủ
của anh muốn có sự khôn ngoan. Cầm lấy 3 hào bỏ vào tủi, triết gia Diogène nói
với người đầy tớ một cách trang trọng như sau :”Anh hãy về đọc lại cho chủ anh
câu này : Trong tất cả mọi sự, hãy nghĩ đến cùng đích”.
Vị khoa cử thành Athènes vô củng thích thú vì lời khôn
ngoan này. Ông đã cho viết trước cửa nhà như khuôn vàng thước ngọc để chính ông
suy niệm mỗi ngày và tất cả nhưng ai đi qua trước nhà ông đều có thể đọc thấy.
Lm
Giuse Đinh Lập Liễm
Đà
Lạt