Thứ sáu tuần 5 Phục sinh
Các con hãy yêu
thương nhau
(Ga
15,12-17)
1. Trước khi từ biệt các môn đệ thân yêu để đi vào cuộc tử
nạn. Đức Giêsu đã nói với các ông mệnh lệnh cuối cùng của Ngài, và cũng là lời
trăn trối, lời di chúc của Ngài :”Đây là
điều răn của Thầy, các con hãy yêu
thương nhau”. Đó là câu mở đầu của bài Tin Mừng, và cũng là câu cuối cùng của
bài Tin Mừng, Chúa nhắc lại :”Điều Thầy
truyền cho các con là hãy yêu thương nhau”. Rõ ràng Đức Giêsu muôn dạy các
môn đệ và chúng ta hãy yêu thương nhau.
2. Sứ điệp lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người hãy yêu
thương nhau bằng một tình yêu không phân biệt hay loại trừ. Yêu mà không mong đền
đáp, nhưng yêu một cách vô vị lợi, luôn chia sẻ, cảm thông và tha thứ với mọi
hoàn cảnh. Sẵn sàng phục vụ như người tôi tớ... và cuối cùng, coi sự sống của
mình là sự sống của người khác, nên nếu cần, chấp nhận hy sinh cho người khác
như Đức Giêsu đã hiến mạng vì bạn hữu của mình.
3. Tình yêu trao ban cho anh em mà Đức Giêsu muốn người môn
đệ thực hành luôn mang những đặc tính tiệm tiến :
- Yêu như Chúa yêu : “Các con hãy yêu
thương nhau như Thầy đã yêu thương các con (Ga 15,12) hoặc “Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà
chúng ta được sống... và sai Con Một Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta”
(1G 4,8-11).
- Yêu đến tận cùng như Đức Giêsu dạy :
“Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu” (Ga
15,13). Thánh Gioan diễn tả :”Đức Kitô đã thí mạng vì chúng ta. Như vậy, cả
chúng ta nữa, chúng ta cũng phải thí mạng vì anh em” (1Ga 3,16).
- Tình yêu phải thể hiện trong việc làm
: “Nếu các con giữ điều răn của Thầy”. Thánh Gioan diễn tả :”Hỡi anh em là những
người con bé nhỏ, chúng ta đừng yêu nhau nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương
cách chân thật và bằng việc làm” (1Ga 3,16-18).
4. Hy sinh cho người thân yêu là một đòi hỏi thường tình của
tình yêu. Hy sinh cho người xa lạ là điều đáng khâm phục, và sẵn sàng hy sinh mạng
sống cho người khác được sống quả là một diễn tả tuyệt vời của tinh yêu.
Ai đã có dịp đọc cuốn tiểu thuyết “Anh phải sống” của Khái Hưng mới thấy thấm thía lời Đức Giêsu đã
day. Nội dung cuốn tiểu thuyết nói về việc hai vợ chồng nọ quá nghèo, nên phải đi
kiếm củi trên ngàn để bán lấy tiền nuôi con. Hôm đó trên đường về, họ gặp trời
giông bão. Họ bị nước cuốn trôi đi. Họ bám được vào một khúc cây nhưng khúc cây
quá nhỏ chỉ đủ cho một người bám. Họ không thể kéo dài mãi tình trạng hai người
cùng bám vào một khúc cây. Kéo dài thêm thì sẽ chết cả hai. Trước tình trạng
đó, đòi hỏi họ có một sự lựa chọn. Người
chồng bảo người vợ hãy bám vào khúc cây, vì “em phải sống để lo cho các
con”. Người vợ cũng bảo người chồng “anh
phải sống”. Cuối cùng, người vợ buông tay, tự tìm lấy cái chết cho mình, để
nhường sự sống lại cho chồng và các con.
5. Tin Mừng hôm nay cũng hướng chúng ta về hình ảnh yêu
thương tuyệt vời này :”Không có tình yêu
nào lớn hơn tình yêu của người hiến mạng sống mình vì người yêu”. Chúa
Giêsu đã cứu thoát nhân loại bằng cách hiến mạng sống mình qua cái chết trên Thập
giá như một biểu lộ tột cùng của tình yêu.
Một Thiên Chúa quyền năng có thể cứu nhân loại mà không cần phải nhập thể
làm người và chết trên Thập giá. Thế nhưng, Ngài đã chọn phương thế này vì Ngài
muốn cho con người có được cảm nghiệm
sâu xa về tình yêu của Ngài theo cách thế loài người, đó là hy sinh mạng sống
vì người mình yêu.
6. Tóm lại, tình yêu không thể diễn tả được hết bằng ngôn từ,
nhưng là sự cảm nhận rất riêng của mỗi người trong sự rung cảm của trái tim mà
không bị lệ thuộc của bất cứ ranh giới nào. Tuy nhiên, người môn đệ có một tiêu
chuẩn để diễn tả tình yêu đích thật là tuân giữ điều răn yêu thương của Chúa
dành cho tha nhân, yêu thương một cách vô vị lợi, không so đo tính toán hơn thiệt,
mà là “yêu như Chúa đã yêu” khi sẵn sàng hy sinh cả tính mạng vì bạn hữu.
7. Truyện : Sẵn sàng chết cho người khác.
Một vị đạo sĩ kia kể rằng : Ngày nọ, ông từ trên núi cao đầy
băng tuyết đi xuống với một người Tây Tạng. Dọc đường, ông gặp một người ngã quỵ
trên băng tuyết, ông nói với ngưới Tây Tạng đồng hành :
- Chúng ta mau lại giúp đỡ người gặp nạn đó !
Nhưng người Tây tạng trả lời :
- Không ai bắt buộc chúng ta phải giúp đỡ kẻ khác, khi mà
chính mạng sống của chúng ta đang bị giá
lạnh đe dọa.
Nhưng vị đạo sĩ nói :
- Dù chúng ta có phải chết vì lạnh đi nữa thì chúng ta cũng
nên chết vì đã giúp ngưới khác, đó là điều
tốt đẹp hơn.
Nói rồi, vị đạo sĩ chạy lại vác người bị nạn lên vai và khệ
nệ đem người đó xuống núi, trong khi người Tây tạng đã bỏ xuống trước. Đi được
một quãng, vị đạo sĩ thấy người bạn đồng hành Tây tạng đang nằm dài trên tuyết
bất động. Thì ra, anh ta quá mệt ngồi nghỉ và bị lạnh cóng chết lúc nào không
biết, còn vị đạo sĩ vì phải hết sức vác người bị nạn nên cơ thể nóng lên thêm,
nhờ đó mà ông thoát chết vì lạnh.
Lm
Giuse Đinh Lập Liễm
Đà
Lạt