Thứ tư tuần 5 Phục sinh

Dụ ngôn cây nho và cành nho

(Ga 15,1-8)

 

          1. Bài Tin Mừng hôm nay chúng ta thấy Đức Giêsu dùng một hình ảnh rất cụ thể,  rất đẹp để dạy chúng ta một bài học quí giá, đó là cây nho. Ngài tự ví mình là cây nho và chúng ta là cành nho. Hình ảnh này nói lên ý nghĩa cửa sự hiệp thông, liên đới và hỗ tương giữa cây và cành nho, và giữa các cành với nhau, tức là giữa Thiên Chúa với chúng ta  và giữa chúng ta với nhau.

 

          2. Vườn nho hay cây nho là hình ảnh rất quen thuộc của người Do thái. Cây nho cho họ thứ rượu hằng ngày và trở thành thức uống không thể thiếu trong các bữa tiệc. Hình ảnh vườn nho hay cây nho cũng được ví như nhà Israel dưới ngòi bút của các tiên tri Isaia, Giêrêmia và Ezékiel. Dân Israel là vườn nho của Chúa trồng lên và chăm sóc bảo vệ chúng, lắm khi chúng đã trở nên tan hoang và nho dại.

          Bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu cũng lấy lại hình ảnh cây nho và cành nho  để nói lên tương quan  của Ngài với các môn đệ. Như cành lìa cây sẽ bị héo khô và chết vì mất nguồn sống, thì những ai tách lìa  khỏi sự sống duy nhất là Đức Kitô sẽ hư mất đời đời.  Cành nho sống được  là nhờ hút nhựa sống từ thân cây, nhưng không phải hút để ra lá mà là để sinh hoa trái.

 

          3. Nếu Đức Giêsu sinh sống ở Việt nam, Ngài sẽ không nói :”Thầy là cây nho”, nhưng sẽ dùng một loại cây quen thuộc hơn :”Thầy là cây mít, là cây ổi, là cây xoài... còn anh em là cành”, để diễn đạt hình ảnh cây và cành có cùng sự sống, luân lưu chung dòng nhựa cây.  Ngài cũng đã dùng một động từ  để chỉ sự kết hợp này :”ở lại trong Thầy”.  Động từ ấy được lặp đi lặp lại sáu lần trong bài Tin Mừng  như lời mời gọi thiết tha, như tiếng van nài khẩn thiết, bởi vì Ngài biết rằng đời ta chỉ có giá trị, sinh hoa trái tốt lành khi ở lại trong Ngài. Muốn sinh hoa trái tốt tươi, cây nho phải được cắt tỉa. Cũng vậy, ta phải vui vẻ để cho Chúa Cha cắt tỉa, cắt đi cái tôi muốn bành trướng cách lộ liễu, tỉa bớt cái bản ngã muốn âm thầm vươn cao, lấn át Chúa và người lân cận (5 phút mỗi ngày).

 

          4. Một sự thật hiển nhiên là cành nho bị cắt đứt lìa thân cây chắc chắn sẽ héo khô và chết, vì nhựa sống của cành nho không tự có mà là nhựa sống  được truyền từ cây sang cành. Khi sử dụng hình ảnh cây nho – cành nho này, Đức Giêsu khẳng định sự hiện hữu của Thiên Chúa và sự hiện hữu của con người. Chỉ có Thiên Chúa mới tự hữu, còn con người chỉ hiện hữu lệ thuộc vào sự sống của Thiên Chúa.     Cụ thể, sự sống tâm linh của các tín hữu sẽ không còn khi tách lìa với Đức Kitô là “sự sống” như Người từng tuyên bố :”Thầy là sự sống”. Như vậy, không thể có Kitô hữu nào mà lại không kết hợp với Đức Giêsu, đặc biệt kín múc sự sống của Người từ việc cầu nguyện, lãnh các bí tích, đặc biệt là bí tich Thánh Thể.

 

          5. “Cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn” (Ga 15,2b). Cành sinh trái là cành luôn gắn bó với thân, được nuôi sống bởi nhựa đến từ gốc cây nho. Thật thế, như hình ảnh cành nho liên kết với thân nho, chúng ta cũng vậy nếu “gắn liền với” hay “ở lại trong” Đức Kitô, chúng ta sẽ nhận được sức sống, sức mạnh của Ngài vì :”Cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho” (Ga 15,4). Cho nên thi sĩ Tagore luôn cảm nghiệm :”Con nhận Chúa chính nguồn tình yêu”(bài thơ Mong chẳng còn gì).

 

          6. Chữ “Kitô hữu” có nghĩa là “người thuộc về Đức Kitô”. Cho nên cuộc sống Kitô hữu đương nhiên là phải sống trong Đức Kitô và sống bằng sức sống của Ngài.  Muốn thế thì đương nhiên phải kết hợp chặt chẽ với Đức Kitô : bằng cầu nguyện, bằng tưởng nhớ, bằng thi hành những lời Ngài dạy... Ai không làm những điều đó thì người ấy không phải là Kitô hữu thật, người ây là cành nho khô, sớm muộn cũng bị chặt đi và quăng vào lửa.

 

          7. Truyện : Kết hợp với Đức Kitô.

          Văn hào kiêm triết gia nổi tiếng người Ấn độ Rabindranath Tagore đã viết như sau :”Trên bàn tôi là sợi dây guitar, tôi xoay nó qua lại theo các chiều khác nhau, nó không bị ràng buộc chi cả. Vì nó được cuộn tròn nên khi tôi xoắn đầu này thì đầu kia cũng bật dậy, sợi dây dẫy nảy trong tay tôi, mà chẳng phát ra một âm thanh nào. Hiện tượng này biến mất khi tôi buộc nó vào chiếc đàn guitar,  hai đầu bị gắn chặt để sợi dây căng thẳng, rồi với đầu ngón tay, tôi gảy nhẹ vào sợi dây và lạ thay, một âm vang nổi lên hầu như du dương. Đây chính là lúc sợi dây được tự do để tạo nên nốt nhạc.  

          Cũng thế, trong cách trồng cây cà chua, cây yếu ớt ngã xoài trên mặt đất, nhiều khi lá bị héo úa dập nát. Nhưng nếu cây được cột vào một cọc dựng đứng, mọi phần tử của cây được phơi ra ánh nắng, cây sẽ mơn mởn và đâm nhiều bông trái. Chính vì bị ràng buộc mà cây đã có nhiều triển vọng sinh hoa kết quả” (Thiên Phúc, Lời gọi yêu thương, tr 39).

 

          Chúng ta cần lặp lại lời Đức Giêsu đã nói với chúng ta :”Không có Thầy, các con không làm được gì” (Ga 14,5).  Chúng ta sống được là nhờ có ơn Chúa, mọi sự phải nằm trong Chúa. Đời sống thiêng liêng của chúng ta  chỉ có thể phát triển được khi có ơn Chúa nâng đỡ; ngoài Chúa ra không ai có thể giúp đỡ chúng ta làm được việc gì sinh ơn ích cho phần rỗi chúng ta.

 

                                                                             Lm Giuse Đinh Lập Liễm

                                                                             Đà Lạt


Lm. Đinh Lập Liễm - Chia Sẽ Tin Mừng Ngày Thường