Thứ bảy tuần 6 Phục sinh
Cầu nguyện nhân danh
Chúa Giêsu
(Ga
16,23b-28)
1. Đức Giêsu dạy chúng ta thái độ phải có khi cầu xin với
Cha là phải tin và lấy danh Đức Giêsu mà kêu cầu, chắc chắn Chúa Cha sẽ nhận lời.
Như thế, lời cầu xin của chúng ta phải ở
trong tương quan Cha – con, nghĩa là phải thể hiện lòng tin tưởng phó thác; tin
Cha sẽ làm những gì tốt nhất cho mình. Trong niềm xác tín đó, chúng ta luôn
mang tâm tình tạ ơn, ngay cả những điều
ta xin không được, những điều không hợp ý ta, những điều xem ra không lợi cho chúng ta. Tất cả đều được Cha
an bài trong yêu thương và tốt đẹp nhất cho chúng ta.
2, Trong cuộc sống, nhiều khi chúng ta có kinh nghiệm về sự
bất toàn của mình, cũng như sự giới hạn về uy tín. Vì thế, có những điều chúng
ta muốn không được và phải cần đến một
trung gian làm cầu nối cho mình.
Hôm nay Đức Giêsu mạc khải cho các môn đệ về vai trò của
Ngài trong mối tương quan với Thiên Chúa Cha, và Ngài hứa cho những ai nhân
danh Ngài mà xin cùng Thiên Chúa Cha thì Người sẽ ban cho như ý. Đây là cách nhấn
mạnh và cụ thể, rõ ràng, chứ thực ra, đã có lần Đức Giêsu nói :”Ta là đường, là sự thật và là sự sống”,
hay :”Không ai đến được với Cha mà không
qua Thầy” (Ga 14,6).
Tại sao hôm nay Đức Giêsu lại dạy các môn đệ chi tiết và cụ
thể đến như vậy ? Thưa là bởi vì trước kia, khi Đức Giêsu còn ở với các ông, diện
đối diện, nên việc cầu xin nhân danh Đức Giêsu là điều mà ít ai nghĩ tới. Tuy
nhiên, sau khi đã hoàn tất công cuộc cứu chuộc qua cái chết, Đức Giêsu sẽ về với
Chúa Cha, và như vậy, Ngài đảm nhận vai trò Trung gian giữa con người với Thiên
Chúa Cha cách đắc lực và hiệu quả. Vì thế, Ngài mới nhắn nhủ các môn đệ hãy
nhân danh Ngài mà xin với Chúa Cha thì sẽ được như ý (Ngọc Biển).
3. Đức Giêsu đã hoàn thành sứ mạng ở trần gian, Ngài loan
báo cho các môn đệ là sắp đến giờ Ngài ra đi. Ra đi không phải để đi mất mà để
hiện diện lại cách mới mẻ và sâu xa hơn : “Thầy
từ Chúa Cha mà đến thế gian và giờ đây Thầy trở về cùng Chúa Cha”. Phương
thế để giữ liên lạc với Ngài và có sức mạnh trung thành đến cùng trên đường thập giá trong sự dấn thân hằng ngày là cầu nguyện. Cầu
nguyện với Cha nhân danh Đức Giêsu.
Ngài dạy chúng ta thái độ phải có khi cầu xin với Chúa Cha
là : Chúng ta tin và lấy danh Đức Giêsu kêu cầu, chắc chắn Chúa Cha sẽ nhậm lời.
Với tâm tình con thảo, như Giáo lý Công giáo dạy :”Việc cầu nguyện cùng Cha của chúng ta
phải làm triển nở trong chúng ta
ý muốn nên giống như Ngài và nuôi dưỡng nơi chúng ta một tấm lòng khiêm
nhu tin tưởng” (GLCG số 2800).
Cha luôn dõi mắt theo từng người con mà ban phát như Đức
Giêsu đã khẳng định:”Các con hãy xin thì
sẽ được, hãy tìm thì sẽ gặp, hãy gõ thì sẽ mở cho. Vì hễ ai xin thì được, ai
tìm thì gặp, ai gõ thì sẽ mở cho” (Lc 11,9-10). Lời cầu xin của chúng ta nhân danh Chúa Con, luôn ở trong tương quan
Cha – con, nghĩa là phải thể hiện niềm tin phó thác : Tin Cha sẽ làm những gì tốt
nhất cho mình.
4. Sinh hoạt nền tảng nhất của người Kitô hữu chính là cầu
nguyện. Nhưng mãi mãi, có lẽ chúng ta phải thốt lên như các môn đệ Đức Giêsu :”Lạy Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện”
vì chúng con chưa biết cầu nguyện. Thay cho một lời giải thích về cầu nguyện, Đức
giêsu đã dạy các môn đệ kinh Lạy Cha, đó là tất cả cuộc sống của Ngài, một cuộc sống luôn diễn ra phù hợp với thánh ý Thiên Chúa.
Như vậy, cầu nguyện là đi vào tri giao mật thiết với Thiên
Chúa, hay nói như Abraham Lincoln là đứng về phía Chúa. Thật ra, thái độ nền tảng của cầu nguyện là
ra khỏi chính mình và đi vào tương quan với người khác. Người không thể đi ra khỏi chính mình và sống
tương quan với người khác, không thể cầu nguyện một cách đúng đắn theo tinh thần
của Đức Giêsu. Ai biết tôn trọng người khác và thiết lập với người khác tương
quan đối thoại và lắng nghe, người đó mới có thể có đủ những điều kiện cần thiết để sống tương
quan mật thiết với Đức Giêsu Phục sinh.
5. Truyện : Hiệu
lực của lời cầu nguyện.
Một ngày kia, thánh Etienne, vị thánh thành lập hội dòng
Grammont, khi ngài đang giảng thuyết trước một cử tọa rất đông đảo người lắng
nghe. Bỗng có một người đứng dạy, dám nói thẳng với ngài :”Thưa cha, mặc dù cha
nói nhiều đến sự kinh tởm của tội lỗi, con cũng chả thèm muốn hoán cải tí nào cả
và con sẽ bực bội khi nghe tin cha cầu nguyện cho con”.
Ngạc nhiên trước những lời nói bạo gan này, vị thánh xúc động
đến nỗi ngài phải khóc nức nở. Và ngay sau đó, ngài đánh chuông, tập họp các tu
sĩ lại, và ngài nói với họ rằng :”Chúng
ta hãy cầu nguyện cho con người đáng
thương này”.
Vài giờ sau đó, trái tim của kẻ tội lỗi cứng đầu đó hoàn
toàn thay đổi, anh ta nhận ra tình trạng thảm hại của linh hồn anh ta và quyết
định sống một cuộc đời mới.
Anh tìm đến gặp vị thánh, anh đã phủ phục dưới chân ngài và
xin ngài tha thứ, anh ta cũng hứa sẽ từ bỏ hết các tật xấu và không bao giờ tái
phạm chúng nữa.
Thánh Etienne, nhân cơ hội cuộc trở lại này, ngài đã tỏ cho
các môn đệ của ngài thấy sự hữu hiệu của lời cầu nguyện.
Lm Giuse Đinh Lập Liễm
Đà
Lạt