Thứ năm tuần 6 Phục sinh
Nỗi buồn sẽ thành niềm
vui
(Ga
16,16-20)
1. Sau khi loan báo về Chúa Thánh Thần sẽ đến, về hoạt động
của Người, Đức Giêsu cũng loan báo về việc Người sẽ trở lại để khích lệ các môn
đệ. Ngài nói :”Ít lâu nữa các con sẽ
không còn trông thấy Thầy”. Nghĩa là
:
- Người báo tin về sự tử nạn mà Ngài sắp chịu. Vì thế, các
môn đệ sẽ không còn trông thấy Người nữa.
- Người loan báo về sự Phục sinh và sự trở lại của Người
trong vinh quang. Vì thế, các môn đệ sẽ thấy Chúa, không bằng khả giác nhưng bằng
đức tin.
2. Trước viễn cảnh cuộc khổ nạn, Đức Giêsu báo cho các môn
đệ sự ra đi của Ngài làm cho các ông buồn. Sự lo buồn nơi các Tông đồ thật dễ
hiểu vì đây là tâm trạng tự nhiên của con người khi phải xa cách người Thầy yêu
mến. Các ông lo vì Người đã nói đến sự thương khó mà Ngài đã ba lần báo trước
và bây giờ là gần kề :”Một ít nữa... các
con sẽ không thấy Thầy”. Vì người ta sẽ bắt Ngài giết trên thập tự rồi chôn
vùi trong mồ và các ông không thể thấy Ngài nữa.
Vì thế Đức Giêsu nói :”Các
con sẽ khóc lóc than van, còn thế gian sẽ vui mừng”. Trước cái chết trên thập
giá của Đức Giêsu, các môn đệ buồn sầu vì sự thất bại của Thầy, còn thế gian
hân hoan vì tưởng rằng mình đã chiến thắng. Nhưng ngày thứ ba Người sẽ sống lại
và sự chết sẽ không làm chủ được Ngài.
Cho nên Ngài nhấn mạnh :”Rồi lại một ít nữa các con sẽ thấy Thầy”, “một ít nữa” này rõ ràng là “ngày thứ ba”. Chiến thắng của thế gian
không phải là chiến thắng cuối cùng và thất bại của Đức Giêsu cũng không phải
là thất bại sau hết. Nơi tận cùng của cái chết là bắt đầu đi vào cuộc sống và chiến thắng vĩnh cửu : Ngài toàn thắng
tội lỗi, sự chết và phục sinh vinh quang (Lm Vinh Sơn).
3. “Nhưng nỗi buồn của
các con biến thành niềm vui”.
Với sự hiện diện của Đức Giêsu Phục sinh, các môn đệ sống
niềm vui vô bờ bến : nước mắt trở nên tiếng cười... Chỉ sau khi Chúa Phục sinh
hiện ra với các ông, “các ông vui mừng vì
được thấy Chúa” (Ga 20,20) thì
đúng như lời Chúa đã nói trước :”Nỗi buồn
của các con sẽ trở thành niềm vui. Khi sinh con, người đàn bà lo buồn... nhưng
khi sinh rồi, thì không còn nhớ đến cơn gian nan nữa, bởi được chan chứa niềm
vui... Các con cũng vậy, bây giờ các con lo buồn, nhưng Thầy sẽ gặp lại các
con, lòng các con sẽ vui mừng; và niềm vui của các con không ai lấy mất được”
(Ga 16,21-22). Các ông cảm nghiệm sâu xa sự sống đời đời và được hưởng sự sống
đó do Đấng Phục sinh mang lại.
4. Kitô giáo không
chối bỏ thực tại của đau khổ, nhưng trong cái chết và sự phục sinh của Đức
Giêsu, Kitô giáo không còn nhìn vào đau khổ như một ngõ cụt của cuộc sống, trái
lại, trong ánh sáng phục sinh của Đức Giêsu, cuộc sống vẫn tiếp tục có ý nghĩa
và đáng sống. “Một ít nữa, các con sẽ
không thấy Thầy, rồi một ít nữa, các con sẽ thấy Thầy”. Đức Giêsu mời gọi
các môn đệ của Ngài tham dự vào mầu nhiệm Vượt qua của Ngài cũng có nghĩa là nhìn thấy Ngài ngay cả những lúc tăm tồi của cuộc sống. Thấy
được Ngài, bám chặt lấy Ngài, thì cho dù khổ đau có chồng chất, con người vẫn thấy được ý nghĩa của cuộc sống.
Tham dự vào mầu nhiệm Vượt qua của Ngài cũng có nghĩa là nhận ra khuôn mặt của Ngài trong những anh em
đau khổ chung quanh chúng ta. Sự cảm thông phục vụ đối với những người đau khổ
sẽ cho chúng ta tham dự vào cuộc tử nạn của Đức Giêsu và niềm vui Phục sinh sẽ
tràn ngập tâm hồn chúng ta (Mỗi ngày một tin vui).
5. Tóm lại, lời Chúa hôm nay là một lời nhắn nhủ đầy yêu
thương, nhắc cho chúng ta nhớ mình chỉ là lữ khách sống tạm ở trần gian, như
bông hoa sớm nở chiều tàn. Cuộc đời chúng ta ngắn ngủi lắm, chúng ta phải luôn
sống tốt lành để được chết lành, chúng ta phải biết từ bỏ mình để gặp gỡ lại
mình trong cõi vĩnh phúc.
6. Truyện : Niềm
vui trong tình yêu Chúa.
Vào tuần thánh năm 1980, đài phát thanh Vienne nước Áo truyền
đi một bài phỏng vấn vô cùng cảm động. Người được phỏng vấn là một nữ sinh viên
đang nằm chờ cái chết đến từng ngày tại một bệnh viện ở thủ đô Áo quốc. Cô phát biểu :”Sau khi bác sĩ chẩn đoán và
cho biết tôi mắc chứng sưng bạch huyết, tôi có cảm tưởng như trời sập xuống trên
tôi. Tuy nhiên tôi cũng cảm thấy như Chúa muốn gửi đến cho tôi một cơ may mới. Từ
hai ba năm nay tôi đã bắt đầu có một cái nhìn mới. Tôi nhận ra trong đau khổ của
riêng tôi cũng như của những người chung quanh phản ánh chính sự đau khổ của
Chúa Giêsu chịu đóng đinh và bị bỏ rơi trên thập giá. Tôi đã tìm cách yêu thích nỗi đau khổ ấy”.
Chính vì muốn chấp nhận đau khổ mà cô gái ghi danh vào trường
y khoa. Nằm trên giường bệnh, biết mình không còn sống bao lâu nữa, vậy mà cô vẫn
cầm trên tay một cuốn sách và cây viết. Cô giải thích :”Không ai có thể nói cho
tôi biết chắc 100 phần trăm là tôi sẽ không học xong hoặc tôi sẽ không bao giờ
trở thành bác sĩ. Tuy nhiên vẫn luôn luôn có những phép lạ. Và riêng tôi, tôi
xác tín rằng tôi phải thực thi ý Chúa nếu tôi muốn tiến tới. Đó là cách thế tôi
chuẩn bị đón nhận cái chết, chuẩn bị đi vào thiên đàng. Tôi để Chúa làm việc hầu
cho tất cả mọi việc trở thành tình yêu.
Tất cả mọi sự, từ việc học hành của tôi cho đến những việc nhỏ mọn tôi làm cho
người khác. Bởi vì tôi không làm được những việc quan trọng nữa”.
Không khỏi ngạc nhiên trước những lời phát biểu trên đây,
người phóng viên liền hỏi :”Tôi đọc thấy trên gương mặt của cô niềm vui và hy vọng.
Thế nhưng cô còn chờ đợi gì nơi cuộc sống này” ?
Cô gái mỉm cười nói :”Tôi chờ đợi mọi sự từ cuộc sống”.
Lm
Giuse Đinh Lập Liễm
Đà
Lạt