Thứ tư tuần 6 Phục sinh

Chúa Thánh Thần

sẽ dạy các con tất cả sự thật

(Ga 16,12-15)

 

          1. Đức Giêsu đã nói trước với các Tông đồ và đồng thời cũng là lời hứa với các ông, là Ngài sẽ sai Chúa Thánh Thần, là Thần Chân lý đến  để tiếp tục giảng dạy cho các ông và cho cả thế giới  biết tất cả sự thật về Ngài.

          Bài Tin Mừng hôm nay trình bầy về sư phạm của Chúa Thánh Thần , giúp chúng ta hiểu biết, huấn luyện ta lớn lên. Điều này giúp chúng ta tin tưởng vào ơn phù trợ và ơn soi sáng hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, để nhờ đó chúng ta ý thức và sốt sắng hơn trong việc cầu nguyện với Chúa Thánh Thần.

 

          2. Đức Giêsu là mạc khải trọn vẹn về Chúa Cha. Nhưng các môn đệ Người có khả năng tiếp nhận trọn vẹn mạc khải ấy hay không là một chuyện khác. Người xác nhận rằng các ông chưa “có thể chịu nổi” sự thật toàn vẹn. Người hứa rằng Thần Khí sự thật, tức Chúa Thánh Thần, sẽ đến – nhưng không phải để trao “cú một” nguyên gói sự thật, mà là để “dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn”. Như thế, việc khám phá sự thật là một quá trình cần phải được tiếp tục không ngừng trong sự dẫn dắt của Thánh Thần; và thái độ đứng đắn của người môn đệ Chúa Giêsu là khiêm tốn, ngoan ngoãn lắng nghe sự dẫn dắt – thường một cách rất tế nhị và từ những phía rất bất ngờ - của Chúa Thánh Thần. Thái độ hãnh thắng, tự mãn, coi mình hoàn toàn đúng và kẻ khác hoàn toàn sai... chắc chắn không phải là thái độ của một người ở trong Thần Khí sự thật (5 phút Lời Chúa).

 

          3. Chúa Thánh Thần đến hướng dẫn những môn đệ của Đức Giêsu đến sự thật toàn vẹn. Đức Giêsu dùng từ ngữ “hướng dẫn đến sự thật toàn vẹn” để nói lên một trong những trách vụ của Chúa Thánh Thần. Đây không có nghĩa là  Chúa Thánh Thần mạc khải thêm cho các môn đệ Chúa Giêsu biết  những sự thật mới mẻ về Thiên Chúa. Chúa Thánh Thần không mạc khải thêm những điều mới. Mạc khải của Đức Giêsu đã trọn vẹn nhưng các môn đệ chưa lãnh hội trọn vẹn hết mọi sự được, cần nhờ đến Chúa Thánh Thần để được dẫn sâu vào trong các sự thật của Chúa, để hiểu mỗi ngày một hơn mạc khải của Chúa.  Các ngài cần đào sâu hơn giáo huấn của Đức Giêsu, cần hướng dẫn đến sự thật toàn vẹn, cần hiểu sâu xa hơn về mầu nhiệm của Chúa Giêsu Kitô, nhờ qua Thánh Thần. Đức Giêsu biết các môn đệ còn là những người có những giới hạn và cả những tật xấu nữa, và do đó đang cần đến sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần biết là chừng nào để có thể làm chứng cho Chúa cách đáng tin.

 

          4. Chỉ trong Chúa Thành Thần, nghĩa là trong đức tin, con người mới cảm nhận được sự hiện diện của Đức Giêsu, chỉ trong Thánh Thần, con người mới có thể hiểu biết về Đức Giêsu. Đó là cảm nghiệm mà các môn đệ Đức Giêsu có thể có được từ sau lễ Ngũ tuần. Trước đó, Đức Giêsu phục sinh đã nhiều lần hiện ra cho các ông, nhưng sự hiểu biết của các ông về mầu nhiệm của Ngài vẫn còn bị giới hạn. Chỉ sau khi Thánh Thần hiện xuống, các môn đệ mới cảm nghiệm được sự hiện diện của Đức Giêsu Phục sinh và chân lý của Ngài mới sáng tỏ  trong tâm hồn các ông.  Đức Giêsu đã khẳng định vai trò giáo dục cùa Chúa Thánh Thần khi Ngài nói với các môn đệ :”Khi Thần Chân Lý đến, Ngài sẽ đưa các con vào tất cả sự thật (Mỗi ngày một tin vui).

 

          5. Ngày nay đối với chúng ta, đời sống chúng ta luôn luôn cần đến sự giúp đỡ, hướng dẫn và giữ gìn. Ai sẽ giúp chúng ta điều đó ? Thưa là Chúa Thánh Thần. Ngài không hiện diện giữa chúng ta  theo kiểu Đức giêsu đã hiện diện giữa các Tông đồ, nhưng Ngài ở trong lòng chúng ta, để thực hiện nơi chúng ta những gì Đức Giêsu đã thực hiện nơi các Tông đồ lúc Ngài còn tại thế. Ngài soi sáng trí khôn chúng ta, Ngài sưởi ấm cõi lòng chúng ta, Ngài thúc giục chúng ta làm điều lành và tránh điều xấu.

          6. Truyện :  Giêsu ông là ai ?

          “Giẻsu, ông là ai” ? Đó là câu hỏi của nhân vật Giuđa Iscariot trong tác phẩm “Giêsu, ông là ai” của nhà văn Dominico Donrio. Câu chuyện được mở ra với bầu khí chờ đợi Đấng Messia của dân Israel. Khi Đức Giêsu đến chịu phép rửa, Gioan đã loan báo về Người; lúc đó, Đức Giêsu biến mất. Mọi người đổ xô đi tìm Người. Chính quyền thì lùng bắt để giết đi. Quân cách mạng thì tìm để tôn vinh. Trong khi ấy, Đức Giêsu lại âm thầm đến với cộng đoàn Esseniens, nơi Giuđa Iscariot là thủ lãnh.

          Họ hiểu Ngài, đón Ngài, nhưng họ lại không thể chấp nhận Ngài, vì không chịu nổi những gì Ngài nói, cách Ngài xử thế và Giáo lý Ngài truyền dạy.

          “Giêsu, Ngài là ai”? là câu hỏi của các môn đệ và người đương thời. “Giêsu, Ngài là ai”? cũng là câu hỏi cho tôi khi đối chất với lời Ngài, nhất là khi giáo lý của Ngài đòi tôi phải lội ngược dòng.

          Lạy Chúa, chỉ trong Chúa Thánh Thần, các môn đệ mới hiểu và tin vào lời Chúa, một hiểu biết mang lại sức mạnh cho các ông  đón nhận mầu niệm Tử nan và Phục sinh của Ngài. Và con cũng thế, sẽ chẳng hiểu được lời Ngài dạy trong cuộc sống, nếu không có thần khí của Ngài hướng dẫn. Nguyện xin Thánh Thần Chúa tỏa trên chúng con (Epphata).

 

                                                                             Lm Giuse Đinh Lập Liễm

                                                                             Đà Lạt

 


Lm. Đinh Lập Liễm - Chia Sẽ Tin Mừng Ngày Thường