Thứ bảy tuần 7 Phục sinh
Gioan sẽ là chứng tá
trong Hội thánh
(Ga
21,20-25)
1. Kết thúc mùa Phục sinh, Phụng vụ cho chúng ta thấy Phêrô
đã nhận chức vụ Mục Tử thay thế Chúa
Kitô, Gioan là chứng tá thường trực trong Hội thánh.
Bài Tin Mừng hôm nay là bài kết thúc Tin Mừng thánh Gioan,
trình bầy về Gioan sẽ là chứng tá thường trực trong Hội thánh Chúa cho đến tận
thế qua sách Tin Mừng của ông.
2. “Thưa Thầy, còn
anh này thì sao”?
Phải chăng khi Phêrô thắc mắc về Gioan như vậy là ông ngầm
nói với Thầy mình rằng anh Gioan cũng mến Thầy và được Thầy yêu cách riêng, thì
sao ? Nghĩa là Thầy sẽ trao cho anh ta nhiệm vụ gì ? Hay tại sao Thầy lại không
trao trách nhiệm chăn dắt Hội thánh cho anh ta có phải hơn không ? Đó cũng là
thắc mắc của nhiều người khi đọc Tin Mừng Gioan, bởi vì xem ra Gioan xứng đáng
hơn Phêrô, vì ông đã không chối Chúa.
Chúng ta thấy Chúa Giêsu không trả lời thẳng vào thắc mắc của
Phêrô mà lại nói khó hiểu hơn đối với Phêrô cũng như các môn đệ khác :”Giả như Thầy muốn anh ấy còn ở lại cho tới
khi Thầy đến thì việc gì đến anh”, rồi Chúa nói ngay:”Phần anh, hãy theo Thầy”.
3. “Nếu Thầy muốn anh
ấy còn ở lại cho đến khi Thầy đến...”.
Câu này là câu vừa trả lời vừa là câu hỏi rất khó hiểu. Thực
ra, ý Chúa Giêsu không nói là Gioan sẽ sống
mãi không chết, nhưng Chúa muốn Gioan “ở lại”. Phải hiểu chữ “ở lại” này theo
nghĩa của Tin Mừng thứ tư : ở lại là tồn tại mãi trong tình yêu mến, trong sự
thân thiết. Dù sau này Gioan sẽ chết đi nhưng Chúa Giêsu muốn hình mẫu của
Gioan như một môn đệ trung thành đi theo Thầy, như một môn đệ thường suy gẫm về
Thầy tiếp tục tôn tại mãi trong Giáo hội (Lm Carôlô).
4. “Chính người môn đệ
này làm chứng về những điều đó”.
Nghĩa là vì Chúa muốn hình mẫu của Gioan còn tồn tại mãi
trong Giáo hội như một cách làm chứng,
cho nên Gioan đã làm chứng bằng cách viết lại những cảm nghiệm, những suy gẫm của
mình về Chúa Giêsu. Và Gioan còn cho biết
“Tôi thiết nghĩ cả thế giới cũng không đủ
chỗ chứa các điều được viết ra”. Có lẽ không phải thế giới không đủ chỗ chứa
những sách mà Gioan nếu muốn viết ra. Không đủ chỗ chứa là đối với những cảm
nghiệm và những suy gẫm rất sâu sắc của Gioan về mầu nhiệm Chúa Giêsu và về những
điều Chúa Giêsu dạy (Carôlô).
5. Trong lịch sử Giáo hội suốt hai mươi thế kỷ nay, Thiên
Chúa vẫn tiếp tục kêu gọi nhiều người và ban cho họ những ân sủng đặc biệt để sống
mãn đời trên trần thế. Họ là các thánh nam nữ đã được Thiên Chúa lựa chọn và
trao cho các sứ mệnh đặc biệt ở những thời kỳ
và hoàn cảnh khác biệt nhau. Có vị được gọi để trở thành các giáo phụ và
tiến sĩ Hội thánh. Các ngài dùng ngòi bút và trí thông minh để rao giảng Phúc
âm và đem ánh sáng lời Chúa đến cho mọi người. Những vị khác thì được ơn gọi
sáng lập các dòng tu với tinh thần tông đồ và hoạt động truyền giáo trong nhiều
lãnh vực khác biệt nhau. Các sứ vụ tuy có khác biệt nhưng đều mang ý nghĩa và tầm
mức quan trọng như nhau. Tất cả đều qui tụ vào cùng một mục đích duy nhất là
làm chứng tá cho chân lý và tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại.
6. Như vậy, trong mỗi thời đại, ở mỗi xã hội khác nhau luôn
cần có những chứng nhân, trách nhiệm khác nhau. Thiên Chúa luôn cần đôi tay,
trái tim, khả năng của chúng ta để tiếp
tục sự hiện diện và hành động của Ngài. Có người làm chứng bằng máu, có người bằng
sự dấn thân đổ mồ hôi, có người làm chứng
bằng nghĩa cử hy sinh phục vụ, có những chứng nhân trong âm thầm cầu nguyện.
Mỗi người chúng ta được
mời gọi trở nên một trong số chứng nhân đó. Chúa đang cần sự đóng góp của chúng
ta.
7. Truyện :
Làm chứng cho Chúa.
Trong kỳ nội chiến, Tổng thống Hoa kỳ là Abraham Lincoln có
một sĩ quan trẻ làm thư ký. Viên sĩ quan này nổi tiếng là gan dạ, do đó công việc
bàn giấy xem ra không thích hợp với anh.
Anh chỉ mơ ước trở lại mặt trận và nếu cần sẵn sàng chết cho tổ quốc hơn là làm
công việc đơn điệu nhàm chán trên bàn giấy.
Một ngày nọ, sau khi nghe anh than phiền, Tổng thống Lincoln nhìn thẳng mắt anh
và nói :”Hỡi anh bạn trẻ, như tôi nhận thấy thì quả thực anh muốn xả thân chết
cho tổ quốc, nhưng có lẽ anh không muốn sống cho tổ quốc”.
Tử đạo theo nguyên ngữ là “làm chứng cho đức tin”. Có người
dùng cái chết để làm chứng, có người dùng cả cuộc sống. Tuy nhiên, chết đau
thương nhục nhã hoặc chết âm thầm từng ngày, cả hai đều có giá trị như nhau.
Phêrô, vị Giáo hoàng tiên khởi được mời gọi bước theo Chúa Giêsu, nghĩa là chấp nhận những thử thách bách hại
và cái chết trên thập giá để làm chứng cho Chúa. Còn Gioan, vị Tông đồ được
Chúa Giêsu yêu mến lại làm chứng cho Chúa bằng chính cuộc sống của mình. Gioan
tuy không được phúc tử đạo như các Tông đồ khác, nhưng đã sống một thời gian rất
dài, để củng cố niềm tin của các tín hữu tiên khởi nhất là để suy niệm và viết
cuốn Tin Mừng thứ tư và ba lá thư... Tất cả đều là những cách thức làm chứng
cho Đấng đã chết và sống lại là Chúa Giêsu Kitô (Mỗi ngày một tin vui).
Lm
Giuse Đinh Lập Liễm
Đà
Lạt