Thứ năm tuần 7 Phục sinh
Chúa cầu cho Hội
thánh hiệp nhất
(Ga
17,20-26)
1. Trong đoạn Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu không những cầu
xin Cha cho các môn đệ Ngài, mà còn cho tất cả những người nghe và tin vào lời các môn đệ giảng. Để lời Chúa
được mang đến khắp cùng bờ cõi, đến với mọi người, mỗi Kitô hữu chúng ta phải chuyên chăm học hỏi, thấm nhuần Lời Chúa
và luôn chia sẻ cho những người mình gặp gỡ.
2. Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu trong bữa tiệc ly cũng là
lời cầu nguyện cho sự hiệp nhất giữa các
môn đệ và giữa tất cả những người tin nhận Chúa Giêsu từ Thiên Chúa. Chúa Giêsu cầu nguyện cách đặc biệt cho tất cả
chúng ta được trở nên một như các thành phần chi thể trong một thân
mình duy nhất của Ngài, đó là Hội thánh. Cũng như Ngài và Chúa Cha đã kết hợp
nên một. Sự hiệp nhất giữa Chúa Giêsu và Chúa Cha là sự hiệp nhất trong tình yêu thương và sự
vâng phục, và đó là sự hiệp nhất mật thiết nhất. Chúa Giêsu đã yêu thương chúng
ta trước nhất và Ngài kết hợp với chúng ta trong bí tích Thánh Tẩy, qua đó chúng ta được kêu gọi để sống trong sự hiệp nhất và tình yêu (Mỗi
ngày một tin vui).
3. “Để cả chúng cũng
nên một trong Ta”.
Chúa Giêsu cầu nguyện cho Giáo hội ngày mai, tức là cho mọi
tín hữu trong tương lai, như vậy có tất cả chúng ta nữa. Ngài cầu xin cho chúng
ta được hiệp nhất với nhau trong Giáo hội Ngài thiết lập, để cùng nhau hiệp nhất
với Ngài.
“Nên một” là một
điều hết sức quan trọng, nên khi cầu nguyện cho bất cứ thành phần nào trong Giáo hội, Chúa Giêsu cũng cầu
xin cho họ được điều ấy.
Lạy Cha, xin gìn giữ chúng trong tình hiệp nhất.
Không phải thứ hiệp nhất rẻ tiền : cố nhịn nói, cố tránh va
chạm để người ngoài nhìn vào không biết chúng con đang chia rẽ.
Mà là sự hiếp nhất
dám chấp nhận những dị biệt và những lời góp ý thẳng thắn.
Một sự hiệp nhất được
thúc đẩy bởi ước muốn duy nhất trong lòng mọi người là sống theo chân lý của
Cha.
4. Chúa Giêsu cầu nguyện vì sự hiệp nhất trước hết là quà tặng
ân sủng từ Thiên Chúa, ân ban này sẽ được tìm thấy gốc rễ nơi trái tim của Ba
Ngôi mà Chúa Giêsu đã chia sẻ cho chúng ta qua vinh quang của Ngài trong tư cách là Con
Thiên Chúa. Với ân sủng này, chúng ta cùng Ngài đi vào sự hiệp nhất với Chúa
Cha trong Thánh Thần :”Con đã ban cho
chúng vinh hiển mà Cha đã ban cho Con, để chúng nên một như Chúng Ta là một.
Con ở trong chúng, và Cha ở trong Con, để chúng được hoàn toàn nên một và để thế
gian biết rằng Cha đã sai Con, và con đã yêu mến chúng như Cha đã yêu mến Con” (Ga 17,22-23).
5. Đức Giáo hoàng Phaolô VI đã diễn tả rất sâu sắc về giá
trị tông đồ của sự hiệp nhất, ngài đã nói như sau :”Lời di chúc thiêng liêng của Chúa Giêsu cho chúng ta hiểu rằng sự hiệp
nhất giữa các môn đệ không những là bằng chứng chúng ta là môn đệ của Ngài,
nhưng còn là bằng chứng Ngài được Chúa Cha sai đến và đó cũng là trắc nghiệm về
sự đáng tin của các Kitô hữu và của chính Đức Kitô”.
Có hiệp nhất với nhau, các kẻ tin mới tỏ ra mình không phải
là những con người bị chia rẽ bởi những tranh chấp, nhưng là những con người
trưởng thành trong đức tin, trưởng thành trong lòng mến và có khả năng gặp gỡ
nhau nhờ việc cùng tìm kiếm chân lý cách chân thành và vô vị lợi.
Như thế, sự hiệp nhất chứng tỏ chúng ta là môn đệ của Chúa
Giêsu, chứng tỏ chúng ta là những người trưởng thành trong đức tin cậy mến, và
đó là lý do thu hút người ngoài để họ dễ tin
vào lời chứng của chúng ta.
6. Bài Tin Mừng của thánh Gioan hôm nay đặt chúng ta – những
người đón tiếp và tin vào Lời, trong trái tim và lời cầu nguyện của Chúa Giêsu.
Ngài còn tiếp tục cầu nguyện cho chúng ta ở bên Cha để hiệp nhất giữa những chi
thể thánh được hoàn thiện. Hiệp nhất nơi gia đình, cộng đoàn, trong Giáo hội với
tình yêu chính là hình ảnh của Ngài hiệp
nhất với Cha trong Thánh Thần. Chúng ta hãy xin Chúa Thánh Thần hướng dẫn để
chúng ta khiêm tốn luôn sống trung thành với ân sủng mà Ngài ân ban. Trong tình
huynh đệ, hãy đón nhận sự khác biệt của anh em để tìm về một mối hiệp nhất
trong tình yêu.
7. Truyện : Đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết.
Một người kia có ba người con trai, trước khi qua đời, ông muốn
dạy các con bài học hiệp nhất :”Đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết”, ông gọi
các con đến và nói :” Vàng bạc thì cha không có, cha có một gia tài quí giá hơn
cả vàng và muốn để lại cho các con”. Nói xong ông lấy ra ba chiếc đũa tre trao
cho ba người con mỗi người một chiếc và bảo :”Các con hãy bẻ gẫy chiếc đũa cho
cha coi”. Ba người con vâng lời cha bẻ gẫy chiếc đũa dễ dàng.
Sau đó người cha trao cho ba người con mỗi người một bó đũa
và nói :”Các con hãy bẻ gẫy bó đũa này cho cha xem”. Lúc này ba người con dùng
hết sức vẫn không sao bẻ gẫy được. Bấy giờ người cha mới nói :”Nếu các con biết
đoàn kết thương yêu nhau thì các con giống như bó đũa kia sẽ không có sức mạnh
nào làm gẫy được các con. Ngược lại nếu các con không đoàn kết thương yêu nhau
mỗi người một nơi thì các con sẽ như chiếc đũa kia bị bẻ gẫy một cách dễ dàng, hiệp
nhất :”Đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết”.
Nói xong, người cha ra đi trong vòng tay yêu thương của các
con.
Lm
Giuse Đinh Lập Liễm
Đà
Lạt