Thứ sáu tuần 7 Phục sinh

Chúa trao quyền chăn dắt cho Phêrô

(Ga 21,15-19)

 

          1. Sau khi Phục sinh, Chúa Giêsu đã hiện ra nhiều lần với các môn đệ, lần này Chúa hiện ra với các môn đệ tại bờ hồ Tibêriat và trong lần này Chúa trao cho Phêrô được quyền tuyệt đối trong Hội thánh và nói tiên tri về đời sống của ông.

 

          2. Trước khi trao quyền trông coi Giáo hội  cho Phêrô, Chúa Giêsu hỏi ông ba lần :”Anh có yêu mến Thầy không”? Câu hỏi được lặp đi lặp lại  để Phêrô phải suy nghĩ, lựa chọn và xác định tầm quan trọng của vấn đề. Để thi hành sứ vụ, Phêrô cũng như các môn đệ, phải có lòng yêu mến thiết tha, vì có yêu Thầy tha thiết, thì mới chăm sóc được đoàn chiên của Thầy.

          Mỗi người chúng ta được sống trong những môi trường khác nhau, với sứ vụ khác nhau trong công cuộc xây dựng Nước Trời tại thế, chúng ta cũng phải có một tình thương ! Vì tình thương xóa bỏ hận thù, là mối dây liên kết mọi điều thiện hảo.

 

          3. Tại sao Chúa Giêsu lại hỏi Phêrô tới ba lần như vậy ? Có nhiều nhà giải thích Thánh kinh nói rằng : Chúa Giêsu hỏi Phêrô ba lần như vậy là để tỏ ra tầm quan trọng của nhiệm vụ mà Chúa sắp trao phó cho ông.

Có những tác giả khác cho rằng : Chúa hỏi đi hỏi lại như vậy là muốn cho mọi người biết rõ rệt Chúa trao quyền Tông đồ trưởng cho Phêrô, và quyền ấy phải đi đôi với tình yêu của ông đối với Chúa, quyền lợi đi đôi với tình yêu, tình yêu bao trùm mọi trách nhiệm.

Một số người khác lại cho rằng : Ba câu trao sứ mạng, lần lượt nói “chiên con” ở hai lần đầu và “chiên mẹ”ở lần sau cùng, là Chúa có ý đề cập đến quyền lãnh đạo của Phêrô trên cả giáo dân và các chủ chăn khác,

Có người lại cho rằng Chúa hỏi Phêrô ba lần như vậy là có ý gợi lại ba lần ông đã chối Chúa.

Có người lại cho rằng ba lần hỏi, ba lần trao nhiệm vụ như thế, cũng hiểu là Chúa trao ba quyền cho Phêrô : giảng dạy, tế lễ và cai trị, tức là ba chức vụ : giảng dạy, thánh hóa và lãnh đạo (Lm Phạm văn Phượng).

 

4. Khi thiết lập người đứng đầu Giáo hội, Chúa Giêsu lại đặt một vị đã từng ba lần chối Chúa. Nếu xét theo cái nhìn của chúng ta thì có lẽ Phêrô không xứng đáng và không đủ tiêu chuẩn làm mục tử. Nhưng dưới cái nhìn của Chúa Giêsu, Người không nhìn Phêrô của ngày hôm qua mà là bắt đầu từ lúc này và hướng về tương lai.  Phêrô lầm lỡ và khiêm tốn ăn năn để đứng lên, nên cũng chính Phêrô cảm thông được với những con chiên mà Chúa Giêsu trao phó cho Ngài.  Thiên Chúa đi tìm chiên lạc thay vì ở nhà  với 99 con chiên không lạc. Thiên Chúa cũng chọn một vị mục tử đã từng lầm lỗi, nhưng quan trọng là :”Này Phêrô, một khi anh đã trở lại, anh hãy làm cho anh em vững tin”.

 

5. “Người nói vậy... Hãy theo Thầy”.

Câu này giải thích ý nghĩa lời của Chúa Giêsu trong câu 18 : đó là cuộc tử đạo của Phêrô. Kiểu nói “anh sẽ phải giang tay ra” : có thể ám chỉ đến khổ hình thập giá mà Phêrô sắp phải chịu vào cuối đời

Và Chúa thêm : Hãy theo Thầy” : Hẳn là Chúa muốn nhắc lại lời trước đây : Khi người bảo Phêrô :”Nơi Thầy đi, nay con không theo được, nhưng sau này con sẽ theo” (Ga 13,16), thì từ nay, Phêrô theo thật, nghĩa là Phêrô cùng chịu chết trên thập giá.

Truyện : Nhà hiền triết Socrate gặp chàng trai trẻ Xenophon lần đầu. Thoạt tiên, ông hỏi chàng có biết ở đâu bán cái này, cái nọ, và ở đâu người ta chế ra vật này, vật kia, Xenophon chỉ cho Socrate những thông tin cần thiết. Rồi Socrate hỏi :

- Anh có biết người ta chế tạo điều lành và nhân đức ở đâu không ?

- Không.

- Vậy anh hãy theo ta.

Đó cũng là câu Chúa Giêsu nói với ông Phêrô :”Hãy theo Thầy” (Góp nhặt).

 

6. Đoạn Tin Mừng hôm nay cho chúng ta biết Chúa Giêsu đã trực tiếp ban quyền tối thượng cho Phêrô, Chúa chính thức trao cho ông quyền thủ lãnh trên Tông đồ đoàn và trên cả Giáo hội của Ngài. Chúng ta là những tín hữu trong Giáo hội, chúng ta cũng phải khiêm tốn nhìn nhận vai trò Chúa ban cho mỗi vị Chủ chăn, và trong đức tin, chúng ta nhìn nhận rằng : Chúa đang lãnh đạo Giáo hội qua những vị đó. Cho nên, chúng ta hãy lấy tình con thảo mà yêu mến, chia sẻ niềm vui nỗi buồn và sẵn sàng cộng tác, giúp đỡ, nhất là cầu nguyện cho các vị chủ chăn của chúng ta.

 

7. Truyện : “Quo vadis” : Ngài đi đâu đó.

Câu chuyện truyền kỳ về những ngày chót của cuộc đời ông chắc chắn cũng chứa đựng ít nhiều sự thật. Ông đến Rôma trong thời kỳ bắt đạo. Lúc cơn bắt đạo dâng cao, ông đã sợ hãi và muốn lẩn trốn nhưng vừa ra khỏi thành thì ông gặp một người vai mang Thập giá đang đi hướng về phía thành.

Ông hỏi : “Quo vadis” : Ngài đi đâu đó ?

Người ấy trả lời :”Ta đi vào Rôma để cho người ta đóng đinh một lần nữa”.

Phêrô quay đầu trở lại. Ông vào Rôma và chịu tử đạo tại đó. Truyền thống kể rằng ông cảm thấy không xứng đáng được đóng đinh như Thầy nên ông xin được chết trên Thập giá trong tư thế đầu lộn ngược xuống đất.

Ông thực hiện đúng lời của Chúa :”Khi về già ngươi sẽ giang tay ra, người khác sẽ thắt lưng cho và lôi ngươi đi đến nơi ngươi không muốn” (Ga 21,18-19).

 

                                                                   Lm Giuse Đinh Lập Liễm

                                                                   Đà Lạt

 


Lm. Đinh Lập Liễm - Chia Sẽ Tin Mừng Ngày Thường