Thứ hai tuần 1
Mùa Chay
Giá trị việc lành dữ
(Mt 25,31-46)
1.
Đức Giêsu nói về ngày Ngài sẽ trở lại vũ trụ để phán xét mọi người. Ngày đó ta
quen gọi là ngày cánh chung hay ngày tận thế. Trong bài Tin Mừng Đức Giêsu gợi
lên hình ảnh của tòa phán xét cuối cùng, để dạy chúng ta sống tinh thần tương thân tương ái với hết mọi
người. Đó cũng là tinh thần Mùa Chay đích thực mà Giáo hội mời gọi chúng ta.
2.Trong
ngày tận thế, Thiên Chúa sẽ phân chia loài người thành hai nhóm và Chúa ra ví dụ
như người mục tử tách chiên ra khỏi dê. Ban ngày người mục tử có thể chăn dắt chiên và dê lẫn lộn với nhau,
nhưng đêm đến ông ta phải tách ra, dê để một nơi và chiên một nơi.
Cũng
thế, trong cuộc sống hôm nay, nơi trần gian này, Chúa để người lành kẻ dữ, người
công chính và kẻ tội lỗi sống chung lẫn lộn với nhau, nhưng trong ngày tận thế,
Chúa sẽ tách ra để người lành được hưởng an vui hạnh phúc, còn người tội lỗi phải
vào chốn cực hình muôn đời.
3.
Trong ngày phán xét, Chúa chỉ xét xử dựa trên cách chúng ta cư xử với tha nhân mà thôi. Nếu chúng ta khước
từ tha nhân, thì tức là chúng ta khước từ chính Chúa Giêsu, và như vậy Ngài
cũng chối bỏ chúng ta trong ngày phán xét. Trái lại, mỗi hành động yêu thương
mà chúng ta thực thi cho tha nhân cũng chính là một tiếp đón chúng ta dành cho Ngài và Ngài cũng căn cứ vào
đó để tiếp đón chúng ta trong ngày phán
xét.
4.
Qua mọi thời, Đức Giêsu vẫn luôn hòa đồng với kẻ khốn cùng, những kẻ ngửa tay
xin lòng trắc ẩn của nhân loại. Ngài ở trong các anh em bé mọn nhất, những người
mù chữ, những trẻ em đường phố, những người bệnh tật lây lất khắp xóm chợ, những
người bị suy sụp tinh thần được chia sẻ được yêu thương. Lòng yêu thương kéo sự
hiện diện của Thiên Chúa nơi con người, và làm thế giới được tồn tại trong tình
yêu như Fyodor Dostoyevky đã cảm nhận :”Lòng
trắc ẩn là qui luật chính yếu của sự tồn tại con người”.
Vì
thế, chúng ta hiểu vì sao những tấm lòng mang tinh thần bác ái được đứng vào
hàng ngũ của những kẻ bên phải trong ngày phán xét chung. Ngày chung cuộc theo
Tin Mừng, những ai sống trong yêu thương chia sẻ được dón vào Vương quốc vĩnh cửu
tình yêu với Đức Kitô.
5.
Lòng yêu thương chân thật phải được thể hiện trong đời sống thực tế chứ không
trừu tượng. Bác ái cần hành động chứ
không phải lý thuyết xuông. Chúa kể ra sáu tình cảnh rất thực tế và là nhu cầu
thiết yếu của cuộc sống chứ không phải chuyện cao xa trừu tượng : Đói, khát,
khách lạ, đau yếu, trần truồng, tù đầy. Nghĩa là đối tượng chúng ta nhắm đến là
những thân phận đang cần chúng ta hơn hết.
Điều đặc biệt hơn cả là Đức Giêsu
đồng hóa mình trong những thân phận bất hạnh đó. Những tình cảnh của những con
người đau khổ kia lại là hiện thân của Đức Giêsu và là cơ hội cho chúng ta gặp
Chúa :”Ta bảo thật các ngươi : mỗi lần
các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các
ngươi đã không làm cho chính ta vậy”(Vinh Sơn).
6.
Như vậy chúng ta thấy Đức Giêsu đặt trước chúng ta một chân lý tuyệt diệu : là tất cả mọi sự
giúp đỡ hay không giúp đỡ, chúng ta làm hay không làm cho anh em mình là làm
hay không làm cho chính Ngài.
Bà
Chiara Lubich, người sáng lập phong
trào Focolare chủ trương sống tinh thần Tin Mừng, chia sẻ một kinh nghiệm sống
như sau : coi những kẻ đang đau khổ là hình ảnh Chúa Giêsu đang bị bỏ rơi trên Thập
giá. Cũng như Chúa Giêsu bị bỏ rơi rất cần người an ủi giúp đỡ, ta cũng hãy
giúp đỡ ủi an những kẻ đau khổ ấy.
7.
Truyện : Tìm thấy Chúa trong tha
nhân.
Một
đêm trăng nọ, nhìn qua cửa sổ, một tu sĩ già bỗng nhìn thấy một thiên thần đang
ngồi viết trên một cuốn sách vàng. Lòng
tràn ngập hân hoan, vị tu sĩ rón rén đến gần và lên tiếng hỏi :
-
Ngài đang viết gì trong quyển sách này thế ?
-
Ta đang ghi danh những ai yêu mến Thiên Chúa.
Vừa
lo lắng vừa hồi hộp, vị tu sĩ mới hỏi xem tên mình có trong sách không. Thiên
thần giở từng trang, chăm chú đọc từng hàng nhưng không thấy tên ông. Thế nhưng
điều đó không làm cho tu sĩ thất vọng. Ông nói với thiên thần :
-
Xin Ngài vui lòng ghi tên tôi như một thầy dòng
lúc nào cũng yêu mến tha nhân.
Thiên
thần chiều ý ông. Thế là tên ông được ghi vào sổ vàng.
Sau
khi vị tu sĩ già qua đời, xem lại nhật ký của ông, người ta thấy dòng chữ đầu
tiên trong nhật ký chính là câu trích dẫn thư 1Ga 4,20: “Nếu ai nói mình yêu mến Chúa mà lại ghét anh em mình thì đó là kẻ nói dối,
vì kẻ không yêu mến người anh em nó thấy đó
tất không thể yêu mến Thiên Chúa mà nó không thấy”. Tiếp theo lời
trích dẫn vị tu sĩ ghi chú : “Tôi đi tìm
kiếm linh hồn tôi, nhưng tôi không thấy; tôi đi tìm Thiên Chúa, nhưng Thiên
Chúa vượt thoát khỏi tôi; tôi đi tìm người anh em, tôi đã gặp được Thiên Chúa
và linh hồn tôi” (Mỗi ngày một tin vui).
Lm
Giuse Đinh Lập Liễm
Đà
Lạt