Thứ hai tuần 3 Mùa Chay
Chúa bị quê hương từ chối
(Lc 4,24-30)
1. Đức Giêsu trở về quê hương, vào hội
đường Nagarét ngày thứ bảy. Người ta trao cho Ngài sách tiên tri, để Ngài đọc
và giải thích. Lúc đầu họ cảm phục tài hùng biện và dáng vẻ thuyết phục của
Ngài. Nhưng sau, họ bực tức, vì thấy Ngài ưa thích Capharnaum , nơi dân ngoại
nhiều hơn quê mình. Trước thái độ đó, Đức Giêsu tỏ bày cho dân làng biết sứ vụ
thiên sai của Ngài.
Đồng thời Chúa cũng cho họ biết rằng Ngài
không thiên vị ai, Ngài ban ơn cho tất cả
mọi người, cho dù người ngoại nhưng nếu tin vào Chúa thì Ngài cũng ban ơn. Còn
kẻ có đạo nhưng không tin thật thì không đáng nhận ơn Ngài.
2. “Tôi bảo thật các ông...”
Đức Giêsu dựa vào câu ngạn ngữ này để
diễn tả thân phận của Ngài tại quê hương :
- Gần chùa gọi bụt bằng anh.
- Bụt nhà không thiêng
- Quen quá hoa nhàm.
Thật vậy, những người đồng hương trong
làng Nagiarét tưởng rằng, họ đã biết rõ Ngài : gốc gác, lý lịch; người đã từng
chung sống, đọc kinh cầu nguyện chung từ tấm bé. Nên họ chỉ dừng lại ở hình thức
bên ngoài, mà không thấy được Thiên tính của Ngài để tin vào Ngài.
3. “Thật vậy, tôi nói cho các ông
hay...”
Để dẫn chứng cho ý nghĩa cho câu ngạn
ngữ trên đây, Đức Giêsu đã trưng ra hai sự kiện có tính lịch sử, để hiểu :
- Tiên tri Êlia đã không được sai đến
để cứu đói cho bà góa nào trong dân Israel, ngược lại, cứu đói cho bà góa thành
Sarepta miền Siđon là dân ngoại.
- Tiên tri Êlisê cũng không được sai đến
chữa lành bệnh phong cho người nào trong dân Israel, nhưng lại được sai đến chữa
trị cho Naaman, người Syria, cũng là dân ngoại.
Hai sự kiện trên muốn nêu lên rằng :
các tiên tri tuy thuộc dân Israel, nhưng không được dân mình thiện cảm, lại được
thiện cảm nơi dân ngoại, vì thế, dân ngoại được hưởng nhờ. Cũng vậy, Đức Giêsu
không được thiện cảm nơi người đồng hương, vì họ đòi hỏi hơn là đón nhận Người.
Còn dân ngoại ở Capharnaum tin nhận Ngài, nên được hưởng nhờ ân sủng qua các
phép lạ Ngài làm.
4. “Ơn cứu độ được dành cho mọi người”.
Qua sự kiện của tiên tri Êlia và
Êlisê, chúng ta nhận ra rằng : Điều kiện để được hưởng nhờ ơn cứu độ của Chúa,
là đức tin và ý hướng tốt lành. Vì vậy, dù là Israel hay dân ngoại, nếu biết
tin nhận vào Đức Giêsu, và có ý hướng tốt lành thì đều được hưởng ơn cứu độ.
Qua hai sự kiện trong Cựu ước, Đức Giêsu
nói đến thái độ không tin cố chấp của người đồng hương. Họ biết rõ về Ngài hơn
hết, vì định kiến ganh ghét nên họ không tin vào Ngài, cho nên chính họ không xứng
đáng hưởng ơn cứu rỗi dành cho tất cả những người tin và đón nhận dù là người ngoại bang. Ngài tự so sánh mình
với Êlia và Êlisê. Êlia đã bỏ những người đồng hương của ông để đi cứu giúp bà
góa Sarépta thuộc xứ Siđon dân ngoại, vì bà tiếp đón ông đang khi những người đồng
hương lại không hiểu và chống đối ông. Rồi Naaman người Syria vì tin, đến với
tiên tri Êlisê và được chữa lành khỏi bệnh cùi,
còn những người đồng quê với tiên tri lại càng cứng lóng tin.
5. Hãy tránh thành kiến cố hữu.
Dân làng Nazareth dù đã được cảnh báo,
nhưng tâm trí của họ vẫn không thức tỉnh, không thoát khỏi định kiến “đồng
hương” và trái lại cao trào định kiến bằng giận dữ dẫn tới toan tính loại trừ
Ngài khi đưa Ngài lên núi cao mà xô vào vực thẳm. Và cuộc sống của mọi người
chúng ta cũng đã từng ít nhiều mang định
kiến dẫn đến sự loại trừ nhau... mang con tim hận thù.
Như chúng ta đã biết, Thành kiến hay định
kiến là ý kiến đã có lâu không thể thay đổi được. Thành kiến là một chứng bệnh
di truyền kinh niên bất trị của con người không ai thoát khỏi :”Bụt nhà không
thiêng”. Chúng ta hằng to tiếng lên án cái lối sống phô trương bên ngoài. Nhưng
trên thực tế, chúng ta lại hằng căn cứ vào những cái bên ngoài mà đánh giá thiên
hạ. Cùng một câu văn, một lời nói, một việc làm do người này thì có giá trị, do
người kia thì lại vô duyên, do người này thì hay đáo để, do người kia thì dở vô
cùng.
6. Truyện : Sư huynh hỗn xược.
Ở Canađa, trong tỉnh Québec, một sư huynh dòng Thiện
giáo (Frères de l’Enseignement chrétien)
giáo viên trường trung học Alma, vừa xuất bản một cuốn sách bàn về đường lồi
giáo dục, nhan đề “Những sự hỗn xược của một sư huynh” (Les Insolences du Frère
Un Tel). Tác giả đã khéo áp dụng một lối văn châm biếm, trào phúng nhí nhảnh, làm
cho quyển sách được đệ nhất ăn khách trong năm. Chỉ trong vòng một tháng trời
thôi, sách đã bán ra được một số kỷ lục là 30.000 cuốn.
Một hôm trường đại học Công giáo
Montréal bỗng nhộn nhịp hẳn lên như đàn ong vỡ tổ : Sư huynh Pierre Jérome, tác
giả cuốn sách “Những sự hỗn xược” nói trên, sắp đến viếng trường. Toàn thể nhà
trường náo động lên. Từ viện trưởng, các giáo sư, các sinh viên, cho đến anh
gác cổng, đều hăng say phấn khởi tổ chức cuộc tiếp rước.
Đức thượng khách đã từ từ tiến vào
khung cảnh văn vật của trường đại học, giữa một cuộc khải hoàn trọng thể vĩ đại.
Sau đó, Sư huynh đã lộng lẫy ung dung bước lên diễn đàn ngỏ lời cùng 650 giáo
sư và sinh viên.
Diễn giả đã thao thao bất tuyệt một thôi,
lả lướt như rồng bay phượng múa, như hoa nở suối reo. Những tràng pháo tay nổ
vang lên liên tiếp, liên tiếp, chứng tỏ các thính giả được kích thích đến tột độ.
Cả trường đại học Montréal hôm đó như
rượu nếp lên men. Trong lịch sử trường đã bao giờ có sự phấn khởi nô nức như lần
này chưa ? Tác giả “Những sự hỗn xược” sao mà huy hoàng trác tuyệt đến thế ?
... Nhưng sáng ngày hôm sau, họ đã phải
một phen hú vía, tưởng chừng hồn lìa khỏi xác. Có người đến tiết lộ rằng sư
huynh Pierre Jérome hôm qua chỉ là một sư huynh... thứ giả ! Chàng là một sinh
viên quèn của trường Kịch nghệ, cải trang trong bộ áo dòng và cổ trắng của các
Sư huynh... để thực tập một phen !
Cả trường uất lên, tưởng ai nấy hộc
máu chết tươi tại chỗ trước “sự hỗn xược của một Sư huynh” chưa từng thấy này.
Thế mới hay sức ám thị của những người
có tên tuổi mảnh liệt đến chừng nào (Vũ Minh Nghiễm, Sống sống, 1971, tr
337-339).
Lm Giuse Đinh Lập liễm
Đà
Lạt