Thứ sáu tuần 3 Mùa Chay

Giới răn trọng nhất

(Lc 18,9-14

          1. Hôm nay một luật sĩ đến hỏi thử Đức Giêsu xem giới răn nào trong nhất, Ngài khẳng định một giáo lý mới mẻ :”Mến Chúa – yêu người” là hai giới răn quan trọng nhất. Hai điều này liên kết chặt chẽ với nhau vì cùng xuất phát từ một tình yêu. Mến Chúa một cách tuyệt đối : hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực. Tình thương đối với tha nhân cũng phải tới mức độ cao nhất : như yêu thương chính mình. Vì tự nhiên ai cũng quí trọng và yêu mến bản thân mình hơn hết.

2. Tại sao ông luật sĩ lại đến hỏi thử Đức Giêsu về điều này ? Thưa, vì bộ luật của người Do thái lúc đó có 613 khoản, gồm có 248 việc phải làm, và 365 việc không được làm. Người ta khó lòng chọn được khoản luật nào cao trọng nhất.  Có người thì cho là luật nghỉ ngày sabat, người cho là luật cắt bì, người cho là luật dâng của lễ, rửa tay trước khi ăn... thật khó mà chọn luật nào quan trọng nhất. Những luật sĩ và biệt phải  tưởng rằng Đức Giêsu sẽ lúng túng không trả lời được.                                                    Nhưng Đức Giêsu điềm nhiên trả lời :”Điều luật trọng nhất là “Ngươi hãy yêu mến Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức ngươi”. Rồi Chúa nói tiếp :”Điều luật thứ hai cũng trọng không kém là “ngươi hãy yêu tha nhân như chính mình ngươi”. Đó là hai luật rất quan trọng. Nhưng hai luật ấy đã bị biết bao nhiêu điều cấm đoán hay bó buộc khác lấn át làm cho nhiều người quên lãng hay không để ý tới sự quan trọng của chúng.

3. Tình yêu mà Phụng vụ đề cập đến hôm nay là một tình yêu hoàn hảo, tinh luyện, cao thượng, phổ quát và phong phú nhất. Tình yêu trong phụng vụ  chính là “Bác ái Công giáo” (Caritas). Bác ái là yêu thương một cách rộng rãi như thánh Augustinô đã nói :”Giới hạn tình yêu là không có giới hạn nào”. Đó là tình yêu đối với Thiên Chúa và đối với tha nhân. Hai tình yêu này khác nhau chăng ? Thưa không.  Chẳng những hai tình yêu này không tách rời nhau mà còn quyện lấy nhau : chỉ có một. Chính tình yêu này giúp chúng ta yêu mến Chúa và phục vụ tha nhân.

Theo Đức cha Arthur Tonne thì yêu mến Chúa là “ao ước làm vui lòng Chúa” và yêu tha  nhân là “làm điều thiện hảo cho họ”. Tình yêu đối với Chúa cũng như đối vói tha nhân luôn phải kèm theo những đặc tính là hy sinh, phục vụ và dâng hiến. Bất cứ làm việc gì cũng phải được thực hiện trong tình yêu thì mới có giá trị :”Ama et fac quod vis” (Thánh Augustinô) : yêu mến đi rồi làm gì thì làm.

          4. Điều răn thứ hai bắt nguồn từ điều răn thứ nhất. Yêu người thân cận như chính mình : “Yêu người như thể thương thân”. Người thân cận là hết mọi người chẳng trừ ai. Chỉ trong Chúa ta mới có thể yêu thương họ đến tột cùng. Hai điều răn được liên kết với nhau bởi động từ “yêu” (agapêsais). Tình yêu đối với Thiên Chúa và đối với người thân cận như một giải thích cô đọng trên hai bia đá mười điều răn mà Thiên Chúa đã truyền cho ông Maisen trên núi Sinai. Chính vì thế trong kinh Mười điều răn chúng ta đọc trong các ngày Chúa nhật, phần kết ghi nhận : Mười điều răn ấy tóm về hai này mà chớ : Trước kính mến một Đức Chúa Trời trên hết mọi sự, sau lại yêu người như mình ta vậy. Amen.

          5. Thật thế, tình yêu Chúa là căn nguyên, là động lực, là điều kiện để yêu người. Tình yêu phát xuất từ Thiên Chúa như thánh Gioan tông đồ khẳng định :”Thiên Chúa là Tình yêu” (1Ga 4,7). Chỉ có tình yêu Chúa mới nuôi dưỡng tình yêu tha nhân bền chặt lâu dài, thánh Gioan còn nhấn mạnh :”Ai yêu mến Thiên Chúa thì cũng phải yêu mến anh em” (1Ga 4,20).

          Yêu thương anh em là một món nợ phải trả cho Chúa Kitô, như thánh Gioan nói :”Nếu Đức Kitô đã hiến mạng sống mình vì chúng ta, thì đến lượt chúng ta, chúng ta cũng phải hiến mạng sống vì anh em” (1Ga 3,16). “Nếu Thiên Chúa yêu thương chúng ta như thế, thì đến lượt chúng ta, chúng ta cũng phải yêu thương nhau”(1Ga 4,11).

 

          6. Truyện : Chị nữ tu phục vụ.

          Mẹ Têrêsa Calcutta kể :”Hôm ấy, một người lạ mặt đến nhà dòng, ông thấy một Sơ vừa đem về một người hấp hối, nằm bên ống cống, mình mẩy giòi bọ rất hôi thối. Thế mà, Sơ rất nương nhẹ nhặt từng con bọ  với vẻ mắt vui tươi, thanh thản đầy thương mến... Rồi người lạ đến gặp tôi và nói :”Thưa mẹ, khi con đến đây với đầy lòng căm hờn của một người vô tín ngưỡng. Nhưng bây giờ con ra về với một tâm hồn hoàn toàn đổi mới. Con bắt đầu tin Chúa, bởi vì con đã chứng kiến tình yêu của Chúa được diễn tả một cách cụ thể qua hành động và qua cách Sơ ấy đối xử với người hấp hối bẩn thỉu kia. Bây giờ con tin thật Chúa là tình yêu. Không có tình yêu Chúa trong tâm hồn, không khi nào có được nghị lực để yêu tha nhân được”.

 

                                                                   Lm Giuse Đinh Lập Liễm

                                                                   Đà Lạt

 

 

 

 

 

 


Lm. Đinh Lập Liễm - Chia Sẽ Tin Mừng Ngày Thường