Thứ tư tuần 3 Mùa Chay
Chúa đến kiện toàn Lề luật
(Mt 5,17-19)
1. Đức Giêsu chính là Đấng Kitô phải đến
mà dân Israel đang mong chờ. Ngài đến để hoàn tất mọi lời Thiên Chúa hứa, và để
kiện toàn Lề Luật. Ngài đến để đưa Lề Luật tới ý nghĩa trọn hảo. Kiểu nói :”Một
chấm, một phết trong Luật cũng không thể qua đi” diễn tả tầm quan trong của Luật
: đó là ý muốn của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã muốn dùng Lề Luật để giáo dục con
người thì không có Luật gì là nhỏ bé tầm thường. Vì vậy, chúng ta chỉ đạt được sự sống đời đời
khi trung thành tuân giữ luật Chúa và Lời Chúa. Chúng ta giữ luật không vì sợ tội,
nhưng vì tình yêu. Trong tình yêu, càng cần sự tế nhị từ những điều nhỏ mọn.
2. Bất cứ quốc gia hay tổ chức lớn nhỏ
nào trong xã hội loài người đề cần có luật, để giữ kỷ cương phép tắc, giữ trật
tự an ninh và đảm bảo sự công bằng xã hội.
Ngay từ thời xa xưa, Thiên Chúa đã ban
cho con người luật pháp. Nó phát triển và hoàn thiện dần trong lịch sử cứu độ.
Luật cũ cho ta ý niệm là dân được tuyển chọn phải sống qua mười điều răn, lời
các tiên tri, là những hướng dẫn con người cách thức mến Chúa và yêu người bằng cách chỉ rõ thánh ý Chúa đối với thái độ
và hành động trong đời sống thường nhật.
Các luật sĩ và biệt phái giữ luật rất
đúng, nhưng giữ “luật vì luật” và kiên định tới mức trở thành câu nệ hình thức
cứng nhắc, khắt khe : Luật là cứu cánh. Cách sống của họ trong tư cách bậc thầy và mô phạm làm cho mọi người nghĩ rằng đức công chính chỉ
gói gọn trong việc chu toàn lề luật : Tất cả vì luật. Đức Giêsu lên án cách giữ luật hình thức, vì
thế biệt phái và luật sĩ đã liệt Ngài vào hàng tội lỗi, khi cho rằng Ngài có thái độ coi thường, bất tuân luật
thánh...
3. Thầy đến không phải là để bãi bỏ...”
Những lời Đức Giêsu nói về luật Cựu ước
thực sự gây sốc nhất là đối với những người thượng tôn Lề Luật Maisen... Quả thật
những lời Đức Giêsu dạy xem ra khó nghe và có vẻ như trái nghịch với luật cũ
khiến một số người phản đối; nhưng xét cho cùng, đó không phải là Ngài phá đổ
hay phế bỏ Lề Luật mà là Ngài kiện toàn nó.
Ngài đào sâu tận nguyên lý của Lề Luật và áp dụng vào hoàn cảnh mới của
Tân Ước để thực hành đúng tinh thần của Lề Luật chứ không chỉ theo hình thức
bên ngoài. Ta có thể dẫn chứng trường hợp ăn chay chẳng hạn : nhịn đói ít hôm,
cúng dường... rồi sau đó bóc lột, ức hiếp ngươi nghèo khổ , thì hành vi ấy còn
có nghĩa gì , nó lố bịch và chuốc thêm tội vào mình thôi... Như thế, Đức Giêsu chính là Maisen mới vì
Ngài đến kiện toàn Luật Maisen và lời các tiên tri (5 phút Lời Chúa).
4. Việc kiện toàn ít nhất mang hai ý
nghĩa.
Đức Giêsu đã đến kiện toàn Lề Lật và lời
các tiên tri. Như vậy :
- Đối với Do thái, lề luật và tiên tri
liên kết với nhau, nên việc kiện toàn của Đức Giêsu có nghĩa là Ngài thực hiện
và đưa đến mức độ viên mãn những gì Thiên Chúa đã hứa trong Sách Thánh. Ngài là
điểm đến và ứng nghiệm những gì chép trong Cựu Ước. Luật không bị mất hiệu lực
một chấm một phẩy nào, nhưng đạt tới sự viên mãn nơi Đức Kitô và nhờ Đức Kitô.
- Từ nay trong Đức Giêsu, luật được
tuân giữ với tinh thần tự do và yêu mến Chúa, chứ không phải là một sự bó buộc
phải làm hay phải giữ. Từ nay luật mang lấy một diện mạo mới là luật vì sự sống
con người chứ không phải kềm hãm con người theo mặt chữ.
Tóm lại, kiện toàn lề luật mà Đức
Giêsu dạy chúng ta là không bãi bỏ luật nhưng mặc cho luật một tinh thần mới,
nghĩa là vượt qua sự giữ luật cách tiêu cực để thi hành cách tích cực trong Đức
Kitô : giữ luật không vì sự bó buộc phải làm mà là với cả sự tự do muốn làm vì
lòng mến Chúa và tha nhân, biến luật từ việc kìm hãm bản thân thành sự thanh
thoát thánh hóa bản thân, giữ luật không dừng lại ở sự thể hiện ở ngoài mà là cả
một tâm hồn ngay thẳng và trong sạch.
5. Lề luật giúp cho con người nên
thánh và trung thành với Chúa.
Lề luật giống như đường rầy giữ cho xe
lửa chạy an toàn, hoặc như sợi dây cương giữ cho con ngựa chạy đúng hướng. Bị
buộc sống và làm trong khung khổ của lề luật thì hơi khó chịu đấy. Nhưng ta hãy
nghĩ đến lý do và mục đích của luật thì sẽ dễ vâng theo hơn. Hơn nữa, ai biết
giữ luật vì tình yêu thì tất cả sẽ trở nên nhẹ nhàng. Thánh Augustinô chia sẻ một
kinh nghiệm quí giá :”Ubi amatur, non laboratur : khi ta yêu thì ta không cảm
thấy nhọc nhằn.
6. Truyện vui : Giữ luật hình thức.
Vào ngày thứ sáu buộc kiêng thịt, có
người tín hữu nọ đi ăn quán. Anh biết quán có món cá, nhưng trong lòng thì
thích ăn thịt. Thế là anh ta gọi những món cá mà anh ta biết chắc chắn chủ quán sẽ trả lời là không có.
Rồi anh tự nhủ :”Lạy Chúa, Chúa biết đấy,
con đã làm hết cách để gọi nhiều thứ cá mà chẳng có, thôi con đành gọi một tô
phở tái để ăn trong ngày thứ sáu buộc kiêng thịt vậy”.
Cầu nguyện xong, anh thi hành liền.
Anh đã tự tạo ra những lý do, những hàn cảnh để có thể khỏi bị lỗi luật Chúa.
Lm Giuse Đinh Lập Liễm
Đà
Lạt