Thứ bảy
tuần 4 Mùa Chay
Dư
luận chia rẽ về Đức Giêsu
(Ga 7,40-53)
1. Khi nghe Đức Giêsu giảng trong Đền thờ,
dân chúng đã dị nghị về Ngài. Và khi nghe bài giảng xong, dư luận càng chia rẻ
về nguồn gốc của Ngài. Bài Tin Mừng cho biết dân chúng trước đây cách chung ủng
hộ Ngài nay hoang mang, kẻ thì nói Ngài là Đấng Kitô, kẻ khác không còn tin nữa,
vì theo những kẻ này Đức Kitô không xuất thân từ Galilê mà phải xuất thân từ Belem
thành của Đavít. Các thượng tế và biệt phái thì nóng lòng muốn bắt Ngài. Nicôđêmô
lên tiếng bênh vực Ngài thì bị chụp mũ
là đồng bọn Galilê với Ngài.
2. Đức Giêsu là ai ? Đứng trước Đức
Giêsu, kẻ thì nhìn nhận Ngài là Con Thiên Chúa làm người, kẻ thì nghĩ Ngài là một
vĩ nhân, một tiên tri có sứ mệnh đặc biệt nào đó, kẻ khác nữa thì cho là một
người phàm như mọi người. Thế là người ta hoang mang chia rẽ nhau. Đó cũng là
thái độ của người Do thái thời Đức Giêsu như được thuật lại trong bài Tin Mừng
hôm nay.
Chúng sẽ lần lượt nói đến những hạng
người đó.
3. Thứ nhất : đây là những con người
bình thường ngay lành có lương tâm trong sáng, không bị dư luận xấu chi phối. Họ
thuộc giới bình dân. Họ đã nghe lời Chúa
giảng, hoặc đã được hưởng việc lạ Chúa làm, và tuyên xưng Chúa là Đấng đến giải
phóng cho muôn người, như tiên tri Isaia đã báo trước :”Ngài làm cho người mù
được thấy, kẻ điếc được nghe, kẻ câm nói được, kẻ què đi được, kẻ chết sống lại
và tuyên bố năm hồng ân của Thiên Chúa”.
Như vậy, những người này đã nhìn nhận Đức Giêsu là Đấng Thiên Sai, là Đấng
Kitô.
4. Thứ hai : Những nhà lãnh đạo tôn giáo
như thượng tế, biệt phái và luật sĩ chối bỏ tất cả, họ không công nhận Ngài là
một tiên tri, cũng không phải là Đấng Thiên Sai hay Đấng Kitô, vì không hội đủ
những điều kiện về địa dư và dòng tộc, họ coi Ngài chỉ là người tầm thường như
mọi người, một người như thế không thể là Đấng Kitô được, thế mà tự nhận cho
mình địa vị và vai trò đó. Cho nên họ tức giận và ra lệnh cho binh lính tìm bắt
Ngài.
5. Thứ ba : Những người lính được các thượng tế sai đi bắt Chúa giải về
cho họ xử. Những người này không dám bắt Ngài vì một phần còn sợ dân, nhất là
khi nghe Ngài giảng như Đấng có uy quyền. Họ trở về trình diện các thượng tế với
dáng vẻ sợ sệt mà trình bầy với họ bằng những lời :”Chúng tôi chưa từng gặp một
người nào nói năng như ông ấy”. Như vậy, mặc nhiên họ đã cống nhận Chúa là một người khác biệt, một siêu nhân.
6. Thứ tư : Ông Nicôđêmô, là một người
trong nhóm biệt phái, một người có thế giá, một thành viên hội đồng lập pháp,
đã bênh vực Đức Giêsu khi ông nói :”Luật pháp của chúng ta có cho phép kết án
ai trước khi nghe người ấy và biết người ấy làm gì không” ? Như vậy ông đề nghị trước khi kết án Đức
Giêsu thì phải điều tra cho cẩn thận; nhung đề nghị của ông không được họ chấp
nhận, đúng là họ theo luật rừng.
7. Đức Giêsu đã trở nên một dấu hỏi lớn.
Mỗi người phải tìm một câu trả lời cho câu hỏi :”Đức Giêsu là ai?. Thật ra điều
kiện chính yếu để có thể nhận biết Thiên Chúa, đó là thái độ khiêm tốn, vô tư,
trung thực, gạt bỏ tự cao tự đại, thay đổi quan điểm, thành kiến, hy sinh quyền
lợi riêng tư để theo sự chỉ dẫn của Thiên Chúa. Người Do thái xưa đã không tin
nhận Đức Giêsu là vì họ thiếu những điều kiện kể trên.
Đối với chúng ta ngày nay, chúng ta đã
tin nhận Đức Giêsu, nhưng chúng ta có thực hiện Lời Chúa dạy bảo không ? Đức
tin không việc làm là đức tin chết. Mùa Chay là ăn năn sám hối và sửa đổi đời sống,
chúng ta hãy nghe Lời Chúa kêu gọi :”Hôm nay nếu anh em nghe Lời Chúa, thì đừng
cứng lòng nữa”.
8. Truyện : Đức tin phải có việc
làm.
Blodin là một trong những tên tuổi của
ngành xiếc tại Mỹ. Một trong những kỳ
công đáng ghi nhớ nhất của anh là đã có thể đi trên một sợi dây qua thác
Niagara là thác dài nhất và cao nhất thế giới. Trong một dịp biểu diễn, anh quay
sang hỏi một cậu bé đứng gần đó :”Em có tin là tôi có thể mang một người trên
vai và đi xuyên qua dòng thác không” ?
Giữa tiếng thác đổ âm ầm, cậu bé thét lên “Vâng, cháu tin là chú có thể
làm được điều đó”. Thế nhưng khi anh đề nghị mang cậu bé trên vai thì em lắc đầu
từ chối, vì không đủ tin tưởng vào sự đảm bảo của người biểu diễn.
Cậu bé trên đây có thể là hình ảnh của
rất nhiều người trong chúng ta khi phải trả lời cho câu hỏi của Đức Giêsu “Phần
các con, các con bảo Thầy là ai” ? Cũng như Phêrô khi đại diện cho các Tông đồ,
chúng ta sẽ trả lời “Thầy là Con Thiên Chúa hằng sống”. Nhưng trong thực tế,
thái độ sống của chúng ta có lẽ còn tương phản với lời tuyên xưng ấy. Chúng ta
chưa là những Kitô hữu thực sự, nghĩa là chưa tin tưởng và sống theo lời mời gọi
của Chúa” (Mỗi ngày một tin vui).
Lm Giuse Đinh Lập Liễm
Đà
Lạt