Thứ năm
tuần 4 Mùa Chay
Những
chứng từ về Chúa Con
(Ga 5,31-47)
1. Khi chữa bệnh cho người bất toại ở
bờ hồ Betsaiđa vào ngày sabat, người ta hạch hỏi Đức Giêsu đã lấy quyền nào mà
làm như vậy. Đức Giêsu trả lời cho họ biết : Ngài noi gương Thiên Chúa là Cha của
Ngài mà làm như vậy. Họ không tin. Đức Giêsu lại nói : chính Thánh Kinh và Maisen (phải hiểu là Cựu Ước)
làm chứng rằng Ngài chính là Messia, Con Thiên Chúa. Nếu họ tin Maisen thì họ
phải tin lời chứng của Maisen.
2. “Trong toàn bộ Thánh Kinh Cựu Ước đều
loan báo về sự xuất hiện của Đấng Cứu Thế, nhưng vì thiếu đức tin và lòng đạo đức
chân thành, các người Do thái đã không thực sự nhìn thấy Thiên Chúa, và do đó
không đón nhận Ngài như Đấng được Thiên Chúa sai đến” (Mỗi ngày một tin vui). Tại sao có thảm kịch này ? Vì người Do thái
nuôi sẵn một hình ảnh về Đấng Messia, hợp với sở thích của họ. Cái hình ảnh ấy
che mất hình ảnh đích thực của Đấng Messia. Ta thấy đó, người ta có thể đọc
Sách Thánh mà không tìm thấy Thiên Chúa nhưng chỉ thấy chính mình.
3. Người ta thường nói : thiên thời, địa
lợi, nhân hòa. Nắm được thiên cơ – thiên thời – là yếu tố quan trọng hạng đầu của
sự thành công. Thực tế cho thấy, nhiều người, vì không biết tận dụng thời cơ,
nên đã rơi vào thất bại đáng tiếc, dù họ có rất nhiều điều kiện thuận lợi.
Mọi người đều khao khát gặp Đấng Cứu Độ
để được sự sống đời đời. Qua Kinh Thánh, người Do thái được Thiên Chúa ưu ái
cho biết Đấng Cứu Thế sẽ xuất hiện trong dân tộc của họ. Vì thế, họ đã kiên nhẫn chờ đợi Người suốt cả hàng ngàn
năm. Tuy nhiên, chỉ vì thành kiến sai lầm
và cố chấp không chịu tin, nên khi Đức Giêsu, Đấng Cúu Độ đích thực đến, họ
không nhận ra, nên đã bỏ lỡ cơ hội để gặp gỡ và yêu mến Người.
4. Mặc dù Đức Giêsu đã làm đủ cách để
minh chứng Ngài là Con Thiên Chúa, là Đấng Chúa Cha sai đến, nhưng người Do
thái vẫn không chịu tin để được sống, để khỏi bị xét xử và bị luận phẹt. Trong
bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy Đức Giêsu phải nại đến ba nhân chứng có uy
tín để làm chứng cho Ngài, đó là Chúa Cha, Gioan Tẩy Giả và Thánh Kinh, bởi vì
theo luật thời đó, phải có hai ba nhân chứng thì mới được chấp nhận.
5. Trước hết, chính Thiên Chúa Cha làm chứng cho Đức Giêsu.
Chúng ta thấy có hai lần Chúa Cha tuyên bố :”Đây là Con Ta rất yếu dấu”, một lần
khi Đức Giêsu chịu phép rửa ở sông Giorđan, và một lần khi Đức Giêsu biến hình
trên núi Taborê. Đó là bằng chứng hùng hồn cho thấy Đức Giêsu là Con Thiên
Chúa, và Chúa Cha muốn mọi người tin Đức Giêsu thật là Con Ngài.
6. Thứ đến, Gioan Tiền Hô làm chứng cho Chúa. Tin Mừng nói
:”Có một người, tên là Gioan, ông đến để làm chứng, để chứng thật về ánh sáng,
ngõ hầu mọi người nhờ ông mà tin”. Chính Gioan đã làm chứng cho Đức Giêsu bằng
sự tự khiêm tự hạ :”Tôi không đáng cởi dây giầy cho Đấng đến sau, nhưng đã có
trước tôi”. Rồi khi Đức Giêsu đến, Gioan đã chỉ vào Chúa và nói cho các môn đệ
:”Đây chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian”. Sau hết, Gioan đã làm chứng
cho Chúa bằng sự nhỏ đi, bằng cái chết của mình.
7. Sau cùng, Kinh Thánh chép về Đức
Giêsu và chính Đức Giêsu đã thực hiện như lời Kinh Thánh chép về mình. Đáng lẽ
Kinh Thánh là chứng từ có giá trị nhất để người Do thái tin nhận Đức Giêsu là
Con Thiên Chúa, vì họ vẫn công nhận Kinh Thánh là lời hứa của Thiên Chúa; nhưng
rất tiếc họ đã đọc Kinh Thánh hằng ngày, đã nghiền ngẫm Kinh Thánh mà không nhận
ra rằng Đức Kitô đã được Chúa Cha sai đến để cứu họ.
8. Tóm lại, mặc dầu Đức Giêsu đã đưa
ra những bằng chứng xác thực để minh chứng Ngài là Đấng Cứu Thế, nhưng người Do
thái vẫn không nhìn nhận Ngài. Tại sao vậy ? Thưa vì họ thiếu ý hướng ngay lành
khi đi tìm Lời Chúa, rồi họ lạ tự cao tự mãn, làm cho họ thành những người cố
chấp không tin.
Không chỉ quở trách người Do thái cố
chấp không tin, hôm nay Chúa cũng đang chất vấn và quở trách chúng ta về cách sống
“thực dụng” của mình mang những dấu ấn không tin một cách thực tiễn khi chúng
ta khước từ Thiên Chúa để chạy theo vật chất, những danh vọng, những đam mê trên
thế gian làm chúng ta xa dần Thiên Chúa
– hạnh phúc đích thực.
9. Truyện : Chó cứ sủa, trăng vẫn sáng.
Vị thẩm phán đến thi hành nhiệm vụ tại
một thị trấn nọ, ông thường bị một luật sư kiêu căng ở đó chế nhạo, khích bác.
Tại một bữa ăn tối, có người hỏi vị thẩm
phán sao không có biện pháp mạnh đối với viên luật sư kia. Vị thẩm phán bèn dừng
bữa, một tay chống cằm, một tay để trên bàn, kể chuyện :
- Chỗ tôi ở có một bà góa nuôi một con
chó. Con chó thật xinh, nhưng có tật là
hễ thấy ánh trăng là nó tru lên. Có khi suốt cả đêm.
Kể tới đó, ông ngừng lại và ăn tiếp.
Tò mò, một người hỏi :
- Này ông thẩm phán, rồi con chó và mặt
trăng ra sao ?
- Con chó cứ tru và mặt trăng cứ tiếp
tục tỏa sáng.
Lm Giuse Đinh Lập Liễm
Đà
Lạt