Thứ ba tuần 5 Mùa Chay

Tình thương và tội lỗi

(Ga 8,21-30)

 

          1. Sau câu chuyện về người đàn bà phạm tội ngoại tình, Đức Giêsu ở lại Đền thờ và trong khi tranh luận với người Do thái, Ngài đã báo trước cái chết và ơn cứu rỗi của Ngài.

          Qua câu chuyện con rắn đồng trong Cựu ước, Đức Giêsu cho họ biết chính Ngài là Đấng mà con rắn đồng là hình ảnh tiên báo. Ngài nói với những người Do thái : “Khi nào các ông đưa Con Người lên cao, các ông sẽ nhận biết Ta là ai”. Như thế, việc Đức Giêsu chết trên thập giá không phải là một thất bại mà là một chiến thắng. Ngài không “bị” mà “được” đưa lên cao để trở thành nguồn ơn cứu độ cho những ai tin tưởng nhìn lên Ngài.

 

          2. Ngài là ai ? Một lần nữa, Đức Kitô muốn cho những người biệt phái hẹp hòi và cứng lòng biết Ngài là ai ? Và Đấng mà họ muốn loại trừ bằng mọi giá nhưng Ngài lại thong dong đi lại theo ý mình. Đấng mà họ lên án lả kẻ tội lỗi khi mà chính họ sẽ chết trong tội lỗi của mình, và Ngài không ngại gì nói cho họ biết điều ấy. Đấng sẽ lên trời, trong khi đó họ sẽ ở lại dưới đất. Đấng mà họ sẽ treo cao trên thập giá, ngỡ rằng có thể loại bỏ Ngài mãi mãi, nhưng ngược lại, họ đã nâng  Ngài lên vinh quang, cho đến muôn đời.

          Đức Kitô nói :”Nếu các ông không tin, các ông sẽ mang tội lỗi mà chết”. Họ không tin. Họ không tin Đấng không tự mình làm điều gì nhưng chỉ nói điều Cha đã dạy, vì Ngài là Thiên Chúa cũng như Cha Ngài.

 

          3. “Khi các ông giương Con Người lên, bấy giờ sẽ biết Ta Hằng hữu”.

          Sử dụng ngôn ngữ  biểu tượng, bài Tin Mừng hôm nay  là lời tiên báo của Đức Giêsu về cuộc khổ nạn của Ngài sắp chịu. Khác với ba lần nơi các Tin Mừng Nhất lãm tiên báo cái chết một cách rõ ràng là Đức Giêsu sẽ lên Giêrusalem chịu khổ nạn, thì Tin Mừng thứ IV cũng tiên báo ba lần với cách nói :”Con Người được“giương lên cao”(x.Ga 3,14; 8,28; 12,32). Con Người được giương lên cao, nghĩa là Đức Giêsu sẽ bị treo lên trên thập giá, để nhờ công ơn cứu chuộc qua khổ giá, mà Ngài nâng mọi người lên cao khỏi thế gian, nâng cao lên cõi Trời với Ngài.

          Theo chiều ngang, với cách nói Tin Mừng Nhất Lãm rằng  ai muốn theo Chúa thì hãy bỏ mình, vác thập giá mà theo. Còn theo chiều dọc, Tin Mừng Thứ IV lại nói theo chiều đi lên, không chỉ vác  mà còn phải được treo lên, nghĩa là cùng phải đóng đinh chính mình vào thập giá như Thầy. Như vậy, dù “đi theo” hay “treo lên”, thì Kitô hữu cũng chung một phương thế duy nhất là phải qua thập giá mới đạt đến ơn Cứu Độ (Theo Hiền Lâm).

 

          4. Trong cuộc đối thoại giữa Đức Giêsu và những người biệt phái, Ngài mạc khải cho họ biết : Ngài là Thiên Chúa xuống thế làm người, nên giống chúng ta hoàn toàn, chịu đóng đinh và chết trên thập giá để cứu độ con người, đem lại sự giao hòa giữa con người với Thiên Chúa.

          Như vậy, Ngài mạc khải sứ mạng thiên sai của chính mình, và mạc khải mối tương quan chặt chẽ giữa Ngài và Thiên Chúa Cha :”Ta không tự mình làm điều gì. Điều Ta nói, chính là điều Chúa Cha đã dạy Ta. Đấng đã sai Ta đang ở với Ta. Ngài không để ta một mình, bởi vì Ta luôn luôn làm đẹp lòng Ngài”.

          Cho nên, người tin nhận Đức Giêsu thì cũng phải tin nhận Thiên Chúa Cha, Đấng đã sai Ngài xuống trần gian làm người và cứu chuộc nhân loại như Giáo hội tuyên tín từ thời các Tông đồ : Vì loài người chúng ta, và để cứu rỗi chúng ta, người đã từ trời xuống thế.

 

          5. Vì thế, khi chiêm ngắm thập giá của Đức Giêsu, chúng ta không ngừng nghe vang dội từ thập giá ấy lời nhắc nhở về một tình yêu cao cả dành cho tất cả chúng ta, cũng như nhắc nhở về bóng tối của tội lỗi vẫn còn rình rập trong cuộc sống chúng ta.  Đó là hai điều chúng ta cần suy nghĩ nhiều trong Mùa Chay và nhất là trong Tuần Thánh sắp tới.

          Ngoài ra, hãy sống đạo thực thụ chứ đùng mang tên là Kitô hữu mà lại có cách sống phản lại với danh hiệu cao quí đó. Chúng ta hãy cố gắng là “chứng nhân” của Chúa trong cách sống, đừng bao giờ thảnh “phản chứng” kẻo làm ô danh Chúa và Hội thánh của Ngài.

 

          6. Truyện :  Đừng trở thành phản chứng.

          Trong chương trình buổi tối của một đài truyền hình Hoa kỳ, một cô gái điếm đã được mời phát biểu ý kiến dựa theo một số câu hỏi của một phóng viên truyền hình.

          Cô gái ấy trang điểm thật diêm dúa và tỏ ra không những bình tĩnh mà còn có thái độ khiêu khích trước những câu hỏi của người phóng viên.

          Chợt nhìn thấy trên cổ của cô gái có đeo một  dây chuyền bằng vàng với một cây Thánh giá nhỏ, người phóng viên thay đổi đề tài để hỏi cô gái.

          Anh ta hỏi :”Tôi thấy cô có đeo một Thánh giá nhỏ ở trên cổ. Hẳn cô là người có tôn giáo đúng không” ?

          Khán giả thấy rõ sự bối rối của cô gái điếm. Có lẽ đây là một vấn đề mà cô không bao giờ nghĩ tới. Sau một chút do dự, cô ta liền trả lời :”Tôi không theo đạo nào cả”.

          Người phóng viên hỏi dồn :”Thế tại sao cô lại mang Thánh giá trên người mình như dấu chỉ của người có đạo ?

          Cô gái điếm thinh lặng cúi nhìn xuống sàn nhà một hồi khá lâu, rồi cô trả lời với những lời lẽ thú tội :”Lúc còn nhỏ tôi có đạo. Nhưng đó là chuyện rất lâu rồ”.

 

                                                                   Lm Giuse Đinh Lập Liễm

                                                                   Đà Lạt