Thứ hai
tuần 5 Mùa Chay
Tình
thương tha thứ
(Ga 8,1-11)
1. Người Do thái có nhiều lễ trong một
năm. Lễ Lều Trại có lẽ là cơ hội để người ta lạm dụng, ăn ở phóng túng. Trong
suốt tám ngày sống ở lều, ngoài rừng, thuận tiện cho những cuộc gặp gỡ lả lướt. Những cuộc giao du nơi này qua nơi khác vẫn
hay có những hội ngộ tình cờ, không hợp với luân thường đạo lý là bao. Chính
sau cuộc lễ này mà xẩy ra câu chuyện
trong bài Tin Mừng.
Sau bài giảng trong Đền thờ nhân dịp lễ
Lều Trại của người Do thái, Đức Giêsu đi ra nghỉ tại núi Cây Dầu. Bao giờ có dịp
về thủ đô, Ngài cũng qua nghỉ đêm tại đó. Tảng sáng hôm sau, Ngài lại vào Đền
thờ và toàn dân đến cùng Ngài, nên Ngài ngồi xuống đất mà giảng.
Tình cờ người ta đem đến cùng Ngài một
người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình. Những người luật sĩ và biệt
phái lợi dụng cơ hội này để thử thách Đức Giêsu.
2. Hôm nay, các luật sĩ và biệt phái sử
dụng “nguyên lý triệt tam” để tung ra một đòn quyết định, đặt Đức Giêsu và một
tình thế tiến thoái lưỡng nan, mà nếu Ngài ngả theo phía nào thì họ cũng có cái
cớ để tố cáo Ngài.
Họ đưa đến trước mặt Đức Giêsu một người
phụ nữ phạm tội ngoại tình, rồi hỏi Ngài sẽ xử lý thế nào khi luật Maisen dạy phải ném đá chết. Cái bẫy của họ gài vào
là nếu Đức Giêsu nói không thì họ kết án
Chúa lỗi luật Maisen, còn nếu Ngài nói có thì họ sẽ có cớ phản bác trái với luật
yêu thương mà Ngài giảng dạy.
Đức Giêsu không trả lời trực tiếp với
họ, nhưng với một lời nói của Ngài đã đặt các luật sĩ và biệt phái vào một sự
chất vấn của lương tâm và phơi bầy lòng dạ khi đối diện với Đấng thấu suốt mọi
sự :”Ai trong các ngươi sạch tội thì hãy lấy đá mà ném trước đi”. Cuối cùng họ lặng lẽ rút êm, bắt đầu từ người
lớn tuổi nhất .
3. Rõ ràng có một sự khác biệt rất lớn
giữa cách hành xử của những người luật sĩ, biệt phái với Đức Giêsu. Nhóm biệt
phái thì muốn kết tội, còn Đức Giêsu thì muốn tha thứ. Nếu đọc kỹ câu chuyện
chúng ta thấy, nhóm biệt phái chỉ muốn ném đá người đàn bà này cho chết, và họ
còn cảm thấy rất thích thú khi được làm điều này. Họ cảm thấy vui sướng khi quyền lực được sử dụng
để kết án. Còn Đức Giêsu, thì Ngài không muốn làm như vậy. Ngài không cảm thấy
vui khi quyền lực được dùng để kết tội. Ngài
muốn dùng quyền hành để tha thứ.
4. Qua sự kiện này, chúng ta thấy có một
nghịch lý đáng buồn và cũng đáng trách : một đàng Thiên Chúa là Đấng thánh thiện
vô cùng lại đầy lòng thương xót và khoan dung đối với người tội lỗi... Còn con
người thì ai cũng mắc tội không nhiều thì ít, không nặng thì nhẹ lại hay xét
đoán, phê bình chỉ trích và lên án người khác nhất là những kẻ tội lỗi. Do đó,
nhiều khi đã vô tình xô đẩy thêm kẻ có tội
vào vũng lầy không lối thoát.
5. Qua câu trả lời của Đức Giêsu :”Ai
trong các ông sạch tội thì hãy ném đá
người phụ nữ này đi”, chúng ta tìm ra được nguyên tắc của Đức Giêsu là chỉ người
vô tội mới được đoán xét những lỗi lầm của người khác.
Hôm nay, Chúa dạy chúng ta một bài học là phải dành quyền
xét đoán cho Thiên Chúa vì chỉ ai không có tội mới có quyền xét đoán và lên án,
còn chúng ta là những người tội lỗi phải có lòng thương cảm đối với tội nhân.
Còn về phía mình, Chúa nhắc nhở ta phải
biết hồi tâm, phải nhận ra mình là kẻ có tội, phải đi xưng tội để làm hòa với
Chúa. Khi đã có một tâm tình như vậy, tự nhiên chúng ta không dám xét đoán và
lên án ai.
6. Truyện : Cần lòng thương xót.
Ngày kia, có một phụ nữ đến van xin
hoàng đế Napoléon tha thiết cho con trai của bà. Anh thanh niên đó đã phạm một
tội nặng. Lề luật đã rõ. Công lý đòi buộc
anh ta phải chết. Hoàng đế quả quyết rằng đảm bảo phải thi hành công lý. Nhưng
bà mẹ năn nỉ :
- Thưa bệ hạ, tôi đến van xin lòng
thương xót của ngài, không phải vì công lý.
Hoàng đế Napoléon trả lời :
- Nhưng hắn ta không đáng được xót
thương.
Bà mẹ nói :
- Tâu bệ hạ, nếu nó xứng đáng thì
không cần gọi là lòng thương xót nữa.
Hoàng đế Napoléon đáp :
- Thôi được. Ta rủ lòng thương xót nó.
Lm
Giuse Đinh Lập Liễm
Đà Lạt