Thứ năm
tuần 5 Mùa Chay
Thực
thi Lời Chúa
(Ga 8,51-59)
1. Hôm nay vẫn tiếp tục cuộc đối thoại
giữa Đức Giêsu và người Do thái về thân thế của Ngài. Đức Giêsu khẳng định :”Ai
giữ lời Ta thì không bao giờ phải chết”. Với những lời giáo huấn của Đức Giêsu,
người Do thái không chấp nhận, và họ đã lượm đá ném Ngài.
Điều cốt lõi trong cuộc đời Kitô hữu
là kiếm tìm và thực thi Lời Chúa dạy.
Hôm nay, chúng ta đã nghe và đón nhận Lời Chúa với thái độ như thế nào ?
Chúa vẫn đang hướng dẫn chúng ta qua những người có trách nhiệm, những người mà
ta được gặp gỡ trong cuộc sống. Chúng ta có khiêm tốn đón nhận hay cũng có thái độ như người Do thái xưa
?
2. Càng đi sâu vào Mùa Chay, cuộc đối
đầu giữa Đức Giêsu và những người luật sĩ cũng như người biệt phái ngày càng gây cấn hơn. Nếu như Đức Giêsu càng
ngày càng tỏ rõ danh tính của mình là Con Thiên Chúa thì những người Do thái
càng ngày lại càng căm thù và muốn giết Ngài. Nhưng người Do thái với cái nhìn
và kiến thức cũng như kinh nghiệm hẹp
hòi của cá nhân như thế, làm sao họ có thể biết được thân thế của Chúa :”Ông là
ai ? Ông chưa được 50 tuổi mà đã trông thấy Abraham sao ? Bây giờ chúng tôi mới
biết rõ ông bị quỉ ám” (Ga 8,52),
Nhiều người thời nay cũng không thể chấp
nhận sự thật về Đức Giêsu. Họ không tin Ngài là Đấng Cứu Thế, càng không tin
Ngài là Con Thiên Chúa. Bởi vì họ đã có quá nhiều thành kiến về đạo, trong đó
có cả những thành kiến do những người có
đạo tạo nên.
3. Trong bài Tin Mừng hôm nay Đức
Giêsu lại tuyên bố một câu làm cho người ta hiểu sai :”Ai tuân giữ lời Ta, thì
sẽ không bao giờ phải chết”. Người Do thái không hiểu nổi mạc khải này, bởi vì
theo họ, Abraham và các tiên tri cũng đã chết, mặc dù vẫn tuân giữ Lời Chúa. Do
đó, họ lên tiếng phản đối, cho Ngài là bị quỉ ám, và họ lượm đá ném Ngài.
Thật ra khi tuyên bố điều đó , Chúa có
ý nói về sự sống siêu nhiên chứ không có ý nói về sự sống thể xác. Vì thế, khi
nghe Chúa nói :”Ai tuân giữ lời Ta, thì sẽ không bao giờ phải chết” thì phải hiểu
rằng Chúa có ý nói : Ai đặt niềm tin vào Ngài, đón nhận và thực thi giáo huấn của
Ngài, thì được thông hiệp vào sự sống vĩnh cửu của Thiên Chúa. Đức Giêsu đã trải qua cái chết của thân xác,
các môn đệ cũng thế. Nhưng sự thật, các môn đệ của Đức Giêsu và cả chúng ta nữa
được dự phần vào sự sống của Thiên Chúa nếu chúng ta tin vào Ngài.
4.Trong cuốn tiểu thuyết được dịch sang tiếng Việt với nhan
đề “Chàng Hải Âu Kỳ Diệu”, tác giả kể về một chàng hải âu kiên cường đã thực hiện
được giấc mơ lướt cánh tung trời. Chàng
bay tới những vùng mà các chim khác trong bầy chưa bao giờ biết tới. Sau chuyến
bay mở rộng chân trời đó, chàng hải âu trởi lại với bầy, chàng kể cho bầy chim
nghe về những gì mình đã tai nghe mắt thấy. Cả bầy chim từ già đến trẻ đều chế
nhạo chàng, họ kết án chàng là con chim khoác lác. Chàng vẫn không nản lòng, cứ
tiếp tục nói về vùng trời rộng mở. Có một số chim nghe nói, lòng chợt dậy một
khát vọng bay xa. Họ bắt đầu kiên trì luyện tập để thực hiện giấc mơ mà chàng hải
âu kỳ diệu đã gợi lên cho họ.
Khi Đức Giêsu nói với người Do thái về
thế giới của Thiên Chúa, họ đã chế nhạo Ngài, cho rằng Ngài bị quỉ ám nên mới
ăn nói lung tung như thế. Đức Giêsu vẫn không nản lòng, và vẫn tiếp tục nói về
nguồn gốc thần linh của mình, một lần nữa.
Ngài dùng danh xưng Hằng Hữu để khẳng định rằng mình từ Thiên Chúa mà đến.
Câu nói ấy đã khiến người Do thái phẫn nộ và định ném đá Ngài (Mỗi ngày một tin
vui).
5. Suy niệm Lời Chúa, ta thấy Chúa
không nói : Ai là người Công giáo thì không bao giờ phải chết, nhưng lại nói :”Ai
tuân giữ lời Ta”. Vì vậy, cho dù là người
công giáo, là người có đạo mà không tuân giữ lời Chúa thì cũng phải chết. Trái
lại, có những người chưa có đạo, nhưng cuộc sống của họ chứng tỏ họ đã tuân giữ
lời Chúa một cách vô tình thì vẫn không bao giờ phải chết. Điều quan trọng là
có tuân giữ Lời Chúa hay không, có sống Lời Chúa hay không. Chúng ta đọc hay
nghe Lời Chúa, chúng ta tìm hiểu, học hỏi, suy niệm Lời Chúa, dĩ nhiên là tốt rồi,
nhưng tốt nhất vẫn là sống hay thực hành
những điều đã nghe, đã đọc, đã tìm hiểu và suy niệm.
6. Truyện : Biết thực hành Lời
Chúa.
Ngày nọ, Đức Giám mục John Selwyn thấy
một cậu con trai người bản địa cư xử thô bạo với các trẻ khác, ngài gọi cậu lại
khiển trách. Chẳng những không chịu nghe, cậu ta còn vung tay đánh vào mặt vị Giám
mục. Mọi người thấy vậy đứng chết trân. Nhưng vị Giám mục không cho họ làm gì.
Rồi ngài quay lưng và lặng lẽ bỏ đi.
Nhiều năm sau, một nhà truyền giáo được
mời đến với một bệnh nhân. Ông sắp chết và xin được Rửa tội. Khi nhà truyền
giáo hỏi anh muốn lấy tên thánh là gì. Anh đáp :”Xin đặt tên là
John Selwyn, vì chính ngài đã dạy cho tôi biết Đức Kitô là ai
khi tôi đánh ngài” (Góp nhặt).
Lm Giuse Đinh Lập Liễm
Đà
Lạt