Thứ tư tuần 5 Mùa Chay

Nô lệ và tự do

(Ga 8,31-42)

 

          1. Đức Giêsu đã nói:  Ai ở lại trong Ta thì biết sự thật và sự thật sẽ giải phóng cho kẻ đó được tự do. Sự tự do mà Đức Giêsu muốn nói ở đây là sự sống trong ân sủng của Thiên Chúa. Khi chúng ta phạm tội mất ơn thánh, nghĩa là chúng ta phải sống xa Chúa là sự tự do tuyệt đối. Khi phạm tội, chúng ta bị trói buộc  vào con đường của ma quỉ, của những đam mê dục vọng. Chúng ta chỉ có thể sống hạnh phúc và tự do khi sống đúng địa vị làm con Thiên Chúa. Sự tự do ấy chỉ có được trong Đức Giêsu, khi chúng ta liên kết cuộc đời chúng ta với Ngài.

 

          2. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói cho người Do thái biết điều gì đã trói buộc họ khiến họ phả làm nô lệ, và điều gì sẽ giải thoát họ để họ được tự do.  Điều giải thoát họ khỏi nô lệ và được tự do :”Nếu các ngươi cứ ở trong lời Ta, các ngươi sẽ thật là môn đệ của Ta, và sẽ được biết sự thật, và sự thật giải thoát các ngươi”.

          Giải phóng cho chúng ta tự do... Sự  tự do mà Đức Giêsu muốn nói ở đây là sự sống trong ân sủng Thiên Chúa. Khi chúng ta phạm tội mất ơn thánh, nghĩa là chúng ta phải sống xa Chúa là sự tự do tuyệt đối. Sự tự do ấy chỉ có lại được trong Đức Giêsu, khi ta gắn bó lại, liên kết lại cuộc đời chúng ta  với Ngài. Chúng ta chỉ có thể hạnh phúc khi sống địa vị làm con Thiên Chúa – con cái tự do.

 

          3. Khi nguyên tổ Adong-Evà phạm tội lỗi nghịch cùng Chúa, ma quỉ đã đem tội lỗi vào trần gian. Và khi tội lỗi xâm nhập trần gian, con người đắm chìm trong tội, nô lệ cho mọi khuynh hướng xấu, bị giam hãm trong tội nguyên tổ, sự xuống cấp của một luân lý suy đồi “tội trần gian” và làm tôi cho ma quỉ. Tự sức mình con người không thể tự giải thoát mình, nên cần đến ơn Cứu độ.  Đức Giêsu đã phải trả giá đắt để chuộc con người và đem con người trở nên con cái tự do. Đức Giêsu cũng khẳng định :”Kẻ nô lệ thì không được ở trong nhà luôn mãi, người con mới được ở luôn mãi” (Ga 8,35).

 

          4. Muốn được sống tự do, muốn giải thoát con người của mình khỏi những trói buộc của lỗi lầm và khuyết điểm, thì điều cần thiết trước tiên là phải biết sự thật về mình. Có điều như nhà văn Shakespeare nói :”Người dại thường nghĩ rằng mình khôn, còn người khôn lại tự biết mình dại”. Như vậy, chúng ta cần phải khôn ngoan. Có nhiều người bỏ xưng tội rước lễ cả mấy chục năm nhưng khi đề nghị với họ nên xét mình xưng tội, thì họ trả lời :”Con chẳng có tội gì” !

          Hồi học ở Đại chủng viện, cha giáo Phụng vụ có kể cho chúng tôi nghe một câu chuyện có thật.  Một thanh niên bỏ xưng tội rước lễ nhiều năm, vào dịp Mùa Chay ngài khuyên anh ta nên dọn mình xưng tội. Anh nói :

          - Con chẳng có tội gì.

          Ngài hỏi anh ta có chơi gái hay không ? Anh ta trả lời cách tỉnh bơ :

          - Thưa cha, chuyện đó là chuyện bình thường.

          Ngài nói :

          - Anh có biết là tội lỗi điều răn thứ sáu không ?

          Anh ta cãi lại :

          - Sao lại là tội được. Con trả tiền đàng hoàng mà !

 

          5. Chúng ta là những người mang danh hiệu Kitô hữu, là những người tự nhận mình là con cái Thiên Chúa. Tuy nhiên, danh xưng ấy không làm nên thực chất, cái áo không làm nên ông thầy tu, chỉ có danh hiệu bên ngoài và thậm chí ngay cả những việc đạo đức bên ngoài mà thôi, thì vẫn chưa làm nên một đời sống đức tin đích thực. Đức tin chân chính được thể hiện qua những việc làm công chính. Người ta thường nói “xem quả biết cây”, chúng ta đã suy nghĩ, nói năng, hành động như thế nào trong cuộc sống  hằng ngày, nhất là trong Mùa Chay thánh này ?

 

          6. Truyện : Muốn có đời sống đẹp.

          Một sinh viên Nhật Bản đến văn phòng của một linh mục ở Boston, và nói :”Thưa cha, con đang đi tìm một đời sống đẹp, cha có thể chỉ cho con  biết phải tìm ở đâu “?

          Linh mục đáp :”Chắc anh muốn trao đổi về tôn giáo” ?

          Anh trả lời :”Thưa không, con không muốn trao đổi về lý thuyết. Việc đó con thấy nhan nhản rồi. Con cần thứ khác. Cha biết không, khi con ở ký túc xá Đại học Cambridge con ở chung phòng với một anh thợ mộc, người mà con cho là anh có đời sống rất đẹp. Anh không bao giờ nghĩ về mình, mà luôn nghĩ về người khác. Sinh viên tụi con nhiều khi sống cẩu thả, chén đĩa lung tung, đồ ăn vứt bừa bãi. Thấy thế, anh không nói gì. Nhưng khi mọi người ra khỏi phòng ăn, một mình anh đi thu dọn, sắp xếp lại cho ngăn nắp.

          Nghe thế, cha đưa cho anh cuốn Thánh Kinh và nói :”Hãy cầm lấy. Nếu anh muốn tìm một đời sống đẹp, anh hãy tìm trong đó”.

          ... Hai năm sau, người sinh viên Nhật ấy đến gặp cha cười cười nói :”Cha có nhận ra con không”? Cha nói :”Hình như tôi đã gặp anh ở đâu, nhưng không nhớ rõ”.

          Anh đưa cuốn Thánh Kinh ra và nói :”Con đã tìm thấy đời sống đẹp. Con đã tìm thấy đời sống đó nơi Đức Kitô”.

 

                                                                             Lm Giuse Đinh Lập Liễm

                                                                             Đà Lạt