Thứ ba tuần 2 Mùa Vọng

Dụ ngôn con chiên lạc

( Mt 18,12-14)

 

          1. Kinh thánh nói rất nhiều hình ảnh Thiên Chúa là Mục tử. Thánh vịnh ca ngợi Thiên Chúa là mục tử của Dân :”Chúa là mục tử tôi, tôi không thiếu gì” (Tv 22,1).

          Tiên tri Isaia còn nhấn mạnh hình ảnh mục tử Giavê :”Như mục tử, Chúa chăn giữ đoàn chiên Chúa, tập trung cả đoàn dưới cánh tay. Lũ chiên con, Người ấp ủ vào lòng, bầy chiên mẹ, cũng tận tình dẫn dắt” (Is 40,11). Tiên tri Giêrêmia đã loan báo Vua Giuđa sẽ mang trách nhiệm người mục tử (Gr 3,15).

 

          2. Đức Giêsu là hiện thân của Chúa Cha nên Ngài cũng xưng mình là mục tử : “Ta là mục tử nhân lành”(Ga 10,1-18, 27-28). Ngài là mục tử nhân lành hiến thân cho đoàn chiên.  Ngài còn nhận chính Ngài mà mục tử cho Israel – một đàn chiên bị bỏ rơi (x.Mt 9,36). Ngài khẳng định sứ vụ mục tử của Ngài là tìm kiếm những con chiên lạc (Mt 10,6), điều đó biểu lộ Thiên Chúa luôn nhân hiền, bao dung, xót thương những con người tội lỗi sa ngã.

 

          3. Ngài cũng mời gọi tất cả các mục tử trong cộng đoàn thi hành sứ vụ  tìm kiếm những con chiên lạc khi dẫn đưa những kẻ lầm đường lạc lối trở về, vì Ngài không muốn bất cứ kẻ mọn hèn nào trong cộng đoàn bị hư mất :”Chớ khinh một ai trong những kẻ bé mọn” và ý Cha trên trời là :”Không muốn một ai trong những kẻ bé mọn phải hư mất” (Mt 18,14).

 

          4. Năm Thánh Lòng Chúa Thương Xót kết thúc nhưng hẳn bạn vẫn chưa quên khẩu hiệu “Misericordes Sicut Pater” (Thương xót như Chúa Cha) cùng với biểu tượng Đức Giêsu vác trên vai một con người trông như đang vác con chiên, hai con người nhưng chỉ có ba con mắt. Đó là “ánh mắt đầy yêu thương của Chúa” đã giúp Giakêu, Matthêu, Madalena đổi đời, đã đánh động tâm hồn của Phêrô và bao người lầm đường lạc lối được ơn hoán cải. Ánh mắt bộc lộ tấm lòng thương xót của Chúa Cha trên trời “không muốn một ai phải hư mất”. Chúng ta cũng phải nhìn nhau bằng “con mắt thứ ba”, nhìn nhau bằng cái nhìn của Chúa, cái nhìn yêu thương tha thứ, cái nhìn cảm thông, quảng đại, và từ ánh mắt đó, chúng ta sẵn sàng  bằng hành động dấn thân phục vụ (5 phút Lời Chúa).

 

          5. Trong dụ ngôn có một chi tiết làm chúng ta thắc mắc :”Để 99 con trên núi mà đi tìm con chiên lạc”! Ta sẽ không thể hiểu được những câu này nếu ta chỉ suy nghĩ theo luận lý tính toán vụ lợi. Trái lại ta sẽ hiểu rất dễ nếu suy nghĩ theo lý lẽ của con tim,  như Blaise Pascal nói:”Con tim có lý lẽ của nó”  như : một người mẹ lạc con, phải chăng bà để các đứa con khác ở nhà và tất cả đi tìm đứa bị lạc.

          Người mục tử bỏ 99 con chiên lành để đi tìm con chiên lạc không phải vì lý do kinh tế vì một con không đáng giá gì, nhưng chỉ vì tình thương thôi.

 

          6. Thiên Chúa luôn sẵn sàng tha thứ cho chúng ta, những người lầm lỗi; nhưng Ngài chỉ có thể tha thứ khi chúng ta thật lòng sám hối. Người trộm lành suốt một đời lầm lỡ, thế  mà chỉ trong giây phút cuối cùng, tỏ lòng sám hối ăn năn đủ để trở nên một vị thánh. Kẻ trộm trở nên thánh  không phải vì là người tội lỗi, nhưng vì người trộm nhận biết mình là kẻ có tội.

Nếu Thiên Chúa đã tỏ lòng nhân hậu và tha thứ cho ta, thì Ngài muốn chúng  ta  cũng hãy tha thứ cho nhau như người cha nhân hậu xin anh cả tha thứ cho đứa em lầm lỗi.

 

          7. Chúng ta cũng phải bắt chước Chúa mà thay đổi cách nhận định và thái độ cư xử đối với tội nhân. Nghĩa là đừng quá quan trọng hóa nết xấu, lỗi lầm của anh em, đừng nuôi lòng thích thú khi thấy anh em sa ngã, lỡ lầm, đừng giả đò thương hại khi đưa lỗi lầm của anh em ra mà bàn tán và đừng bao giờ tỏ vẻ khinh khi, ruồng bỏ anh em bằng lời ăn tiếng nói, bằng cử chỉ ánh mắt, nhưng hãy bắt chước Chúa biết thông cảm với nỗi khổ tâm của anh em, biết thao thức lo lắng giúp anh em sửa mình, biết tôn trọng, bênh vực anh em, và biết cầu nguyện cho anh em.

 

          8. Truyện : Tình mẹ tha thứ.

          Ở Batna, có một gia đình nằm vào địa điểm hẻo lành, gồm bà mẹ với các con, mà thằng con lớn phản bội vô số kể, tên là Sidi Melkassen, ưa a tùng với côn đồ du đãng, bị mẹ khiển trách hằng ngày. Mất tự do, thằng đó bực tức, nhất định hai mẹ con không đội trời chung. Liền bắt mẹ đem giam cầm vào một nhà cô tịch tăm tối. Lấy sợi xích lớn mà xiềng hai chân mẹ nó lại, đoạn đục vào tường gắn móc khóa lại và giữ chìa khóa trong túi. Đành lòng đóng cửa lại trước những tiếng kêu la, khóc lóc, van nài của mẹ.

          Trên ba năm trời tồi túng, nóng nực, lạnh lẽo, không mền, không chiếu, bữa no bữa đói, người mẹ than khóc đã khô nước mắt, kêu không ai nghe, buồn không một lời an ủi.

          Chiều nọ, một nàng dâu thảo giật được chìa khóa và mở cửa,  tháo xiềng giải thoát cho người mẹ vô phúc. Bà đi ra giữa thanh thiên bạch nhật, không còn hình tượng người nữa, ai nấy đều thương hại. Việc này thấu đến tai nhà chức trách, thằng con bất hiếu bị bắt và kêu án sáu tháng tù ở. Ai nấy đều ca tụng công lý.  Chỉ có bà mẹ quên tội của con, cất  tiếng lên vừa than khóc vừa xin tòa đừng tống giam con mình tội nghiệp.

          Ôi, Tình mẹ bao la !

 

                                                                    Lm Giuse Đinh Lập Liễm

                                                                    Đà Lạt