Thứ bảy tuần 2 Mùa Vọng
Êlia phải đến trước
(Mt 17,10-13)
1. Theo tiên tri Malakia loan báo : ông Elia sẽ đến dọn đường
cho Đấng Cứu thế đến, người Do thái tin như thế và cứ mong chờ Đấng Cứu thế, mặc
dầu ông Êlia đã đến rồi. Nhưng khi ông Gioan rao giảng về Ngài, họ lại không chấp
nhận. Điều làm họ không nhận ra vì họ nghĩ Đấng Cứu Thế đến theo nghĩa chính trị, sẽ giải thoát họ khỏi
cái khổ trần gian. Cái nhìn hẹp hòi và lối nghĩ thiển cận khiến con người khó
chấp nhận sức điệp của Đức Giêsu.
2. Các nhà thông luật dựa vào lời tiên tri Malakia loan báo
thắc mắc : Êlia phải đến trước để dọn đường cho Chúa để đưa tâm hồn cha ông trở
lại với con cháu, và đưa tâm hồn con cháu trở lại với cha ông (Ml 3,1.24).
Đức Giêsu trả lời họ khi khi nhấn mạnh :”Êlia đã đến rồi,
và họ đã không nhìn nhận ông, nhưng đã xử với ông theo ý họ muốn (Mt 17,12).
Êlia mà Chúa nói chính là Gioan Tẩy Giả
vậy. Đức Giêsu có ý ngầm nói với họ là phải hiểu câu tiên tri ấy theo
nghĩa bóng chỉ về kẻ tiền hô cho Đấng Messia. Đấng Messia ấy là Đức Giêsu, còn
người tiền hô chính là Gioan Tẩy Giả. Vì người Do thái đã không hiểu như thế cho
nên khi Gioan đến thì họ bách hại, và
khi Đức Giêsu đến , họ cũng bách hại.
3. Vì thế, Gioan trong vai trò Êlia mà tiên tri Malakia loan
báo, ông đến để chỉnh đốn mọi sự : kêu gọi lòng sám hối ăn năn, sửa chữa tâm hồn
để đón Đấng Cứu Thế. Dân chúng đã đổ xô
đến với ông như đến với một tiên tri, để thú tội và nhận phép rửa của ông ở
sông Giođan. Nhưng các luật sĩ và biệt phái không chấp nhận và còn chống đối.
Sau này ông bị cầm tù và chết thảm thương trong ngục. Gioan đã chu toàn nhiệm vụ
tiên tri Êlia.
4. Thánh Gioan Tẩy giả làm gương cho chúng ta trong việc dọn
đường, chúng ta hãy theo gương Ngài mà dọn đường cho Chúa bằng chính đời sống
khắc khổ để khơi dậy lòng sám hối trong mọi người. Chúng ta, người tông đồ của Chúa, cũng phải
làm chứng bằng đời sống khó nghèo, bác ái, yêu người và khổ chế để nêu gương
cho các Kitô hữu biết ăn năn sám hối trong tinh thần Mùa Vọng để chuẩn bị cho Chúa
đến bằng ơn thánh trong cuộc sống hằng ngày.
5. Đức Giêsu nói với các môn đệ ràng :”Ông Êlia đã đến rồi mà họ không nhận ra, lại còn xử với ông theo ý họ
muốn. Con Người cũng sẽ bị đau khổ vì họ như thế”Mt 17,12).
Trong tác phẩm “Đường Hy vọng”, Đức Hồng y Phanxicô Xaviê
Nguyễn văn Thuận nói :”Thông thường người
ta rất quí trọng những người mang dấu thánh của Chúa, nhưng lại sợ chính mình phải
mang những dấu thánh ấy”. Đức Giêsu, dẫu là Con Thiên Chúa, nhưng đã phải
trải qua đau khổ và cái chết mới được đến với vinh quang phục sinh.
Người Kitô hữu không bao giờ tôn sùng đau khổ, nhưng sẵn
sàng đón nhận đau khổ vì tình yêu. Nếu Đức Giêsu đã được phục sinh cùng với những
dấu thánh của mình, thì cũng vậy, chúng ta sẽ chỉ được phục sinh, một khi chúng
ta được giương lên cao cùng với thánh
giá đời mình. Điều này nhắc nhở mọi người hãy vác thánh giá cuộc đời trong tâm
tình vui vẻ, đồng thời kết hợp với đau khổ của Đức Giêsu trên Thánh giá năm
xưa, hầu đền tội cho mình và cầu nguyện cho mọi người (Học viện Đa Minh).
6. Chúng ta hãy cầu nguyện nhiều trong Mùa Vọng này, xin
Chúa thanh tẩy tâm hồn chúng ta để xứng đáng chờ Chúa đến. Xin Mẹ Maria cũng
hãy giúp chúng ta là con cái Mẹ để có tâm tình như Mẹ khi chờ đợi Chúa giáng trần. Chúng ta hãy nóng lòng chờ đợi Chúa đến hằng
ngày , nhất là trong dịp lễ Giáng Sinh. Maranatha : Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến.
7. Truyện : Muốn
gặp Chúa.
Trong kho tàng văn chương Ấn giáo, có một câu truyện sau đây
:
Một đệ tử đến thưa vị linh sư của mình :
- Thưa thầy, con muốn gặp Chúa.
Vị linh sư chỉ đáp trả bằng một cái mỉm cười thinh lặng.
Ngày hôm sau người môn sinh trở lại và bầy tỏ cùng một ước
muốn. Vị linh sư cũng chỉ mỉm cười và tiếp tục giữ thinh lặng.
Rồi một ngày đẹp trời, ông dẫn người đệ tử đến một dòng sông.
Thầy trò cùng dìm mình xuống nước. Chờ cho người đệ tử cảm thấy hoàn toàn thoải
mái trong dòng nước mát. Bất thần vị linh sư mới túm lấy cổ anh và dìm xuống nước
một hồi lâu. Người thanh niên cố gắng vùng vẫy
để ngóc đầu lên khỏi mặt nước.
Bấy giờ vị linh sư mới hỏi anh :
- Khi bị dìm xuống nước như thế, con cảm thấy cần điều gì
nhất ?
Không chút suy nghĩ, người đệ tử đáp ngay :
- Thưa, con cần không khí để thở.
Lúc bấy giờ vị linh sư mới giải thích :
- Con có cảm thấy ước ao được gặp Chúa như vậy không ? Nếu
con khao khát Chúa như vậy con sẽ gặp được Ngài tức khắc. Ngược lại, nếu con
không có ước muốn ấy, thì cho dù có vận dụng hết cả tài năng và sức lực con sẽ chẳng bao giờ gặp được Ngài.
Lm
Giuse Đinh Lập Liễm
Đà Lạt