Thứ sáu tuần 2 Mùa Vọng
Chúa trách những kẻ
cứng lòng
(Mt 11,16-19)
1. Bài Tin Mừng hôm nay
ghi lại lời Đức Giêsu mượn trò chơi của trẻ em Do thái để khiển trách những
kẻ kém lòng tin. Ngài so sánh dân chúng
thời đó như đám trẻ em khó tính, khó nết, nay rầy mai khác, không sao làm vừa
lòng họ được. Khi thấy thánh Gioan Tẩy Giả không ăn không uống thì họ cho là bị
quỉ ám. Còn Đức Giêsu ăn uống như mọi người thì họ bảo là mê ăn ham uống, là bạn
với kẻ tội lỗi !. Nhưng không vì thế mà Thiên Chúa bỏ chương trình cứu độ của
Người. Người vẫn tiếp thục hoạt động cách khôn ngoan trên thế giới.
2. Chúa lấy trò chơi của trẻ em Do thái để nói lên ý của
Ngài: Các em thường được chia làm hai phe, một bên xướng câu tiểu khúc điệu vui
hoặc điệu buồn, rồi bên kia đáp lại : Nếu xướng điệu ca buồn giả làm đám ma,
thì bè bên kia than khóc, đấm ngục rên xiết. Nếu bè bên này xướng ca vui giả vờ
làm đám cưới thì phe bên kia vui hát nhảy múa hòa nhịp. Nếu hai bên xướng đáp hòa hợp như vậy thì trò
chơi rất vui. Nhưng nhiều khi gặp những kẻ khó nết lì lợm, hay theo ý riêng,
không hòa hợp thì làm cho trò chơi mất vui : vì “chúng tôi thổi sáo mà các anh không nhảy múa”... !
3. Qua dụ ngôn trò chơi của trẻ em Do thái này, chúng ta thấy
người Do thái khước từ Gioan Tẩy Giả cũng như khước từ Đức Giêsu vì những lý do trái ngược nhau. Sự thật là vì
họ không muốn nghe lời Chúa cũng như thánh Gioan Tẩy Giả mà ăn năn thống hối tội
lỗi, trở về tin tưởng Chúa, cả hai vị đều đưa ra hai đường lối để giúp họ hoán
cải : thánh Gioan chỉ vạch con đường khắc khổ hy sinh, còn Đức Giêsu lại nêu
lên cách sống giản dị đơn sơ. Do đó, mỗi người chúng ta đều có thể dùng hai
phương cách đó mà cải thiện đời sống, đón nhận ơn cứu độ của Chúa.
4. Người Do thái cố
chấp và chủ quan, họ bắt mọi người phải có cái nhìn và lối suy luận của họ. Họ
là những người thiếu thiện chí, chỉ tim cách bắt bẻ, lên án người khác. Cái xấu
không phải là ở nơi người khác, nhưng là ở chính họ. Vì con mắt họ xấu, vì lòng
họ không ngay chính, nên họ đoán xét mọi việc cách sai lạc.
Ngày nay, nhiều người có lối sống đạo ngược đường : họ chỉ
muốn Chúa theo ý họ chứ không bao giờ để ý tìm hiểu ý Chúa để mà theo.
Cách sống ngày nay là cách sống hưởng thụ, người ta chỉ ưa
nhũng gì hợp với ý mình còn cái gì không
hợp với mình thì chống đối, ví dụ họ chống đối Giáo hội về hôn nhân bất khả
phân ly, phá thai, luật ăn chay kiêng thịt v.v. họ đòi Giáo hội phải xét lại, phải sửa đổi.
5. Trong một lá thư gửi các chủng sinh, Đức Giáo hoàng
Bênêđictô XVI viết như sau :”Đời sống tập
thể không chỉ cần thái độ quảng đại, bao dung và chịu đựng lẫn nhau, nhưng điều
quan trọng là làm cho nhau được thêm
phong phú, đến độ mỗi người có thể đóng góp năng khiếu riêng của mình cho tập
thể, trong khi tất cả đều phục vụ cùng một Giáo hội, cùng một Chúa”.
Hôm nay, Đức Giêsu phê phán những người Do thái vì thái độ
tự cho mình là chuẩn mực và bắt người khác phải làm theo ý mình, lấy mình làm
khuôn vàng thước ngọc bắt người khác noi theo. Khi dựng nên con người, Thiên
Chúa trao cho mỗi chúng ta những “nén bạc” khác nhau (x. Lc 19,13). Chắc chắn rằng,
mỗi người sẽ đáp lại hồng ân ấy theo những cách thức khác nhau, tùy theo khả
năng Chúa ban.
6. “Nhưng đức Khôn
ngoan được chứng minh bằng hành động”.
Câu này khó hiểu. Đức Giêsu muốn nói rằng giá trị thật của
một người không tùy thuộc vào lời phê phán của người khác về người đó, nhưng
tùy vào chính hành động, vào lối sống của người đó.
Vì vậy Đức Giêsu quả quyết là cả hai người (là Gioan và
chính Người) với hai nếp sống khác nhau, đều phục vụ một chính nghĩa của Thiên
Chúa. Bằng chứng là cả hai đều thực hiện
những công việc của Thiên Chúa đầy khôn ngoan, là công việc của Gioan
trong sứ vụ tiền hô và công việc của Đức Giêsu trong sứ vụ cứu thế đều thể hiện
thánh ý của Thiên Chúa.
Vì vậy người ta nói Gioan Tẩy Giả “bị quỉ ám”, nói Đức Giêsu là “tay ăn nhậu”
thì cũng không sao. Chính hành động và lối
sống của hai Ngài sẽ biện minh cho hai Ngài.
7. Truyện : Phải
biết đánh giá trị.
Một hôm, hoàng tử gọi vào đền vua một người lái buôn chuyên
nghề bán ngựa. Ông ta dẫn đến trước mặt hoàng tử hai con ngựa bạch đã được huấn
luyện rất kỹ đề hoàng tử kén chọn. Bề ngoài, hai con ngựa trông giống hệt nhau,
nhưng con này gấp đôi giá con kia. Hoàng
tử liền gọi các quan cận thần đến mà bảo :
- Ta có thể tặng hai con ngựa này cho ai giải thích cho ta biết tại sao
con ngựa này giá gấp đôi giá con ngựa kia ?
Các quan cận thần đến gần hai con ngựa và quan sát thật kỹ,
nhưng không một ai nhận ra có điều gì khác biệt. Thấy vậy, hoàng tử cho gọi hai
người lính hầu đến và sai họ cưỡi lên hai con ngựa, hy vọng rằng các quan cận
thần sẽ nhận ra giá trị của mỗi con. Sau mấy vòng phóng ngựa chung quanh sân,
không ai trong các quan nhận ra sự khác biệt về giá trị của hai con ngựa. Cuối
cùng, hoàng tử phải lên tiếng giải thích cho họ :
- Chắc các ngươi đã nhận ra rằng : trong khi ngựa chạy
quanh sân, con ngựa thứ nhất không để lại dấu vết gì đằng sau, nó chạy cách nhẹ
nhàng như bay. Trái lại, con ngựa thứ hai để lại lớp bụi bay ngợp trời, chính
vì lý do đó mà con ngựa thứ nhất có giá trị gấp đôi con ngựa thứ hai.
Lm
Giuse Đinh Lập Liễm
Đà
Lạt