Thứ tư tuần 2 Mùa Vọng

Hãy mang lấy ách của tôi

(Mt 11,28-30)

 

          1. Đức Giêsu mời gọi mọi người, nhưng cách riêng ở đây là những người  đang sống dưới lề luật và giáo lý nặng nề của Do Thái giáo, đến với Chúa để được nghỉ ngơi bồi dưỡng.

Đức Giêsu giới thiệu cho chúng ta một tình yêu đặc biệt Ngài dành cho con người, nhất là những người đau khổ, vất vả. Hãy đến với Chúa, Ngài sẽ nâng đỡ ủi an tâm hồn sầu khổ của chúng ta. Ách tình yêu Ngài sẽ làm cho ách nặng cuộc đời trở nên êm ái nhẹ nhàng. Kiêu căng đưa đến hận thù. Chỉ có hiền lành khiêm nhường mới đem lại niềm vui an bình sâu thẳm cho cuộc đời.

 

          2. Có hai chữ “gánh” và “ách” hơi khó hiểu. Trong ngôn ngữ Do thái thì khi dùng chữ ách và gánh thì vừa có nghĩa là luật lệ vừa có nghĩa là giáo huấn.  Như vậy, “Mang lấy ách của tôi” là kiểu nói bóng các thầy rap-bi xưa quen dùng, hàm ý nhìn nhận ai  làm thầy. Vậy khi nhận lấy ách của Đức Giêsu là nhận Ngài làm thầy và theo giáo huấn của Ngài là thực hành Tin Mừng cứu độ của Ngài.

 

          3.Ngày nay, người ta say mê quyền lực và muốn khuất phục người khác dưới quyền mình, muốn sai khiến người khác theo ý mình. Con người có khuynh hướng trở nên kiêu căng. Người ta có dị ứng  khi nói đến lời dạy “hiền lành và khiêm nhường” của Đức Kitô, nhất là còn khuyên chúng ta thực hiện đức tính này nữa.

          Tuy nhiên, là Kitô hữu, chúng ta cần bước theo chân Chúa. Ngài đã đến chia sẻ kiếp người với chúng ta, Ngài đã đi đến mức cùng  của việc tự hạ : sống chung thân phận với người nghèo khổ, như người tôi tớ rốt hết. Hiền lành và khiêm nhường là những đức tính   mà Đức Giêsu đã thực hiện trước và khuyên các môn đệ hãy đem ra thực hành :”Anh em hãy học cùng Tôi vì Tôi hiền lành và khiêm nhường trong lòng”.

 

          4. Theo giáo huấn của Đức Giêsu thì thế nào là hiền lành và khiêm nhường ?

          a) Hiền lành hay hiền hậu là đức tính của con người tốt lành, không độc ác, nhưng có lòng thương người, có đức hạnh và hay làm điều thiện, ví dụ : Cha mẹ hiền lành để đức cho con (Tục ngữ). Theo nguyên ngữ Hy lạp được dùng trong Kinh Thánh thì nó có nghĩa là dịu dàng, ngọt ngào, không thô bạo cứng cỏi. Như thế, hiền lành  phải có cả bên trong lẫn bên ngoài. Bên trong thì phải êm ái, hòa nhã, yêu thương, khoan dung, thông cảm. Bên ngoài thì phải nhẹ nhàng, không có hành động cứng rắn hay thô bạo.

 

          b) Khiêm nhường : theo chữ thì khiêm nhường hay khiêm nhượng là nhún nhường không khoe khoang, hạ mình xuống một chút. Căn bản của khiêm nhường là biết mình “” thế nào : từ đó không muốn tỏ ra hơn cái “” ấy; và giả như người khác có coi mình kém hơn cái “là ấy” thì mình cũng không màng tới. Điều quan trọng là sống thanh nhàn và thành thật đúng với cái “” của mình.

          Khiêm nhường trái ngược với kiêu ngạo. Kiêu ngạo là muốn tự cho mình vượt qua cái “là” của mình và bắt người ta phải công nhận như vậy. Người kiêu ngạo bị  coi là người “việt vị” trong bóng đá vì đã vượt quá vị trí của mình là có lỗi. Dĩ nhiên, cầu thủ việt vị thì đều bị trọng tài phạt.

 

          5. Đức Giêsu mời chúng ta học với Ngài và sống theo luật Ngài. Giáo huấn và lề luật của Ngài đặt nền tảng trên lòng yêu thương. (Ga 13,34). Đức Kitô đã kiện toàn lề luật bằng giới răn yêu thương. Ngài thu tóm lề luật thành  hai chữ yêu thương. Một bộ luật nặng nề và không hồn  đã trở thành nhẹ nhàng nhờ có linh hồn là yêu thương. Đó là cuộc cách mạng vĩ đại nhất của Ngài, cuộc cách mạng của tình thương. Chỉ tình thương mới là khí giới lật đổ được bất cứ một bất công nào và xây dựng được một xã hội công bằng bác ái thực sự.

 

          6. Truyện : Lạn Tương Như và Liêm Pha.

          Lạn Tương Như được phong làm tướng quốc. Liêm Pha cậy mình có nhiều công hơn mà lại bị đứng dưới, nên tức giận  lăm le hễ gặp mặt Tương Như là giết đi. Tương Như vì thế cứ lánh mặt mãi... Một hôm Tương Như ra ngoài, gặp toán lính tiền đạo của Liêm Pha, vội sai tên đánh xe đi tránh vào trong ngõ, đợi Liêm Pha đi qua rồi mới đi ra. Bọn xá nhân thấy thế càng giận bèn họp nhau hỏi Tương Như :

          - Chúng tôi bỏ nhà cửa, xa thân thích đến đây hầu ngài, tức coi ngài là bậc thượng phu nên mến mà theo. Nay ngài cùng Liêm tướng quân cùng hàng mà hạng thứ lại ở trên. Liêm Pha dọa, ngài đã không báo lại, đã tránh ở triều, nay lại tránh ở ngoài đường. Sao ngài lại sợ quá như vậy ? Chúng tôi lấy làm xấu hổ, vậy xin đi thôi không ở nữa.

          Tương Như nói :

          - Các ngươi xem tướng quân  có hơn được vua Tần không ?

          Bọn xá nhân đáp :

          - Không.

          Tương Như nói :

          - Lấy cái oai của vua Tần, thiên hạ ai dám chống, mà Trương Như này  dám mắng giữa triều đình, lại làm nhục cả quần thần nữa. Tương Như dẫu hèn, há lại sợ một Liêm tướng quân ư ? Nhưng ta nghĩ, Tần Sở dĩ nhiên không dám đánh Triệu vì e có ta và Liêm tướng quân. Nay hai con hổ tranh nhau, thế không cùng sống. Tần nghe tin, tất thừa cơ đánh Triệu. Ta sở dĩ chịu nhục  tránh Liêm tướng quân là coi việc nước là trọng và thù riêng là khinh vậy thôi.

          Bạn xá nhân mọp lạy mà rằng :

          - Tiểu nhân chúng tôi trí hẹp làm gì hiểu nổi đại chí của tướng công.

          Liêm Pha khi nghe thuật lại việc làm của Tương Như cả thẹn mà rằng :”Ta thật còn kém Lạn Tương Như xa lắm”. Bèn đến tạ tội với Tương Như, quì mọp mà rằng :”Tôi tính thô bạo, đội ơn tướng quân bao dung, nghĩ lấy làm hổ thẹn quá”. Tương Như đỡ dậy, nắm tay cùng khóc và kết làm bạn sống chết có nhau” (Nguyễn Duy Cần, Cái dũng của thánh nhân, 1958, tr 162-163).

 

                                                                   Lm Giuse Đinh Lập Liễm

                                                                   Đà Lạt