Thứ ba tuần 3 Mùa Vọng
Dụ ngôn hai người
con
(Mt 21,28-32)
1. Đứng trước lời rao giảng Tin Mừng của Đức Giêsu, có hai
hạng người với hai thái độ trái ngược nhau, đó là giới lãnh đạo Do thái và những
người tội lỗi và dân chúng. Đức Giêsu đưa ra dụ ngôn hai người con để làm nổi bật sự tương phản giữa lời nói và
việc làm: nói có mà không làm; nói không nhưng lại làm. Giữa sự đối nghịch này,
hành động được đánh giá là quan trọng, vì hành động là dấu hiệu của một tâm hồn
trong sáng, biểu hiện qua những hành động ngay thẳng. Vì thế, Đức Giêsu đã thẳng
thắn tuyên bố :”Không phải những người
nói : Lạy Chúa ! Lạy Chúa, là được vào Nước Trời, nhưng chỉ những kẻ thi hành ý
Cha trên trời”.
2. Cần tìm hiểu hình bóng của dụ ngôn này :
- Người con thứ nhất
là đứa con “thưa vâng” rồi không đi làm : ám chỉ những nhà lãnh đạo Do thái và
tất cả những ai vâng lệnh bằng lời nói mà không thực hành. Những người này vẫn
tự xưng là giới đạo đức và lên mặt mô phạm
với đời. Nhưng họ từ chối ơn Thiên Chúa, không nhìn nhận Đức Giêsu là Đấng Cứu
Thế, mặc dầu trước khi Người đến, họ vẫn khát vọng Người.
- Người con thứ hai
thưa “không đi”, nhưng sau hối hận và đã đi làm : ám chỉ những ngừi tội lỗi,
thu thuế, đĩ điếm và chư dân. Những người
này thoạt mới nghe giảng, họ ngại ngùng không theo; nhưng sau họ đã nghe Gioan Tẩy
Giả và lời giảng của Đức Giêsu nên đã sám
hối ăn năn.
3. Kết luận dụ ngôn Đức Giêsu nói :”Tôi bảo thật các ông, những người thu thuế và gái điếm, sẽ vào Nước Trời
trước các ông”. Chưa bao giờ ta thấy
Đức Giêsu đã nói thẳng với các người biệt phái như lần này. Chính họ có lẽ cũng
không ngờ.
Câu nói đó có nghĩa là : các ông tưởng mình thánh thiện
trong sạch, giữ luật không trách được điểm nào, còn người thu thuế các ông coi
như cặn bã xã hội, những người mà các ông cấm không cho đi chung đường với họ. Các ông lầm. Những người thu
thuế và đĩ điếm mà các người miệt thị đến
mức đó sẽ vào Nước Trời trước các ông. Nói rõ là những người ấy tốt hơn các ông.
4. Trong cuộc sống hằng ngày, người ta thường nói nhiều mà
làm ít, giữa lý thuyết và thực hành còn một
khoảng cách lớn. Có thể nói : trên thế giới
này không có con đường nào dài cho bằng
“con
đường từ miệng đến tay”. Vì thế mới có câu : “Năng thuyết bất năng hành”.
Lý thuyết có hay mấy mà không được thự
hiện thì cũng không có giá trị.
Trong đời sống đạo cũng thế, chúng ta biết Chúa, cần thông
hiểu giáo lý vì “vô tri bất mộ” mà. Như thế cũng chưa đủ, còn phải đem cái biết
ra thực hành trong cuộc sống hằng ngày nữa. Đức Giêsu đã nói :”Ai yêu mến Thầy thì hãy giữ lời Thầy” mà
“giữ lời Thầy” thì có nghĩa là hãy thực
hành những điều Thầy dạy, là làm theo ý Thầy. Bài dụ ngôn vế hai đứa con trong
Tin Mừng đã chứng tỏ điều đó.
5. Phải sống trung thực với lòng mình, phải làm sao cho “ngôn hành đồng nhất”, lời nói và việc
làm không được mâu thuẫn nhau. Nhiều người nói thì rất hăng nhưng khi làm thì
chẳng thấy đâu, họ giống như đứa con thứ trong dụ ngôn này. Những người như thế thì người ta phang cho một
câu mỉa mai :”Trăm voi không được bát nước
xáo”.
Người ta đánh giá trị một người thì không phải ở lời nói mà
ở việc làm, vì nói thì ai cũng nói được, nhưng khi phải bắt tay làm thì mới thấy
khó khăn, nên nhiều người đã bỏ cuộc. Đối với những người chỉ nói ba hoa chích
chòe mà không dám bắt tay làm việc gì thì người ta chê :
Nói thì đâm năm chém mười,
Đến
khi tối trời chẳng dám ra sân.
6. Truyện :
Anh chàng Aristogiton.
Aristogiton hồi ấy lúc thanh bình, là một nhà ái quốc thượng
thặng. Thở ra lửa trận, nói ra sấm sét. Chàng lợi dụng mọi hoàn cảnh để cổ võ
những đức tính anh hùng của người chiến sĩ yêu nước. Nghe chàng nói, thính giả có ấn tượng như
chàng đang tuyên chiến với tất cả các cường quốc trên thế giới.
Nhưng đến khi phải thi hành lệnh quân dịch, người ta thấy
chàng đột nhiên bước đi khập khiễng, tay chống gậy,chân thì băng bó, trông thảm
não vô cùng.
Biết rõ những bí ẩn của chàng, ông Photion trợn mắt nói
:”Aristogiton đã làm một người què lại còn hèn nhát”.
7. Qua bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta phải có thái độ nào với
tư cách là một Kitô hữu , một chứng nhân của Chúa ? Chúng ta sẽ cố gắng :
- Đừng nghĩ rằng mình thuộc hàng “công chính” để rồi ngủ mê
trong ảo tưởng đạo đức về mình.
- Cũng đừng cho rằng mình thuộc hàng “thu thuế và đĩ điếm”
để rồi buông xuôi cho dòng đời lôi cuốn.
Hãy sống trung thực với lòng mình. Hãy sám hối và chỉnh sửa
lại cuộc sống, sao cho mình xứng đáng là con Chúa, là Kitô hữu để cuộc sống tốt
lành của mình tỏa ra mùi thơm tho nhân đức vì “hữu xạ tự nhiên hương”. Lúc đó
không cần phải phô trương, tự cuộc sống của mình đã chứng minh điều đó :
Trúc
xinh trúc mọc bờ ao,
Em xinh
em đứng chỗ nào cũng xinh.
Trúc
xinh trúc mọc đầu đình,
Em xinh
em đứng một mình cũng xinh.
(Ca dao)
Lm
Giuse ĐinhLập Liễm
Đà
Lạt