Ngày 17 tháng 12
Gia phả Đức Giêsu
Kitô
(Mt 1,1-17)
1. Thánh Matthêu viết
lại gia phả Đức Giêsu là để giới thiệu : Đức Giêsu là Đấng muôn dân trông đợi,
Đấng mà các tiên tri của dân Do thái loan báo trước, Ngài là con người thật.
Ngài cũng có dòng dõi tổ tiên như chúng ta. Ngài được sinh ra và thuộc về một dân tộc như chúng ta. Tuy
nhiên, bản gia phả không nói : ông Giuse sinh ra Đức Giêsu, nhưng lại nói : “Ông Giuse chồng bà Maria, bà là Mẹ Đức
Giêsu, cũng gọi là Đấng Kitô”. Điều
đó cho thấy Ngài còn có nguồn gốc là Thần linh. Ngài được thụ thai không theo
kiểu loài người nhưng do quyền năng của Thánh Thần. Vì thế, Đức Giêsu vừa là
Thiên Chúa vừa là người thật.
2. Qua gia phả mà thánh Matthêu kể lại chúng ta thấy từ tổ
phụ Abraham đến vua Đavít là mười bốn đời, từ Đavít đến thời lưu đầy ở Babylon
là mười bốn đời, và từ thời lưu đầy đến Đức Kitô cũng là mười bốn đời. Gia phả
cho ta thấy Đức Giêsu là con người thật, con người lịch sử. Ngài cũng có dòng
dõi tổ tiên như chúng ta. Ngài được sinh ra thuộc về một dân tộc như chúng ta.
Ngài có cha có mẹ hợp pháp theo lý lịch như chúng ta.
3. Trong suốt chiều dài lịch sử, qua gia phả Đức Giêsu,
chúng ta thấy Đức Giêsu sinh ra làm người trong một dòng tộc gồm có kẻ tốt người
xấu, kẻ có đạo người ngoại giáo, kẻ tốt như Abraham, Isaác, Giacóp; người xấu
và ngoại đạo như Tama đã lấy cha chồng, Rakháp là một kỹ nữ, Bétxêba là người
đàn bà ngoại tình... Điều đó chứng tỏ Thiên Chúa chấp nhận làm người trong thân
phận thấp hèn của họ để cứu chuộc họ, và đây là dấu chỉ tính phổ quát của ơn cứu
độ.
4. Chúng ta nên lưu ý : trong bản gia phả, thánh Matthêu
thường dùng cụm từ “cha sinh con”, nhưng khi đến thánh Giuse, bản gia phả không
nói : ông Giuse sinh ra Đức Giêsu, mà viết :”Giacóp sinh Giuse, chồng của bà Maria, bà là mẹ Đức Giêsu cũng gọi là Đấng
Kitô” (Mt 1,16). Điều đó cho thấy Đức Giêsu còn có nguồn gốc Thần linh. Ngài được sinh ra không theo kiểu loài người
nhưng do quyền phép của Thiên Chúa. Như
vậy, thánh Giuse không là cha sinh ra Đức Giêsu nhưng chỉ là cha nuôi, cha trên
lý lịch, nhờ đó Đức Giêsu được thừa hưởng
danh hiệu “con cháu của vua Đavít”.
5. Lịch sứ cứu độ qua những nhân vật bất xứng làm nên gia
phả Đấng Cứu Thế, gợi cho chúng ta sự xác tín rằng : dù chúng ta tội lỗi, bất xứng,
nhưng chúng ta không mặc cảm, mà vững tin tình yêu cứu độ của Thiên Chúa.
Chúa không thực hiện việc cứu độ loài người từ trời cao.
Người có thể và dư quyền để làm việc đó. Nhưng để cứu loài người, Chúa đã nhập
thể và nhập thế để từ đó Chúa đưa loài người sa ngã đứng lên. Con Thiên Chúa chấp nhận làm con cháu của người
phàm, trong đó có cả những người tội lỗi. Ngài đã đón nhận và liên kết với con
người, với cả những lỗi lầm và thiếu sót của họ. Kẻ tội lỗi cũng có chỗ đứng
trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa.
6. Truyện : Ai có thể đứng vững ?
Có một thành viên trong Hội đồng giáo xứ đang rơi vào chuyện
sa ngã tội lỗi, gây xôn xao trong giáo xứ.
Cha xứ liền triệu tập các thành viên còn lại, rồi với tình yêu thương và
thương xót, ngài trình bầy lại đầu đuôi câu chuyện đáng buồn cho mọi người rồi
ngài hỏi như thế này :
- Nếu như chính các ông các bà bị cám dỗ như người anh em của
chúng ta, quý vị sẽ làm gì ?
Người thứ nhất tin tưởng ở khả năng mình có thể đứng vững
trong cơn cám dỗ , nói :
- Thưa cha, chắc chắn con chẳng bao giờ chịu nhượng bộ trước
tội lỗi đáng ghê tởm đó.
Mấy người khác cũng lần lượt lớn tiếng dõng dạc nói như vậy.
Ai cũng muốn cho mọi người thấy mình là người đàng hoàng đạo đức, hoặc can đảm
đồi đầu với mọi chước cám dỗ xấu xa.
Sau hết, cha xứ có vẻ chưa vừa ý, quay sang hỏi người cuối
cùng trong Hội đồng giáo xứ. Ông này vốn là người ít nói, chỉ lẳng lặng âm thầm
chu toàn các việc nhỏ trong giáo xứ. Trong cuộc họp, ông cũng luôn ngồi ở một
góc phòng. Nghe cha xứ hỏi ông đứng lên nhỏ nhẹ thưa :
- Thưa cha và mọi người, thú thật, tự đáy lòng con phải thú
nhận rằng, nếu con bị cám dỗ và thử thách như người anh em đó, có lẽ con sẽ
còn sa đọa hơn thế nữa.
Cả phòng yên lặng sững sờ. Cha xứ gật gù bảo :
- Đây là người duy nhất có thể đi với tôi để nói chuyện với
anh em lầm lạc đó, để cố gắng dìu dắt người ấy quay trở về với Chúa.
Lm
Giuse Đinh Lập Liễm
Đà
Lạt