Ngày 20 tháng 12
Truyền tin cho Đức Maria
(Lc 1,26-38)
1. Đến ngày ấn định, Chúa sai thiên thần Gabriel đến thành
Nagiarét, báo cho Đức Maria đã đính hôn với thánh Giuse : bà được đầy ơn phúc.
Chúa đã chọn bà làm Mẹ Thiên Chúa. Bà sẽ sinh Con Đấng Tối Cao.
Maria thưa với Thiên Thần là việc đó không thể xẩy ra được
vì bà giữ mình đồng trinh không biết đến việc vợ chồng thì làm sao sinh con được.
Nhưng Thiên Thần cho bà biết việc đó do Chúa Thánh Thần làm, nên Đấng bà sinh
ra là Đấng Thánh, là Con Thiên Chúa... Đồng thời Thiên Thần cũng nói cho biết
việc bà Elizabeth đã có thai sáu tháng rồi, vì không có việc gì Thiên Chúa không
làm được.
Bấy giờ Bà Maria thưa với Thiên Thần :”Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên Thần truyền”.
2. Thiên Chúa cần con
người cộng tác với Ngài.
Thiên Chúa có thể cứu độ con người bằng bất cứ cách nào
theo sự khôn ngoan thượng trí của Ngài. Mặc dù “Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được”, nhưng trong công cuộc cứu độ này,
Ngài không muốn hành động một mình mà muốn có sự cộng tác của con người. Chính
vì vậy mà Ngài đã sai sứ thần Gabriel đến
hỏi ý kiến Đức Maria trong việc làm Mẹ Đấng Cứu Thế. Ngài tôn trọng tự do của
con người. Ngài không áp đặt mà chỉ đề nghị. Ngài muốn sự đáp trả sáng suốt của
con người. Sau khi Đức Maria đã thưa xin vâng, Ngôi Hai Thiên Chúa lập tức đầu
thai trong lòng trinh nữ Maria và Maria đã trở thành Mẹ của Con Thiên Chúa.
3. Trở nên dụng cụ để
Thiên Chúa dùng.
Đức Maria đã trở nên dụng cụ Thiên Chúa dùng trong công cuộc
cứu chuộc loài người sau tiếng “Xin vâng” của Đức Mẹ.
Khi nói đến dụng cụ là nói đến một đồ vật để con người xử dụng
theo ý mình. Dụng cụ chỉ biết phục tùng theo ý muốn người xử dụng. Không bao giờ
dụng cụ có thể nói với người xử dụng tại sao lại dùng vào việc nọ việc kia, mà
chỉ biết hoàn toàn vâng theo người xử dụng nó, có khi người xử dụng phế thải cả
dụng cụ, thì chính dụng cụ ấy cũng không có quyền phản đối.
Đức Maria đã đặt mình dưới quyền xử dụng của Thiên Chúa vì
Ngài nhận thấy mình chỉ là người đầy tớ vô dụng. Tuy nhiên, Chúa có thể dùng
vào việc lớn lao mà mình không ngờ. Chúng ta có thể tìm được hình ảnh này trong
văn chương bình dân Việt nam :
Ai làm cho cải tôi ngồng,
Cho
dưa tôi khú, cho chồng tôi chê.
Chồng
chê thì mặc chồng chê,
Dưa
khú nấu với cá trê ngọt lừ.
(Ca
dao)
Thánh Gioan Vianney, lúc còn là một chủng sinh, học hành rất
chậm chạp, tưởng chừng như ngài không có đủ khả năng để tiến tới chức Linh mục.
Ngày kia, thừa lệnh Giám mục giáo phận, một vị giáo sư Thần học, đã đến khảo
sát Vianney, tội ngiệp Vianney đã không thưa được câu nào. Không giữ được bình
tĩnh, vị giáo sư đã đập bàn quát lớn :
- Vianney, anh dốt như con lừa. Với một con lừa như anh,
Giáo hội sẽ làm được gì ?
Vianney khiêm tốn bình tĩnh trả lời :
- Thưa thầy, ngày xưa Samson chỉ dùng cái hàm của một con lừa,
để đánh bại được ba ngàn quân Philitinh, vậy với cả một con lừa này, Thiên Chúa
không làm được gì sao ?
4. Đức Maria có một
lòng tin sâu sắc.
Sau khi đã nghe sứ thần báo tin và cắt nghĩa cho Đức Maria
hiểu theo quyên lực vô biên của Thiên Chúa, Ngài đã sẵn sàng thưa “Xin vâng”.
Câu xin vâng đã nói lên lòng tin sâu sắc của Đức Maria vào quyền năng của Thiên
Chúa.
Lịch sử cứu độ thời Cựu ước bắt đầu bằng một hành vi đức
tin của Abraham. Ông được gọi là “cha của những kẻ tin”. Lịch sử cứu độ thời
Tân Ước cũng bắt đầu bằng hành vi đúc tin của Đức Mẹ. Đức Maria được gọi là “mẹ
của những kẻ tin”. Lịch sử cứu độ của mỗi người cũng phải bắt đầu bằng hành vi
đức tin của người đó.
5. Truyện : Đức tin nhỏ mà lớn.
Có một bà nổi tiếng đạo dức, nhân hậu và luôn bình tâm trước mọi thử thách. Một bà khác ở xa đó ít dặm,
nghe nói thế thì tìm đến, và hy vọng học được bí quyết để sống bình tâm, hạnh
phúc. Bà hỏi :
- Thưa bà, có phải bà có một đức tin lớn lao ?
Bà thưa :
- Ồ không, tôi không phải là người có đức tin lớn lao, mà
chỉ là người có đức tin bé nhỏ đặt vào một Thiên Chúa lớn lao.
Lm Giuse Đinh Lập Liễm
Đà
Lạt