Ngày 2 tháng giêng
Gioan làm chứng cho
Chúa
(Ga 1,29-34).
1. Thánh Gioan đang làm phép rửa ở sông Giođan thì có mấy
tư tế đến hỏi ông là ai ? Ông trả lời : Tôi không phải là Đấng Kitô. Họ lại hỏi
ông có phải là Êlia, là tiên tri không ? Ông đáp : Không. Họ liền bảo ông cho
biết ông là ai, để họ về trả lời cho những người biệt phái đã sai họ. Gioan đáp
: Tôi là người dọn đường cho Đấng Cứu Thế như tiên tri Êlia đã báo trước. Họ lại hạch sách : Sao ông làm phép rửa? Gioan cho họ biết: Ông
chỉ làm phép rửa trong nước không quan hệ gì. Nhưng có một Đấng cao trọng ở giữa
họ mà họ không biết, Đấng ấy có trước ông, và ông không đáng xách dép cho Đấng ấy.
2. Thánh Gioan đã từng hô hào cho dân chúng dọn đường cho
Chúa đến. Hôm nay ngài tự giới thiệu cho người Do thái : Ngài chỉ là người làm
chứng và sửa soạn cho Chúa đến. Vì thế Ngài đi rao giảng phép rửa thống hối, từng
đoàn người tấp nập kéo đến bờ sông Giođan xin chịu phép rửa. Việc này chứng tỏ ảnh
hưởng của ông đã lan rộng khắp vùng, làm cho các nhà chức trách thắc mắc : Ông
này là ai ? Ông có ý đồ gì không ?
Vì thế, nhà chức trách gửi một số tư tế và mấy Lêvi đến điều
tra xem Gioan là ai ? Câu hỏi chỉ xoay quanh tư tưởng chủ chốt :”Ông
có phải là Đấng Messia không” ? Gioan đã trả lời thẳng thắn : Ông không
phải là Đấng Messia, cũng không phải là Êlia, thậm chí không phải một trong các tiên tri ngày xưa trở lại. Ông chỉ khẳng định : Ông là sứ giả có trách
nhiệm dọn đường cho Chúa thôi. Còn phép rửa của ông làm chỉ là dọn đường mở lối
cho phép rửa chính thức của Đấng Cứu Thế.
Nhưng ông nhấn mạnh cho họ tư tưởng này : Đấng Cứu Thế đang ở giữa họ,
mà họ không biết.
3. Thánh Gioan Tẩy Giả là người tràn đầy Thần Khí. Nên Ngài
có phân định rõ ràng. Ngài biết mình không là gì. Dù bấy giờ Ngài đã nổi danh,
được nhiều người mộ mến. Thậm chí người ta còn gọi Ngài là Đấng Cứu Thế. Nhưng
thánh nhân kiên quyết phủ nhận. Ba lần
nói “không” để phủ nhận mọi phù hoa ảo ảnh. Ngài nhận tự bản thân mình chẳng là
gì. Có là gì là ở trong Thiên Chúa. Phủ nhận mình là khẳng định Thiên Chúa. Ra khỏi
bản thân để ở trong Thiên Chúa. Nhờ ở trong Thiên Chúa mà có tất cả. Nhờ ở lại trong Chúa, Gioan đã làm tròn nhiệm
vụ. Nên Ngài trở nên cao trọng nhất trong số nam nhân. Và đóng góp phần quan trọng
cho công cuộc Cứu Thế thành công. Đem ân phúc lớn lao cho mọi người.
4. “Tôi không đáng cởi
quai dép cho Người”.
Khi trả lời cho phái đoàn phỏng vấn, Gioan khiêm nhường trước
mặt người ta khi không nhận cho mình cái danh dự mà người ta nghĩ cho mình là
có, và cũng khiêm nhường trước mắt Chúa vì ông đã qui hướng danh dự và vinh
quang về Chúa. Noi gương thánh Gioan, chúng ta cũng phải khiêm nhường trước những
lời khen ngợi của người khác và trước mọi thành công nào đó để tránh tự mãn, óc tự kiêu và thái độ kẻ cả.
Đồng thời phải dựa vào những thành công đó để hướng về Chúa với lòng cảm tạ tri
ân và nỗ lực thêm nữa để làm vinh danh Chúa.
5. Chúng ta có thể diễn đạt toàn bộ sứ điệp của Gioan như
sau : “Tôi không phải là Đấng Cứu Thế,
nhưng tôi là người “tiền hô” cho Ngài. Hãy chuẩn bị vì Ngài sắp đến”. Nói
khác đi, Gioan đến để làm chứng cho Đấng Cứu Thế. Chúng ta cũng phải làm chứng cho Chúa trong
cucộc sống.
Kitô hữu là người được mang danh Chúa Kitô, danh hiệu này
đã được thánh Phaolô lần đầu tiên gọi các tín hữu ở Antiokia. Kitô hữu là người
thuộc về Chúa Kitô, được đồng hóa với Chúa Kitô đang sống giữa chúng ta. Chúng
ta không như người Do thái phải mất mấy thế kỷ mong đợi Đấng Cứu Thế đến. Hơn nữa,
cũng không phải sống lại những biến cố đã qua. Đức Kitô đã đến. Ngài đang có
đó. Liên tục hiện diện giữa chúng ta để loan báo Tin mừng cho người nghèo, để chữa
lành các tâm hồn bị tan vỡ và giải thoát những kẻ bị xiềng xích.
Người Kitô hữu cũng là chứng nhân của Đức Kitô trong cuộc sống
thực tế của mình.. Về điểm này, nhà thần học, linh mục Teilhard de Chardin đã ví von rất sống động :”Ánh sáng xuyên qua những đám mây, người ta đoán là có mặt trời trên
đó. Nhìn vào đời sống chúng ta, mọi người cũng đoán được có Đức Kitô”.
Mục sư Martin Luther King cũng nói :”Chúng ta không làm chứng chỉ bằng lời nói, mà còn làm chứng bẳng cuộc
sống của mình”.
6. Truyện : Hãy
nhìn mặt trăng
Vào một đêm trăng, Thích Ca ngồi giữa các đệ tử. Ngài lấy
ngón tay chỉ mặt trăng và nói :”Kìa là mặt
trăng. Cứ ngó theo ngón tay Ta thì thấy, nhưng đừng tưởng ngón tay của Ta là mặt
trăng”.
Tin mừng hôm nay cũng đề cập đến một cuộc đối thoại tương tự
giữa Gioan Tẩy Giả và những biệt phái... Họ đặt ra ba hình ảnh về Gioan : Ông
có phải là Đức Kitô không ? Ông có phải là Êlia không ? Ông có phải là tiên tri
không ? Gioan cho mình chỉ là tiếng kêu
trong sa mạc “Hãy dọn đường Chúa”. Gioan đã làm chứng cho Chúa trong sự khiêm tốn.
Người Kitô hữu cũng phải làm chứng cho Chúa về nhiều pương diện : không những
giơ ngón tay chỉ Chúa Giêsu cho người khác mà còn phải là chứng nhân bằng chính
cuộc sống nữa (Trích Mỗi ngày một tin vui).
Lm
Giuse Đinh Lập Liễm
Đà
Lạt