Thứ năm tuần 1 thường niên

Chúa chữa người phong hủi

(Mc 1,40-45)

 

          1. Phong hủi đối với những người Do thái là chứng bệnh ghê tởm, nhơ uế, bệnh nhân phải tuyệt thông với mọi người. Ai tiếp xúc với họ cũng bị coi là uế. Vì thế, người phong hủi thường phải ở những nơi cách biệt : đi đến đâu họ phải la lớn để mọi người biết mà tránh xa. Thân phận người phong hủi thật đáng buồn tủi ! Bài Tin mừng hôm nay cho biết, người phong hủi dám đến xin Đức Giêsu chữa lành. Điều đó chứng tỏ  bệnh nhân có một niềm xác tín vào Chúa Giêsu. Chúa Giêsu vừa quyền phép lại vừa rất thương yêu. Đến với Ngài, chắc chắn sẽ không phải thất vọng.

 

          2. Ông M. Carré nói :”Sống trong một thế giới đầy đau khổ trước mắt, thì chúng ta phải là những nhà chuyên môn của niềm tin cậy trông”. Vâng, trong lúc đau đớn tột cùng nơi thân xác vì bị trùng Hansen gặm  nhấm  rúc rỉa; trong lúc tâm hồn tan nát vì bị mọi người kinh tởm xa cách, chính trong lúc đau khổ ngút ngàn ấy người phung hủi lại hoàn toàn tin tưởng vào quyền năng của Thiên Chúa và trọn vẹn phó thác cho tình yêu của Ngài.

          Thấy anh có lòng tin, Chúa Giêsu chạnh lòng thương, giơ tay đặt trên người ấy và nói:”Ta muốn anh khỏi bệnh”.  Chạm đến người phung  là phạm luật, khiến người ta khó chịu. Ngài muốn thay đổi những lệch lạc trong luật. Qua việc đặt tay của Chúa, con người được tiếp xúc thần tính của Ngài, nhờ đó được nhận lãnh ân sủng là sức sống của Ngài. Chính vì thế mà bệnh phung biến mất và anh ta được sạch.

 

          3. Chúa Giêsu không chỉ chữa bệnh cho người bị phong cùi, mà còn đưa tay đụng đến anh, chứng tỏ Ngài không ghê tởm anh. Ngài còn dạy anh đi trình diện với tư tế để được công nhận hết bệnh và nhờ đó được nhập vào xã hội. Như thế, người phong cùi này vừa được chữa bệnh, vừa được phục hồi nhân phẩm. Nói cách khác, Chúa Giêsu vừa chữa anh khỏi bệnh tật phần xác vừa chữa anh khỏi bệnh tật tâm hồn.  Chúng  ta tự hỏi mình : sự quan tâm của ta  với những người nghèo khổ có được toàn diện như thế chưa ?

 

          4. Hãy tỏ lòng yêu thương những người bệnh tật xấu số.

          Đọc những vần thơ của thi sĩ Hàn Mặc Tử, người thi sĩ thời danh mắc bệnh cùi cách đây không lâu lắm ở trại cùi Qui Hòa (Bình định), biểu lộ những rung cảm trong cảnh sầu khổ, ta mới hiểu được nỗi đau khổ trong cảnh cô đơn thất vọng của người bị bệnh cùi như thế nào.

          Đọc truyện cha Damien, vị tông đồ người hủi, ta mới thấy xúc động và cảm phục. Khi Đức Giám mục ở Hawai giới thiệu cha Damien với dân cùi ở đảo Molokai là cha tình nguyện đến phục vụ họ. Cha Damien rởn tóc gáy khi nhìn thấy họ đến sờ vào thân mình cha. Đức Cha giải thích cho cha Damien là họ không thể hiểu nổi một người ở phương xa, không bà con huyết thống gì với họ, lại còn trẻ, đẹp trai, lại có thể đến phục vụ họ trên mảnh đất cùng khốn này. Họ không tin mắt nhìn của họ nên mới đến sờ thử vào con người của cha, xem có thực sự mắc bệnh cùi không. Rồi họ nói với nhau :”Không”. Dần dần cha Damien hòa đồng được với họ, và không còn cảm thấy như ngày đầu. Một ngày kia đến lượt cha cũng mắc bệnh cùi.

 

          5. Còn bệnh phong hủi thiêng liêng nữa.

Điều đáng nói là chúng ta phải nhìn đến thứ bệnh cùi thiêng liêng như là một thực tế của mọi thời đại. Các nhà tu đức học và dẫn đàng thiêng liêng thường coi tội lỗi là một thứ bệnh cùi thiêng liêng. Nếu bệnh cùi thể xác khiến người ta bị cô lập hóa về phương diện thể lý, nghĩa là phải sống tách biệt khỏi gia đình và xã hội, thì bệnh cùi thiêng liêng là tội lỗi cũng khiến người ta bị cô lập hóa về đời sống thiêng liêng.

          Tội làm sứt mẻ tình bạn với Thiên Chúa và người khác. Có những tội khiến ta  không còn dám đến nhà thờ và lên rước lễ. Tội còn làm sứt mẻ tình bạn, tình cộng đồng. Khi phạm tội, người ta thường muốn tránh người khác vì mắc cỡ, và người khác cũng không muốn gặp gỡ họ vì đã là nạn nhân hay không muốn trở thành nạn nhân.

 

          6. Truyện :  Phải biết cảm ơn Chúa

          Trong cuốn truyện thuộc loại Tự Thuật của một người Cha nọ có ghi những ý nghĩ như sau :

          Một đêm kia, trong lúc đang đọc báo, tôi nghe đứa con gái bé nhỏ của tôi bảo :”Bố ơi, con sẽ đếm thử xem trên trời có mấy ngôi sao nhé” !

          Sau đó tôi nghe giọng êm đềm dễ mến của con tôi bắt đầu đếm 1,2,3,4.... rồi tôi lại chú tâm vào chuyện đọc báo, không còn để ý đến tiếng con tôi nữa. Đến lúc tôi đọc xong, tôi chú ý lắng tai và nghe tiếng đứa con gái tôi vẫn tiếp tục đếm 223,224,225.... Đến đây, nó bỗng dừng lại, rồi quay sang nói với tôi:”Bố ơi, con không ngờ trên trời có nhiều sao đến thế”.

          Nghe con gái bình luận thế ! Tôi chợt nhớ thỉnh thoảng tôi cũng đã thầm nói với Chúa :”Chúa ơi, để con thử đếm xem con đã lãnh nhận bao nhiêu ơn lành của Chúa”.  Và càng đếm, trái tim tôi hình như càng cảm thấy thổn thức, không phải vì âu sầu, mà vì quá nhiều hồng ân Chúa đè nặng. Rồi tôi cũng đã thường phải thốt lên như con gái tôi:”Lạy Chúa, con không ngờ đời con đã lãnh nhận nhiều ơn lành của Chúa đến thế” !

 

                                                                   Lm Giuse Đinh Lập Liễm

                                                                   Đà Lạt