Thứ tư tuần 1 thường niên
Làm việc và cầu nguyện
(Mc
1,29-39)
1. Một ngày ở Capharnaum, Chúa Giêsu bận bịu với biết bao
nhiêu công việc. Ngài giảng dạy trong hội đường, chữa mẹ vợ ông Simon khỏi cơn
sốt nặng; chiều đến, Ngài lại chữa mọi
người bệnh tật được người ta mang tới.
Được thúc đẩy vì tình yêu Cha và yêu con người, Chúa Giêsu tất bật với sứ
vụ được trao phó. Ngài con dành thời giờ cầu nguyện vào ban sáng sớm trước khi
bắt đầu một ngày mới. Ngài vẫn còn thao
thức bồn chồn cho đến khi sứ vụ được hoàn tất.
2. Nhìn lại một ngày làm việc của Chúa Giêsu, ta thấy Ngài
rất bận rộn: giảng ở hội đường; giảng xong, chữa một người bị quỉ ám; rời hội
đường, Ngài đi chữa bệnh cho nhạc mẫu của ông Simon Phêrô. Chiều đến chưa kịp
nghỉ ngơi, người ta lại đem các bệnh nhân tới và Ngài lại cứu chữa họ. Sáng sớm
hôm sau khi trời còn tối mịt, Ngài đã thức dậy sớm đi đến một nơi hoang vắng để
cầu nguyện, và bắt đầu một ngày mới. Dù rất bận rộn, nhưng Chúa Giêsu vẫn dành
thời giờ để cầu nguyện. Dù bị đám đông ồn ào bao vây suốt ngày, Chúa Giêsu cũng
có cách tìm nơi yên tĩnh để cầu nguyện.
3. Chúa yêu thương, nâng đỡ và thông cảm với con người, nhất
là những con người đang gặp đau khổ. Ngài đến thăm nhà, chữa bệnh cho người ta
cũng là cách làm cho người ta được hạnh phúc vì vừa được chữa khỏi bệnh, vừa có
dịp được giãi bầu tâm sự.
Người ta kể : Vị linh mục dừng lại ghé thăm một gia đình
nghèo ở Kentucky. Vừa khi linh mục chào bà mẹ, bà ứa nước mắt kêu lên :”Ôi thưa
cha, con vừa được biết cha đến thăm hôm
nay. Con tin cha có thể giúp con”. Bà dốc hết bầu tâm sự, bao lo âu, bao rắc rối.
Thỉnh thoảng vị linh mục chen vào một vài lời khích lệ, nhưng ngài cảm thấy hoàn toàn bất lực trước nỗi
khổ tâm của bà. Kể xong, bà ngưng một lát rồi kêu lên:”Ôi thưa cha, cha giúp
con nhiều quá. Cha đã giải quyết cho con mọi vấn đề”. Vị linh mục bối rối, ngài
chẳng giải quyết được vần đề nào cả. Rồi ngài bắt đầu hiểu ra : bà chỉ cần mong
được thông cảm.
4. Chúa Giêsu là thầy
dạy của sự cầu nguyện.
Chúng ta không muốn định nghĩa sự cầu nguyện như các nhà tu
đức học mà chỉ nói đơn sơ như thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã nói:”Con đã ở
như một đứa trẻ không biết chữ : con cứ đơn sơ thật thà than thở cùng Chúa những điều con ước muốn, bao
giờ con cũng được Chúa hiểu thấu tình”.
Cầu nguyện có thể ví như tình yêu. Chúng ta không thể học
yêu qua sách vở được. Phải có phần thực hành. Cầu nguyện ví như học bơi lội, muốn
biết bơi thì phải nhảyxuống nước, không thể vừa khô ráo trên bờ lại biết bơi. Cầu
nguyện cũng như học gia chánh, muốn thực tập làm các món ăn thì phải lăn vào bếp.
Cầu nguyện cũng giống như việc chăm sóc mảnh vườn, muốn có hoa đẹp thì phải trồng,
phải vun xới, phải có nắng, phải tưới nước và phải chăm làm cỏ. Cầu nguyện
không phải là một đề tài để bàn luận, nhưng là một thực tại để sống. Chúa Kitô
là thầy dạy chúng ta, và tất cả chúng ta đều là học trò trong “lớp cầu nguyện”.
Muốn có một đời sống sung mãn trong Chúa Kitô, chúng ta phải cầu nguyện (Thanh
Thủy, Con đường tình yêu, tr 197).
5. Chiêm ngắm một ngày sống của Chúa, chúng ta được mời gọi
sống như Ngài. Cuộc sống người Kitô hữu không thể chỉ có những khoảnh khắc dành
cho Chúa trong Thánh lễ hay kinh nguyện, mà còn phải trải dài qua những sinh hoạt
và gặp gỡ hằng ngày trong cuộc sống. Người Kitô hữu phải biết thống nhất đời sống
bằng cách biến những giây phút hoạt động thành một cuộc gặp gỡ thân tình với
Chúa.
Thường người ta quan niệm rằng làm việc và cầu nguyện là
hai việc khác nhau, có khi đối chọi nhau. Thực ra, với lòng yêu mến, chúng ta
có thể biến tất cả công việc làm của chúng ta thành kinh nguyện. Như thế, suốt
ngày làm việc của chúng ta là một lời kinh nguyện dâng lên Chúa. Cần nhất ban
sáng khi thức dậy, chúng ta đã dâng lên Chúa mọi công việc trong ngày, thì mọi
việc trong một ngày có thể trở thành kinh nguyện liên miên.
6. Truyện : Cầu
nguyện và làm việc.
Một ông cụ già dẫn một thanh niên xuống thuyền của mình.
Thuyền này có hai mái chèo đề chữ “cầu
nguyện”, một chiếc khác có đề hai chữ “làm
việc”.
Người thanh niên nói kháy cụ già :
- Ông cụ ơi, chèo thế này chậm lắm. Người đã làm việc thì
không cần cầu nguyện nữa (có ý nói : chỉ cần chèo một chiếc chèo có chữ “làm việc”
thôi).
Ông cụ không nói gì, chỉ buông chiếc chèo có hai chữ “cầu
nguyện” ra thôi, rồi cứ chèo chèo một chiếc có hai chữ “làm việc” kia.
Ông cụ cứ cố sức chèo nhưng thuyền không đi được bước nào,
chỉ quay tròn đi thôi.
Thấy thế người thanh niên kia mới hiểu rằng, ngoài chiếc
chèo làm việc ra, còn cần phải có chiếc chèo cầu nguyện nữa, thuyền mới đi được.
Lm
Giuse Đinh Lập Liễm
Đà
Lạt