Thứ hai tuần 2 thường niên
Tranh luận về chay tịnh
(Mc
2,18-22)
1. Các môn đệ của Đức Giêsu bị chê trách là không ăn chay
như các môn đệ của Gioan và người biệt phái. Đức Giêsu đã bênh vực các ông và
cho người ta thấy rằng việc thiện cũng phải biết làm đúng lúc, đúng nơi. Vì thế, đừng vội phê bình người khác khi chưa
nắm vững hoàn cảnh sự kiện. Điều quan trọng là Đức Giêsu chính là Tin Mừng,
Ngài đã đến đem niềm vui ơn cứu độ nên chúng ta phải biết sống vui tươi, tin tưởng,
ủ rũ âu sầu là không hợp thời, không đúng lúc nữa.
2. Người Do thái rất coi trọng việc ăn chay. Mục đích của
ăn chay là chuẩn bị gặp Chúa, hoặc gặp Đấng Messia sắp đến. Vào đầu thế kỷ I,
người ta nghĩ rằng Đấng Messia sắp đến, cho nên càng ăn chay nhiệm nhặt hơn, nhất
là nhóm biệt phái và nhóm môn đệ Gioan Tẩy
Giả.
Theo Do thái giáo thời Đức Giêsu, việc ăn chay liên kết với
việc mong Đấng Thiên Sai. Người ta bất mãn với thời thế và nóng lòng chờ đợi thời
kỳ thiên sai. Nhưng các môn đệ của Gioan và các người biệt phái chỉ biết giữ
chay mà không để ý đến ý nghĩa của việc ăn chay. Nên khi thấy các môn đệ Chúa
không ăn chay thì trách Chúa.
3. Phần Đức Giêsu thì tự biết mình là Messia đến khai mở một
kỷ nguyên vui mừng. Ngài so sánh thời gian Ngài sống ở trần gian là một tiệc cưới
và bản thân Ngài là chàng rể. Bởi đó Ngài ăn uống tự nhiên bình thường và để
cho các môn đệ Ngài cũng ăn uống như thế.
Vì thế, khi người ta tra vấn Ngài :”Tại sao các môn đệ ông không ăn chay”? Ngài trả lời:”Chẳng lẽ khách dự tiệc lại có thể ăn chay
trong khi chàng rể còn ở với họ”? Ngài lại cho biết trước rằng tình hình sẽ
thay đổi khi Ngài chịu nạn và chịu chết. Khi đó các môn đệ Ngài sẽ ăn chay để
chuẩn bị đón ngày Ngài quang lâm (x. Cv
13,1-3).
Như vậy, vấn đề quan trọng không phải là ăn chay hay không
ăn chay, mà là ý thức ý nghĩa của việc ăn chay. Sống trong giai đoạn nào thì phải
theo tinh thần của giai đoạn ấy. Nói
cách cụ thể hơn, giai đoạn đang sống với Chúa Giêsu là thời kỳ mới cho nên phải
sống theo tinh thần mới, tức là tinh thần vui mừng:”Rượu mới thì bình cũng phải mới”.
4. “Bao lâu chàng rể
còn ở với họ, họ không thể ăn chay được” (Mc 2,19).
Các môn đệ đã đến và ở lại với Chúa Giêsu, tâm hồn và cuộc
đời các ông tràn ngập niềm vui. Bao lần ta đã hát bài “Chúa chính là mùa xuân
con mong chờ”, nhưng sống với Chúa đối với ta có thực sự là niềm vui không ?
Cuộc đời của người Kitô hữu có những giai đoạn ăn chay sám
hối, nhưng chủ yếu là vui mừng như đang dự tiệc cưới và được ở gần chàng rể. Thực
vậy, được biết Chúa là một niềm vui, được theo Ngài là một niềm vui, được làm
việc Ngài giao là một niềm vui. Ngay cả được vác thập giá Ngài trao cũng là một
niềm vui, và khi ăn năn sám hối cũng vẫn vui vì biết mình sẽ được tha thứ.
Ta hãy nhớ lại hạnh các thánh : các ngài không bao giờ tuyệt
vọng, không bao giờ cằn nhằn, không bao giờ đòi vất bỏ Thánh giá Chúa trao...
trong lòng các ngài luôn có một niềm vui mà không ai, không gì và
không hoàn cảnh nào dập tắt được.
5. Ta vui cười trong ĐAU KHỔ vì đau khổ không phải luôn là
hình phạt, nhưng có khi là nguyên do của một vui mừng. Theo lời Chúa Giêsu : hạt
giống rơi xuống đất có mục nát ra mới sinh hoa kết quả. Người mẹ lúc sinh con
phải buồn phiền, nhưng sẽ khoan khoái khi biết mình đã thêm cho đời một mụn
con.
Ta mỉm cười khi THẤT
BẠI hay phải thất nghiệp vì có khi ta thất bại vì ta chán nản. Ta sẽ tìm giải
quyết trong vui tươi như thĩ Alfred de
Musset đã diễn tả :
Tôi đi qua cánh đồng
Một con chim hát trên tổ
Dưới chân nó, bầy chim con chết
lăn lóc,
Thế mà chim mẹ vẫn hát trong cảnh
bình minh.
Hỡi hồn ta, mày đừng khóc nữa,
Vì cho đi mày mất hết mọi sự
Thiên Chúa, Đấng ngự trên trời
thanh thẳm
Vẫn là nguồn hy vọng ở trần
gian cho mày.
6. Truyện : Lời
khuyên của mẹ.
Khi thấy con có nét mặt buồn sầu, một hôm mẹ bảo đứa nhỏ :
- Con hãy vào rừng khóc thảm thiết xem rừng bảo con sao.
Đứa bé vào rừng khóc hu hu, khóc lóc thảm thiết lắm. Vừa
khóc, vừa nghe thì thấy cả khu rừng đều khóc lóc thảm thiết như đứa bé. Đứa bé
đã về học với mẹ như vậy.
Hôm sau mẹ lại bảo nó :
- Con hãy vào rừng và cười thật lớn, xem khu rừng sẽ đối với
con thế nào.
Đứa bé cũng làm như vậy và hôm nay thấy cả khu rừng cùng cười
vang.
Do vậy, mẹ bảo nó :
- Vui buồn không phải do ngoại cảnh mà do lòng mình mà có.
Lm
Giuse Đinh Lập Liễm
Đà
Lạt