Thứ hai tuần 3 thường niên

Chúa lấy quyên nào

(Mc 3,22-30)

          1. Trong đoạn Tin Mừng này,  Chúa Giêsu chữa lành cho những người bị quỉ ám. Các luật sĩ không tin Chúa Giêsu là Thiên Chúa nên cho rằng  Ngài lấy quyền của tướng quỉ  Bengiêbút mà trừ quỉ. Nhưng Chúa nói cho họ biết : nước nào tự chia rẽ thì làm sao tồn tại được.  Ma quỉ cũng vậy, nếu nó chia rẽ, nó sẽ tiêu vong. Còn nếu Ngài nhờ tướng quỉ mà trừ quỉ thì ma quỉ đã tự chia rẽ nhau rồi, làm sao nó đứng vững được ?

          2. Các luật sĩ nói Chúa Giêsu bị quỉ vương Bengiêbút ám và dựa vào thế quỉ vương để trừ quỉ. Theo Chúa Giêsu, lời tố cáo đó là một điều vô lý. Quả thật, Satan không thể chống Satan. Nước nào, nhà nào chia rẽ thì sẽ đi tới chỗ diệt vong. Satan cũng vậy. Marcô 3,27 cho thấy : chẳng những Chúa Giêsu không bị quỉ chi phối, không theo phe quỉ, Ngài còn chống quỉ; quỉ là người mạnh, Chúa Giêsu còn mạnh hơn quỉ nữa” (Chú thích của bản dịch nhóm CGKPV).

          3. Những luật sĩ ấy chẳng những không nhìn nhận quyền phép Chúa Giêsu trong việc Ngài trừ quỉ mà còn xuyên tạc rằng Ngài dựa thế quỉ vương. Thái độ ấy bị Chúa Giêsu gọi là tội phạm đến Chúa Thánh Thần và là thứ tội duy nhất không được tha.  Chúa Thánh Thần là nguồn bảy ân sủng, là Đấng được ban để tha tội qua công ơn cứu chuộc của Chúa Giêsu Kitô. Vì vậy, phạm đến Chúa Thánh Thần, nghĩa là khước từ ơn thánh và khước từ được cứu độ.  Chúng ta chỉ được cứu độ nhờ đón nhận, còn khước từ  thì Chúa cũng chịu vì sự tự do  Chúa ban cho chúng ta.  Chúng ta từ chối thì chúng ta mất linh hồn, không phải là Chúa không tha, mà là chúng ta khước từ sự tha thứ đó. Thánh Augustinô từng dạy:”Chúa dựng nên ta không cần ta, nhưng Chúa muốn cứu chuộc ta thì cần có ta cộng tác”. Chúa Thánh Thần hoạt động trong ta, mà ta xúc phạm  đẩy Ngài ra để chỗ cho tà thần, thì làm sao được cứu độ?(Mỗi ngày một tin vui).

          4. Có lẽ chúng ta không đến nỗi “tệ” tới mức “nghi” Chúa Giêsu bị quỉ Bengiêbút ám, nhưng nghi sự trái cho người khác, hoặc thấy việc tốt người khác làm, không khen ngợi thì chớ, lại còn “tán chuyện” ra  để đàm tiếu thì phải chăng đó là “chuyện thường ngày ở...” sở làm, trong xóm ngõ của chúng ta ?  Để không mắc tội phạm đến Chúa Thánh Thần, chúng ta hãy nhìn nhận việc tốt của người khác một cách trân trọng, và nếu cần phải phân định việc gì hãy làm với tinh thần bác ái.

          5. Trong thời đại hôm nay nhiều giá trị, nhiều nguyên tắc đạo đức và luân lý  đang bị đảo lộn khắp các tầng lớp xã hội. Nếu đưa mắt nhìn quanh, người ta sẽ thấy trong các tầng lớp xã hội, gia đình và tôn giáo đều có sự chia rẽ. Bao nhiêu giáo phái Kitô giáo khác nhau trên thế giới được tìm thấy xuất hiện, phái nào cũng mạo nhận là theo gót chân Chúa  một cách trung thực. Ngay cả trong một giáo phái, cũng có sự chia rẽ và phe phái. Chính điều này đã làm cho nhiệm thể Chúa Kitô bị phân rẽ và tổn thương. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã cảnh báo điều đó khi trả lời cho người Do thái kết án Người là lấy quyền tướng quỉ đè bẹp lính quỉ.

          6. Những người luật sĩ bị coi là phạm đến Chúa Thánh Thần vì họ chối bỏ chân lý, không chấp nhận sự sám hối thì làm sao có thể tha tội được. Qua lời phân định của Chúa Giêsu về mức độ tội trạng được tha và không được tha, mỗi người chúng ta, một đàng ý thức về tội trạng của mình khi xét mình trước mặt Chúa để khơi dậy lòng thống hối; đàng khác phải luôn luôn bảo vệ và phát triển lòng tin cùng kính mến Chúa để tránh những xúc phạm đến Chúa.  Nếu đã đã trót phạm tội mà ăn năn sám hối thì tội bao nhiêu cũng được tha. Cứ vững lòng tin.

          7. Truyện : Không nghi ngờ và thất vọng.

          Người ta kể : một hôm có một chàng thanh niên đến gặp cha Placido Vicardi, dòng Biển Đức, ở Italia, để xin xưng tội. Chàng thanh niên này quì xuống và thưa với cha Vicardi :

          - Thưa cha, con là kẻ tội lỗi khốn nạn nhất, vì con đã phạm đủ mọi thứ tội.

          Cha Vicarđi đáp :

          - Đúng, con đã phạm đủ mọi thứ tội, nhưng con không phải là kẻ có tội khốn nạn nhất, vì có một tội nặng nhất mà con đã không phạm tội ấy.

          Chàng thanh niên ngẩng đầu lên nhìn cha Vicardi ngạc nhiên hỏi :

          - Thưa cha, làm sao cha biết ? Tội đó là tội nào vậy ?

          Cha Vicardi trả lời :

          - Tội nặng nhất mà con đã không phạm, đó là con đã không nghi ngờ và thất vọng  về lòng từ bi của Chúa. Sở dĩ cha biết như thế, vì nếu không, thì con đã không đến đây để xin lãnh nhận Bí tích Giải tội. Vậy, nhân danh Đấng giầu lòng từ bi và yêu thương mà con vẫn hằng tin tưởng cậy trông, cha tha thứ hết mọi tội lỗi cho con. Con hãy về, và cố gắng đền đáp lòng yêu thương tha thứ của Chúa nhá.

                                                                   Lm Giuse Đinh Lập Liễm

                                                                   Đà Lạt


Lm. Đinh Lập Liễm - Chia Sẽ Tin Mừng Ngày Thường