Thứ sáu tuần 3 thường niên
Dụ ngôn hạt cải
(Mc 4, 26-34)
1.
Hôm nay Đức Giêsu đưa ra hai dụ ngôn để nói về Nước Trời. Chúa ví Nước Trời như
hạt giống được gieo xuống đất. Nó tự mọc
lên rồi trổ bông sinh trái, người gieo giống không hay biết gì hết. Còn dụ ngôn
hạt cải nói lên sức phát triển mạnh mẽ của nó. Hạt cải là loại hạt nhỏ bé nhất
trong các hạt giống nhưng khi nó mọc lên nó sẽ thành cây lớn đến nỗi chim trời
có thể đến trú ẩn dưới bóng nó được. Đức Giêsu dùng hai dụ ngôn này để ví với Hội
thánh. Lúc đầu chỉ có ít người tin theo,
nhưng dần dần, Hội thánh sẽ lan rộng khắp
nơi, làm chốn nương tựa cho mọi người được hạnh phúc và được rỗi.
2. Nước
Thiên Chúa được thiết lập giống hệt như tiến trình gieo gặt trọn vẹn : từ hạt
giống, hạt nảy sinh thành cây, rồi thành bông trái. Như người dân Palestine, sau khi gieo hạt giống,
họ âm thầm chờ đợi lúa chín để gặt hái, chứ không hề biết hạt giống được gieo
xuống đất đã phát triển như thế nào : Đức Giêsu cũng gieo hạt giống Nước Trời
nơi tấm lòng con người, cùng với ơn Chúa, Nước đó âm thầm phát triển lan rộng
khắp thế giới, tạo nên mùa gặt các linh hồn.
Đức Giêsu chỉ đích thân có mặt
trong mùa gieo giống và mùa gặt hái. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian
chờ đợi, Ngài vẫn tiếp tục hoạt động một cách vô hình, qua Chúa Thánh Thần và
Giáo hội. Khi Nước Thiên Chúa đã phát triển đến mức tột độ, Ngài sẽ trở lại
trong vinh quang, thu hoạch mùa gặt của Ngài.
3.Đức
Giêsu sánh ví Nước Thiên Chúa như hạt cải. Dụ ngôn này cho thấy vẻ tương phản
rõ rệt giữa một bên là sự nhỏ bé, vô nghĩa lúc ban đầu, và bên kia là kết quả
cuối cùng lại phong phú không ngờ. Chúng
ta nên nhớ : cây cải ở xứ Palestine khác
với cây cải ở xứ ta. Ở Palestine hạt cải mọc lên thành cây to đến nỗi chim trời
có thể đến trú ẩn.
Ông Thompson trong cuốn “Xứ thánh và Kinh thánh” đã viết :”Tôi đã thấy cây này trong cánh đồng phì
nhiêu ở Akka, nó cao bằng con ngựa và người cưỡi ngựa. Với sự giúp đỡ của người
hướng dẫn, tôi đã nhổ được một cây cao hơn 4 mét”
Ví dụ
này của Đức Giêsu không thổi phồng sự thật
chút nào. Người ta vẫn thấy những loại cải hay cây cải to như vậy có bầy chim
bu quanh, vì chim thích những hạt cải đen nên chúng đậu trên cây để ăn. Vì thế,
Đức Giêsu mới nói rằng Nước Ngài giống như hạt cải lớn lên thành cây.
4. Dụ
ngôn hạt cải là dụ ngôn cuối cùng về Nước Thiên Chúa. Cũng như các dụ ngôn trước,
dụ ngôn này được rút ra từ đời sống thôn dã. Nó đưa ra một nét tương phản hấp dẫn
: hạt cải nhỏ xíu trở thành một cây to lớn.
Nước
Thiên Chúa cũng mang nơi mình một nghịch lý tương tự : Dưới cái nhìn của Marcô,
dụ ngôn hạt cải chứa đựng cách diễn tả tuyệt vời về bí mật Messia. Cho đến lúc này, hành vi của Đức Giêsu có thể
bị coi là vô nghĩa và Nước Thiên Chúa vẫn chỉ là một thực tế khiêm tốn. Dù vậy,
các dân ngoại đang nhìn thấy sự tăng trưởng dị thường của nó như các Kitô hữu ở
Rôma đã kinh nghiệm được điều này. Chính Giáo hội tiên khởi, dù yếu đuối, vẫn ý
thức được mình đang tham dự vào sự thành
công của một công trình đã sẵn tiềm tàng nguồn sinh lực vô biên, công trình này
sẽ đạt tới mức hoàn vũ vào cuối giai đoạn phát triển của nó.
5.
Qua bài Tin Mừng này, chúng ta hãy tin tưởng vào sức phát triên của Nước Thiên
Chúa. Nước Chúa vẫn âm thầm phát triển, nhưng Chúa cũng cần chúng ta góp phần
vào, dù ít dù nhiều như thánh Phaolô đã nói :”Tôi trồng, Apollô tưới, nhưng chính Thiên Chúa cho mọc lên. Vì thế, kẻ
trồng hay người tưới chẳng là gì cả. Nhưng Thiên Chúa Đấng làm cho lớn lên mới
đáng kể” (1Cr 3,6-7). Nếu chúng
ta biết nghĩ như thánh Phaolô thì chúng ta không còn ngại gieo hạt giống Nước
Chúa, cũng không vội ngã lòng khi thấy công gieo vãi của mình chưa sinh kết quả.
6. Truyện : Giải đáp ba thắc mắc.
Một
hôm, cha Petitjean đến giảng đạo tại Nagasaki cho một số đông người Nhật. Nghĩ
rằng họ đều là người bên lương nên sau bài giảng, ngài tươi cười hỏi :
- Anh
em có thắc mắc gì không ?
Một
người đưa tay đặt câu hỏi :
-
Chúng tôi muốn được hỏi ông ba điều, yêu cầu ông trả lời có hay không ? Câu hỏi
thứ nhất, các ông có tin Đức Mẹ Đồng trinh không ?
- Có.
Câu hỏi
thứ hai : các ông có vâng lời và thông hiệp với Đức Thánh Cha không ?
- Có.
Câu hỏi
thứ ba : Là Linh mục, các ông có giữ mình đồng trinh và sống độc thân không ?
- Có.
- Vậy
thì mấy trăm người chúng tôi đây với ông là đồng đạo. Chúng tôi là người Công
giáo cả đây.
Cha
Petitjean bàng hoàng như từ cung trăng rơi xuống. Cha con âu yếm ôm cổ nhau.
Nhà truyền giáo hỏi :
Bấy
lâu nay, có ai giảng dạy cho các anh không ?
- Thưa
cha, không có ai suốt hai thế kỷ rồi !
Đó là nhờ ông bà tổ tiên chúng con truyền lại, rồi chúng con âm thầm cầu nguyện,
dạy giáo lý cho con em, đoàn kết đùm bọc nhau từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Ông bà chúng con trước khi chết có nhắn nhủ : Sau này có ai đến giảng đạo hãy cảnh
giác, phải lấy ba tiêu chuẩn ấy mà nhận xem họ có phải là các cha đích thực, là
người của Hội thánh sai đến.
Giáo
hội Nhật Bản đã tái sinh.
Lm
Giuse Đinh Lập Liễm
Đà
Lạt