Thứ hai tuần 4 thường niên
Chúa Kitô trừ quỷ
(Mc
5,1-20)
1. Vừa đến miền Ghêrasa, Chúa Giêsu gặp ngay một người bị
quỷ ám. Anh ta thường ở nơi mồ mả. Thấy Chúa Giêsu, anh ta tuyên xưng Người là
Con Thiên Chúa và xin Người đừng làm khổ anh. Chúa đuổi quỷ ra khỏi anh. Ma quỷ
liền xuất ra khỏi người đó và nhập vào đàn heo, làm cho đàn heo lao mình xuống
biển chết hết ! Những người chăn heo thấy
vậy hoảng hốt chạy báo tin khắp nơi. Dân chúng tuốn đến thì thấy người trước kia bị quỷ ám đang tề chỉnh ngồi đó. Họ khiếp sợ nên xin Chúa rời khỏi địa hạt của họ.
2. Người Do thái thời Chúa Giêsu có cái nhìn rất miệt thị đối
với dân ngoại, họ xem dân ngoại là những kẻ sống dưới ách nô lệ của ma quỷ, do
đó, cũng cư trú trong những vùng nhơ bẩn chẳng kém gì bãi tha ma. Nhưng đối với
Chúa Giêsu, ranh giới giữa Do thái và dân ngoại không còn nữa. Ngài không chỉ đến
với dân Do thái, mà cả với dân ngoại nữa. Chính cho dân ngoại mà Chúa Giêsu cũng mang ơn cứu độ đến, và ơn
cứu độ ấy được thánh Marcô mô tả bằng những
hình anh rất sống động : Chúa Giêsu đã trục xuất cả đạo binh ma quỉ ra khỏi người
bị quỉ ám, nguyên một bầy heo lao mình xuống biển. Tin Mừng được loan báo cho
dân ngoại qua miệng người vừa được chữa lành.
3. Tình trạng người bị quỉ ám được nói đến trong Tin Mừng
hôm nay rất đáng thương. Dưới sự kềm tỏa của thần ô uế, anh ta đã bị tước mất
tình người và bị cách ly với cộng đoàn. Đó là hình ảnh của những ai đang còn sống
dưới sự chi phối của ma quỷ. Họ có thể
là những người tôn thờ ma quỷ, qua việc sử dụng bùa ngải; hoặc đang sống trong
sự chối bỏ Thiên Chúa và chìm đắm trong tội lỗi. Họ có thể là những dân tộc
chưa được đón nhận Tin Mừng, đang sống trong sự tối tăm lầm lạc.
4. Chúa Giêsu đối diện với cả một “cơ binh quỷ dữ” để dành
lấy một con người. Chúa Giêsu không chỉ kéo một con người ra khỏi tội lỗi và đời
sống xấu xa, mà còn nhấn chìm tận căn cả bè lũ satan cùng với sự ô uế tội lỗi,
mà chuyện gần cả hai ngàn con heo từ “trên núi” lao “xuống biển” chết sạch là một
biểu tượng.
Cả đàn heo đã lao từ trên núi xuổng chết đuối nói lên ý
nghĩa : Núi trong quan niệm Thánh Kinh của Do thái là nơi hiện diện của thần
linh; biển là nơi ẩn náu của ma quỷ xấu xa tội lỗi. Chúa Giêsu đã tống xuống biển
cả và dìm chết ma quỷ và sự ô uế, đòi lại chủ quyền cho Thiên Chúa, lấy lại sự
thánh thiện và đời sống thiêng liêng trong sạch cho con người. Đó là nội dung
Tin Mừng cần chuyển tải, chứ không phải tính lịch sử của câu chuyện.
Như vậy, trước ánh sáng thần hóa của Thiên Chúa thì mọi thứ
nhơ uế bị quét sạch; có Chúa Giêsu ngự trong con người thì quỷ ma không thể làm
gì được. Chúng ta là Kitô hữu, chúng ta đang được ở trên “núi thánh” của Chúa,
chúng ta hãy năng đến với Chúa Giêsu Thánh Thể để Ngài xua đuổi “bầy heo ma quỷ”
ra khỏi tâm hồn chúng ta (Hiền Lâm).
5. Chúa Giêsu đã bầy tỏ quyền năng của Người. Sức mạnh của
Người là sức mạnh vô song. Chẳng những Người trừ thần ô uế, mà còn tiêu diệt
chúng để giải thoát con người khỏi tình trạng tha hóa thiêng liêng và tâm tình
sợ hãi.
Để chứng tỏ Chúa Giêsu có sức mạnh vô song, trước tiên
thánh Marcô nhấn mạnh đến tính cách trầm
trọng của cơn bệnh mà người bị quỷ ám đã phải chịu. Rõ ràng là bệnh tật, sức ác
càng trầm trọng thì người chữa trị càng phải cao tay. Tên quỷ đã bẻ cong được
gông cùm và xiềng xích, thì Đấng chế ngự được nó nhất định phải mạnh hơn. Chúa
đã trừ khử được tên quỷ đó, chứng tỏ sức mạnh của Chúa là sức mạnh vô địch.
6. Truyện : Ai
lớn hơn.
Một bé trai hỏi bố :
- Quỷ lớn hơn con không ?
- Lớn hơn.
- Quỷ lớn hơn bố không ?
- Lớn hơn.
- Quỷ lớn hơn Chúa Giêsu không ?
- Không con ạ. Chúa Giêsu lớn hơn quỷ.
Chú bé thinh lặng, rồi mỉm cười :
- Vậy con không sợ quỷ.
Lm Giuse Đinh Lập Liễm
Đà
Lạt