Thứ năm tuần 4 thường niên
Chúa sai các Tông đồ
đi truyền giáo
(Mc
6,7-13)
1. Sau một thời gian huấn luyện, hôm nay Chúa Giêsu sai các
Tông đồ đi thực tập truyền giáo. Chúa sai các ông đi từng hai người một, ban
cho các ông có quyền chữa bệnh và khử trừ ma quỉ. Người không cho các ông mang
theo gì, trừ ra cây gậy và đôi dép, để các ông hoàn toàn phó thác vào Người.
Người dặn bảo các ông : đến nơi nào thì cứ kiên trì ở đó giảng và làm phúc cho họ. Nếu nơi nào người ta không
chịu nghe lời thì hãy đi nơi khác, nhưng hãy cảnh cáo cho họ biết lỗi của họ.
2. Hôm nay các Tông đồ bắt đầu thực tập công việc truyền
giáo. Trong thời gian qua, các ông đã được trong thấy việc Chúa làm, Chúa giảng
dạy... thì giờ đây đến lượt các ông phải nói và làm. Tuy thời kỳ huấn luyện các ông còn chưa xong – chỉ đến ngày lễ Hiện
Xuống việc này mới kết thúc – nhưng các ông có thể thử nghiệm cho biết cuộc đời
truyền giáo là thế nào.
3. Chúa muốn các ông
sống khó nghẻo và đơn sơ phó thác.
Chúa Giêsu căn dặn các tông đồ không được mang theo gì cả,
các ông phải ra đi không cồng kềnh vướng vít, không mang theo ngay cả đồ ăn thức
uống nữa.
Xem ra đây là một điều kiện để người truyền giáo có được thảnh
thơi. Ra đi không hành lý, chính là từ chối kéo theo mình những gì là riêng tư,
và phô ra trước mặt người khác, tiền bạc, của cải, uy thế của mình... Ra đi không
hành lý là muốn nói lên rằng chỉ có bản thân, tư cách con người truyền giáo mới
là chiếc xe tốt cần thiết cho việc đi rao giảng Tin Mừng. Làm chứng là nói bằng
chính con người và đời sống của mình, chứ không phải bằng những lời nói xuông
mà thôi, nghĩa là sống sao thì dạy vậy, và dạy sao thì sống vậy.
4. Một khía cạnh khác của nếp sống nghèo cần có đối với người
truyền giáo là chấp nhận lòng hiếu khách của người ta, sẵn lòng khi được người
ta mời. Người ta dễ nhận mình hơn khi ta không choán hết chỗ của họ. Ta đến
không mang theo đồ đạc lỉnh kỉnh, người ta sẵn lòng đón tiếp ta; hai việc này
thường đi đôi với nhau. Ai cũng biết rõ rằng nếu ta tới nhà họ với đôi bàn tay
trống – ngoại trừ chứng từ của đời sống ta – thì sự tiếp đón của họ mới thật
trong sáng : người ta sẽ tỏ ra quan tâm đến chứng từ, chứ không phải vì món đồ
nào đó được cất giấu trong những chiếc Va-li của ta.
5. Chúa muốn các nhà
truyền giáo làm chứng cho Người.
Mỗi người chúng ta có trách nhiệm phải thi hành sứ mạng
tiên tri nghĩa là phải làm chứng cho Chúa Giêsu như lời Người dạy :”Các con là chứng nhân của Thầy”. Rao giảng Tin Mừng và làm chứng cho Chúa
không phải chỉ dùng lời nói suông nhưng phải dùng cả đời sống, cả con người của
mình để làm chứng, vì con người chúng ta là phương tiện hữu hiệu để chỉ cho người
ta biết Thiên Chúa. Vì vậy, mỗi người phải có đời sống gương mẫu để xứng đáng
là “chứng nhân” của Chúa, ngược lại chỉ
là những“phản chứng” thôi. Cho nên chúng ta có thể nói : cách giảng hữu hiệu nhất
là làm chứng, và cách làm chứng hữu hiệu nhất là cuộc sống nghèo, không cần gì
khác ngoài ơn Chúa. Về phương diện này có người kể lại rằng :”Đã có lần Lénine nói về thánh Phanxicô
Assisi :”Để có thể thay đổi bộ mặt thế giới, có lẽ chỉ cần 10 con người như vậy”
(Trích Mỗi ngày một Tin vui”.
6. Chúa cũng muốn
chúng ta phải làm chứng nhân cho Chúa.
Mỗi công việc đều có phương tiện để đạt tới mục đích. Trên
thế giới này có biết bao nhiêu ngàng nghề, biết bao lãnh vực cho nên có vô vàn
vô số những phương tiện thích hợp. Trong lãnh vực truyền giáo, Chúa cũng dùng đủ
mọi phương tiện để nhờ đó người ta có thể nhận biết Chúa, nhưng phương tiện sống
động và hữu hiệu nhất là chính con người chúng ta, chính con người chúng ta là
dấu ấn của Thiên Chúa để người ta trông thấy chúng ta thì đồng thời cũng nhìn
ra Chúa. Trong việc phong thánh cho linh mục Gioan Vianney, cha sở xứ Ars, một
nhà điều tra phong thánh có hỏi một người trong giáo xứ về đời sống của Ngài,
thì người giáo dân ấy chỉ trả lời vỏn vẹn
bằng mấy chữ :”Tôi đã trông thấy Thiên
Chúa trong một con người”.
7. Truyện :
Thánh Phanxicô Assisi giảng đạo.
Ngày kia, thánh Phanxicô Assisi nói với thầy dòng :”Nào
chúng ta cùng đi phố và giảng đạo”. Hai người ra đi, hết con đường trước mặt,
quẹo sang đường khác rồi về nhà. Thầy dòng thắc mắc hỏi :”Con nghe ngài nói là
mình đi phố và giảng đạo cơ mà” ! Thánh Phanxicô đáp :”Chúng ta đã giảng đạo rồi
đó ! Khi chúng ta đi đường. Mọi người nhìn ta, thấy phong cách của ta, nghĩ về
đời sống của ta và rồi họ sẽ thắc mắc về nguồn sống linh hồn của họ. Như thế chẳng
phải là ta đã giảng đạo cho họ rồi sao” ?
Câu nói của thánh nhân quả là khôn ngoan. Người Kitô hữu không có cách truyền giáo nào
hay hơn là chính đời sống chứng tá của họ (Góp nhặt).
Lm
Giuse Đinh Lập Liễm
Đà
Lạt